Tiếng Việt | English

13/06/2020 - 09:45

Nông thôn mới, con người mới

“Không thể cái gì cũng trông chờ vào Nhà nước mà mình phải có ý thức, trách nhiệm để cùng xây dựng quê hương bằng những việc làm, đóng góp riêng, không phân biệt nhiều hay ít” - đó là tâm sự của những nông dân khi nói về chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Ai cũng có thể đóng góp

Trong XDNTM, nông dân vừa là chủ thể hưởng thụ, vừa là hạt nhân góp sức thực hiện. Tuy nhiên, lúc đầu, nhiều người suy nghĩ, đóng góp XDNTM là rất khó, chỉ những người có điều kiện kinh tế khá giả mới có thể tham gia. Thế nhưng, dần dần, người dân hiểu và nhận ra, bất cứ ai cũng có thể tham gia thực hiện mà không phân biệt giàu, nghèo. Có điều kiện thì hiến đất, góp tiền; nếu không thì đóng góp công sức lao động, đi tuyên truyền, vận động, không đổ rác, xả thải gây ô nhiễm môi trường, chấp hành tốt pháp luật, sống gương mẫu, giữ gìn mối đoàn kết trong cộng đồng, xây dựng gia đình hạnh phúc,... Tất cả những đóng góp, việc làm đó, dù lớn hay nhỏ, nhiều hay ít đều được trân quý, ghi nhận.

“Để xây dựng thành công chương trình NTM thì phải có những con người mới. Đó là những người luôn có ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và quê hương, đất nước” - bà Nguyễn Thị Bảy, ngụ xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An chia sẻ.

10 năm - một chặng đường chưa dài nhưng cũng đủ để thấy chương trình XDNTM đã mang lại nhiều thay đổi cho những vùng quê, đời sống nhân dân được nâng cao. Qua chương trình này càng thể hiện rõ ý Đảng - lòng dân hòa quyện. “Khi chủ trương đúng thì người dân luôn đồng tình ủng hộ, chung tay thực hiện” - ông Nguyễn Văn Thành, ngụ xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, bày tỏ.

Nhìn lá cờ Tổ quốc đỏ tươi treo ở bên con đường nhựa chạy qua trước nhà phấp phới tung bay trong gió, ông Thành tin tưởng, quê hương sẽ thay đổi nhanh chóng hơn nữa. Cảm nhận đó của ông Thành cũng là điều dễ hiểu. Bởi hơn ai hết, ông là người sinh sống tại địa phương và hiểu rõ về sự thay đổi của xóm, ấp, từng con đường, công trình và đặc biệt là “làn gió” NTM mang lại. 

Như ông Thành chia sẻ, xã Mỹ Hạnh Nam, nơi gia đình đang sinh sống, vốn là xã nông nghiệp, khó khăn nhưng bây giờ hạ tầng được đầu tư khang trang. Đặc biệt, xã còn phát triển mạnh về công nghiệp. Những năm qua, xã không chỉ là mảnh đất thu hút đầu tư mà còn là “đất lành” đối với nhiều người lao động đến từ các tỉnh, thành khác.

Mỗi người có cách làm, đóng góp khác nhau

Qua 10 năm thực hiện, chương trình XDNTM đã huy động được nhiều nguồn lực, đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Nói về điều này, Trưởng ban Kinh tế Xã hội Hội Nông dân tỉnh - Trần Minh Nhựt cho biết: “Trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều tấm gương điển hình nông dân hiến đất làm đường, xây cầu, mở trường, khơi thông thủy lợi và hăng say lao động, sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình, quê hương,...”.

Một trong những nông dân đó có ông Nguyễn Văn Thơi, ngụ ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng. Mặc dù giá trị đất rất lớn nhưng vì cái chung, sự phát triển của cả vùng nên ông không đắn đo khi quyết định hiến gần 5ha đất ruộng cho Nhà nước để làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi. Trong đó, nổi bật là tuyến đường bờ Tây kênh Ngang nối liền 2 xã Vĩnh Đại và Vĩnh Bửu.

Trước đây, việc đi lại ở khu vực này rất khó khăn, chủ yếu bằng xuồng. Từ khi con đường được xây dựng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa rất thuận tiện. Trong đó, gia đình ông cũng được thụ hưởng nhiều lợi ích từ con đường mang lại.

Ông Nguyễn Văn Thơi (đứng bên máy cày) hiến gần 5ha đất làm đường giao thông

Ngoài hiến đất, ông Thơi còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện - xã hội ở địa phương. Hàng năm, khi mùa lũ về, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, ông ra công bồi đắp để người dân, trẻ em đi lại thuận tiện hơn. Hàng năm, ông còn đóng góp các loại quỹ của địa phương hàng chục triệu đồng, tặng học bổng cho học sinh nghèo và sẵn lòng giúp đỡ những hộ khó khăn bằng cách cho mượn lúa giống không tính lãi,... “Tôi rất vui khi được đóng góp vật chất, công sức để góp phần xây dựng và phát triển quê hương” - ông Thơi trải lòng.

Anh Cao Phú Khánh (34 tuổi), ngụ xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, cũng là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại quê nhà. Năm 2012, anh vay mượn của người thân 20 triệu đồng đầu tư nuôi 1.000 con ếch trong vèo trên phần đất của gia đình. Sau gần 3 tháng nuôi, anh thu hoạch, trừ chi phí, còn lãi hơn 8 triệu đồng. 

Từ đợt nuôi đầu tiên này, anh giữ lại 100 con ếch sinh sản để tiếp tục nhân giống, mở rộng quy mô nuôi. Năm 2013, anh mạnh dạn vay mượn thêm vốn để nuôi, lai tạo giống cá rô, cá trê. Cứ thế, từ 2013 đến nay, anh duy trì nuôi, ươm ếch, cá rô, cá trê trên diện tích 3ha và mang lại lợi nhuận cả tỉ đồng mỗi năm. 

Anh Cao Phú Khánh là nông dân điển hình về sản xuất giỏi

Nhận thấy sản xuất cần sự liên kết để sản phẩm được bao tiêu ổn định hơn, năm 2017, anh Khánh thành lập Hợp tác xã Nuôi thủy sản Long Thạnh. Ngoài 7 thành viên hợp tác xã, anh còn liên kết được 80 hộ trên địa bàn xã và địa phương lân cận nuôi cá, ếch. Tất cả đều được anh cung cấp con giống bảo đảm chất lượng, giá rẻ hơn thị trường và hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Khi thu hoạch, hợp tác xã sẽ thu mua cá, ếch cho các hộ để cung ứng ra thị trường.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, anh còn tích cực đóng góp XDNTM, tham gia các hoạt động xã hội, vận động các cơ sở chăn nuôi tặng quà những người còn khó khăn, hộ nghèo tại địa phương. Từ sản xuất nông nghiệp của gia đình, anh tạo việc làm thời vụ cho gần 10 thanh niên và hỗ trợ nhiều người vay vốn để phát triển sản xuất, có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Chương trình XDNTM đã và đang gặt hái được nhiều “quả ngọt”, mang lại làn gió mới làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Mỗi người, mỗi cách làm và mức đóng góp khác nhau, có thể bằng vật chất, ngày công lao động hoặc việc làm, hành động cụ thể trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày nhưng đã tạo nên những thay đổi kỳ diệu ở vùng nông thôn trên các mặt, lĩnh vực.

Câu nói “Không thể cái gì cũng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước” luôn được nhiều người dân nhấn mạnh, nhắc đi, nhắc lại với tôi khi chuyện trò. Với những người nông dân này, đó như một phương châm để có những đóng góp, việc làm thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi chương trình XDNTM./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết