Tiếng Việt | English

02/07/2019 - 08:55

Nông sản chất lượng, an toàn sẽ được tin dùng

Để tạo được niềm tin cũng như bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, ngành chức năng, các địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất sản phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng. Một khi nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng sẽ giải quyết được vấn đề đầu ra cũng như được nhiều người tin dùng.

Để có thực phẩm an toàn

Hiện nay, chanh không hạt là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Toàn tỉnh Long An hiện có khoảng 8.370ha chanh không hạt, trồng chủ yếu tại các huyện: Bến Lức, Đức Huệ và Thạnh Hóa. Sản phẩm chanh không hạt được xuất khẩu sang các nước Trung Đông chiếm 55%, 30% xuất sang các nước châu Á như Singapore, Malaysia, Trung Quốc,... và châu Âu, 15% tiêu thụ nội địa. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu trái chanh của tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao, bên cạnh đó là trái thanh long, gạo, hạt điều,... Dự kiến phát triển diện tích chanh của tỉnh đến năm 2020 là 10.000ha, thực hiện các giải pháp sản xuất theo hướng VietGAP, sử dụng công nghệ bảo quản, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bến Lức có khoảng 520ha chanh được doanh nghiệp hỗ trợ (hầu hết thuộc các tổ hợp tác và hợp tác xã) về mặt kỹ thuật và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm

Bến Lức hiện có diện tích sản xuất chanh không hạt nhiều nhất tỉnh với khoảng 5.500ha, trong đó có 5.100ha đang cho trái, sản lượng bình quân khoảng 8 tấn/ha/năm. Để nâng cao chất lượng trái chanh, đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu, địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) và phát triển các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Thuận thông tin, chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC được huyện quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020 có 1.200ha chanh ƯDCNC nhằm cải thiện chất lượng trái, bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu. Hiện toàn huyện có 720ha chanh ƯDCNC, dự kiến đến cuối năm 2019 đạt 900ha.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Lợi (ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) là một trong những HTX đi đầu thực hiện chương trình sản xuất chanh không hạt ƯDCNC. Giám đốc HTX - Lê Văn Mà chia sẻ: “HTX chuyên sản xuất chanh không hạt với diện tích 33ha và bắt đầu ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH The Fruit Republic Cần Thơ từ năm 2018 đến nay. Hiện công ty ký hợp đồng với giá 17.000 đồng/kg/năm. Thuận lợi lớn nhất của HTX là được các kỹ sư nông nghiệp của công ty đến hướng dẫn kỹ thuật trồng để cây chanh đạt năng suất tốt, chất lượng trái bảo đảm đạt chuẩn VietGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Trung Đông”.

Cũng theo ông Lê Văn Thuận, hiện nay, Bến Lức có khoảng 520ha chanh thực hiện theo hình thức doanh nghiệp hỗ trợ nông dân (hầu hết thuộc các tổ hợp tác và HTX) về mặt kỹ thuật và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đạt 9,5% diện tích chanh toàn huyện. Hầu hết diện tích chanh có bao tiêu đầu ra đều được quản lý tốt về chất lượng. Đại diện Công ty TNHH The Fruit Republic Cần Thơ chia sẻ, UBND tỉnh cho phép công ty triển khai dự án giúp hộ sản xuất nhỏ làm giàu từ chuỗi giá trị cây có múi. Với dự án này, công ty hy vọng nông dân hiểu, nắm bắt và thực hành sản xuất chanh cũng như các loại cây ăn trái khác đạt chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.

Phải quản lý tốt nguồn gốc

6 tháng đầu năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh thu 454 mẫu kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản bằng hình thức kiểm tra nhanh, phát hiện 2 mẫu khô nhiễm hàn the. Đoàn thanh tra chuyên ngành về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp cũng tiến hành thu 119 mẫu, phát hiện 15 mẫu nông, lâm, thủy sản nhiễm vi khuẩn Salmonella và 2 mẫu phân bón kém chất lượng. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh thanh tra, kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, sản phẩm có nguồn gốc nông sản, phát hiện và xử phạt nhiều cơ sở vi phạm.

Châu Thành có 322,8ha thanh long được chứng nhận VietGAP

Châu Thành có 322,8ha thanh long được chứng nhận VietGAP

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, trên địa bàn tỉnh có quy định phân cấp cơ quan thẩm định và quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, nhờ tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến nông dân, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng về lợi ích của việc sản xuất, sử dụng nông sản an toàn nên hành vi sản xuất và tiêu dùng dần thay đổi.

Bà Đinh Thị Phương Khanh chia sẻ, những con số vi phạm trên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản được ghi nhận thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan, đơn vị chức năng chỉ phản ánh phần nào về chất lượng nông sản và thực trạng vi phạm về an toàn thực phẩm. Công tác quản lý nguồn gốc nông sản hiện còn gặp không ít khó khăn. Bởi, một bộ phận người tiêu dùng trong nước “dễ tính”, chưa chú trọng chọn lựa thực phẩm là nông sản có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở thu mua nông sản chưa yêu cầu nông dân sản xuất sản phẩm an toàn. Chính vì vậy, một số nông sản sau khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất an toàn theo chuỗi,... có giá bán chưa cao hơn so với sản phẩm chưa được chứng nhận an toàn. Điều này làm cho nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn.

Huyện Châu Thành triển khai Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ƯDCNC. Hiện toàn huyện có trên 9.100ha thanh long. Đến tháng 6/2019, toàn huyện thực hiện sản xuất thanh long ƯDCNC được trên 2.077ha với 3.520 hộ dân tham gia. Tuy diện tích sản xuất thanh long trên địa bàn huyện lớn nhưng chỉ có 322,8ha với 483 hộ sản xuất được chứng nhận VietGAP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổ chức hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cho 11 tổ hợp tác với diện tích 272ha, 417 hộ.

Co.opMart Tân An đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ nông sản an toàn trên nhiều mặt hàng như thịt heo, thịt gà, rau, củ, quả

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, thanh long là 1 trong 8 loại quả phía Trung Quốc đang siết chặt các yêu cầu về nguồn gốc, chất lượng khi nhập khẩu. Trong khi đó, phần lớn trái thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên giá trị không cao và thường xuyên bị ép giá từ tư thương. Mặc dù thị trường Trung Quốc đang “siết chặt” nguồn gốc nhập khẩu trái cây theo đường chính ngạch nhưng ở đường xuất khẩu tiểu ngạch vẫn đang bỏ ngỏ. Tương tự, tại thị trường nội địa, nhất là ở các chợ truyền thống, chợ tự phát, người tiêu dùng còn “dễ tính” và chưa chọn sản phẩm an toàn. Trước những rủi ro trong xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch, doanh nghiệp và nông dân cần nhận thức rõ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, giảm rủi ro.

Giám đốc Co.opMart Tân An - Nguyễn Thị Hoàng Anh cho rằng, muốn quản lý tốt chất lượng nông sản, doanh nghiệp phân phối hàng hóa hay bán lẻ phải xây dựng uy tín thương hiệu thông qua liên kết bán hàng. Hiện tại, Saigon Co.op cũng như Co.opMart Tân An đẩy mạnh liên kết và tiêu thụ nông sản an toàn trên nhiều mặt hàng như thịt heo, thịt gà, rau, củ, quả,... Từ đó, giúp HTX, nhà sản xuất làm ra sản phẩm an toàn, liên kết tiêu thụ và tránh không bị thương lái ép giá. Xa hơn, nông sản an toàn sẽ vươn ra thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bán lẻ hay tiểu thương muốn được khách hàng tin dùng thì phải minh bạch thông tin về sản phẩm./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết