Tiếng Việt | English

20/09/2017 - 11:27

Nông nghiệp Long An: Thành tựu và hướng đi mới

Khắc phục khó khăn từ thiên nhiên, biến thách thức thành cơ hội phát triển, đến nay, lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng toàn diện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch nhanh, đúng hướng. Đặc biệt, sản xuất ngày càng đi vào chiều sâu về hiệu quả, chất lượng, các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung ngày càng nhiều, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất từng bước được nâng lên, góp phần giảm giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.

Thời kỳ gian khó

Nói đến vùng Đồng Tháp Mười, ai cũng nghĩ, đó là vùng hoang sơ, sình lầy, đất nhiễm phèn nặng chỉ có cỏ dại, năn, lác mới sống được. Một vùng thiên nhiên và địa chất hết sức khắc nghiệt, được ví “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”.

Hàng năm, sản lượng lúa của tỉnh đạt hơn 2,8 triệu tấnĐất nhiễm phèn, gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất cũng như đời sống, sinh hoạt của người dân. Gia đình ông Trần Văn Nguyên, ngụ xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, nhớ như in những ngày gian khó khi vào Đồng Tháp Mười lập nghiệp.

Ông Nguyên nhớ lại: “Thời ấy, ở nơi đây rất hoang vắng, đi cả cây số mới gặp được một nóc nhà. Nguồn nước bị nhiễm phèn nặng. Người dân nơi đây phải dùng khăn rằn cột hai đầu lại, bỏ tro bếp vào để lọc lấy nước uống. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, năng suất bấp bênh, năm được mùa, năm mất mùa”.

Còn các huyện vùng hạ của tỉnh: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, những năm trước, chủ yếu độc canh cây lúa; vật nuôi, cây trồng khác phổ biến sản xuất nhỏ, lẻ.

“Hầu hết nông dân chỉ làm 1 vụ lúa/năm, với các loại giống lúa dài ngày: Tàu Hương, Nàng Thơm, Nàng Quớt, Tài Nguyên, Nếp Nho,... cho năng suất thấp, bấp bênh, từ 1-2 tấn/ha. Kết cấu hạ tầng còn yếu kém, kênh, mương chưa nhiều, hàng hóa rất ít, buôn bán gặp nhiều trở ngại”- ông Nguyễn Văn Hận, ngụ xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, nói.

Bước chuyển vượt bậc

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân, Long An có bước chuyển thành công trong việc khai phá Đồng Tháp Mười, cải tạo vùng đất lung phèn, hoang hóa thành đất sản xuất nông nghiệp phì nhiêu. Những cánh đồng 1 vụ lúa/năm, năng suất bấp bênh phát triển thành cánh đồng từ 2-3 vụ/năm và trở thành vựa lúa lớn của tỉnh và cả nước.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề trồng lúa trên vùng đất Đồng Tháp Mười, ông Huỳnh Văn Chương, ngụ xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, biến 30ha đồng cỏ ngập nước trước kia thành đồng lúa tốt tươi, trĩu hạt. Từ việc chỉ làm được 1 vụ/năm với năng suất khoảng 1-2 tấn/ha thì nay, ông Chương cùng rất nhiều nông dân khác sản xuất được 2-3 vụ lúa/năm, năng suất trung bình 6-7 tấn/ha/vụ, thậm chí có năm lên đến 8-9 tấn/ha/vụ.

Ngoài những vùng trồng lúa truyền thống ở khu vực Đồng Tháp Mười, các huyện còn đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản xuất, phát triển phù hợp thổ nhưỡng từng vùng, từng khu vực. Có nhiều loại cây trồng, vật nuôi được phát triển trở thành thế mạnh, đặc sản của địa phương: Thanh long (Châu Thành), rau màu (Cần Đước, Cần Giuộc), tôm (Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc), bò (Đức Hòa, Đức Huệ), dưa hấu, mè (Vĩnh Hưng, Tân Hưng), khoai mỡ (Thạnh Hóa, Mộc Hóa),...

Phát triển cây thanh long, đời sống nông dân Châu Thành được nâng lênÔng Nguyễn Văn Sĩ, ngụ xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, cho biết: Sau gần 10 năm chuyển đổi đất ruộng sang trồng thanh long, cuộc sống gia đình tôi khá hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây. Với 0,5ha thanh long, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm, thu nhập tăng từ 7-10 lần so với trồng lúa. Với thu nhập từ trồng cây thanh long ổn định, những năm gần đây, cây thanh long nhanh chóng phủ xanh diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Đất đai được chăm bón màu mỡ hơn, ít phèn, kết cấu hạ tầng nông nghiệp được đầu tư cải tạo, nhận thức của người dân được nâng lên,... tất cả hội tụ thành yếu tố và điều kiện thuận lợi không chỉ cho sản xuất lúa mà cả một số cây trồng khác theo hướng “đa dạng hóa cây trồng, xây dựng và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa”.

Thực hiện Chương trình đột phá theo Nghị quyết Ðại hội X Ðảng bộ tỉnh về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh xây dựng đề án chọn 3 cây, 1 con để thực hiện, phấn đấu đến năm 2020, tỉnh có 20.000ha sản xuất lúa ƯDCNC ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại 3 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; 500-1.000 con bò theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đức Hòa và Đức Huệ.

Phấn đấu đến năm 2020, Long An có 2.000ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAPGiám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - Lê Văn Hoàng cho biết: “Mục đích xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC là phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.  Thời gian tới, ngành phối hợp các ngành liên quan, địa phương trong việc triển khai thực hiện đề án, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tích cực vận động nông dân tham gia thực hiện”.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là hệ thống giao thông, điện, thủy lợi nội đồng,... đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa các khâu sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nông sản,...

Bên cạnh đó, tổng hợp đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng hóa thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm hướng đến phát triển thị trường xuất khẩu, tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp./.

Kiên Cường

Chia sẻ bài viết