Tiếng Việt | English

25/08/2016 - 09:31

Nông thôn mới phải thực chất, hiệu quả

Chỉ tiêu đề ra, đến năm 2020, toàn tỉnh Long An có 89/166 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, trong thực hiện phải tính toán hợp lý để không xảy ra tình trạng huy động nguồn lực quá sức dân và bị nợ.


Từ chương trình nông thôn mới, nhiều công trình được xây dựng

Từ đầu năm 2016 đến nay, Long An có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới của tỉnh lên 50 xã. Đến 2020, Long An phải có thêm 39 xã nữa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới để đạt chỉ tiêu 89/166 xã nông thôn mới.

Nhiều thách thức

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm cho biết: “Những xã được chọn đưa vào kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm của tỉnh giai đoạn 2016-2020 phải là những xã đạt 17 tiêu chí trở lên. Nếu có nhiều xã đạt trên 17 tiêu chí thì ưu tiên chọn xã có vốn đầu tư thấp nhất (nhất là vốn ngân sách). Trong trường hợp xét 2 tiêu chí trên mà vẫn chưa đạt chỉ tiêu thì xét chọn thêm xã có số tiêu chí đạt cao kế tiếp (16 tiêu chí) và có nhu cầu vốn đầu tư thấp nhất trong nhóm xã đạt 16 tiêu chí."

Dự tính tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 khoảng gần 11.000 tỉ đồng, vì thế trong thực hiện, các địa phương cần chủ động bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách; tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực khác trên địa bàn thật hợp lý để thực hiện nhiệm vụ.

Theo đánh giá của tỉnh, thời gian tới, công tác xây dựng nông thôn mới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó chính là tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, kinh tế tập thể phát triển chậm, việc áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; sản phẩm công nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít; vốn đầu tư cho giao thông, thủy lợi lớn; an ninh, trật tự ở nhiều địa bàn còn diễn biến phức tạp; dạy nghề, giải quyết việc làm còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao;...


Môi trường là tiêu chí mà nhiều xã hiện còn vướng mắc

"Để thực hiện tiêu chí môi trường nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp tốt với các địa phương chú trọng tuyên truyền, khuyến khích phát triển trồng trọt, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; nhân rộng các mô hình xử lý chất thải nông thôn như xây nhà vệ sinh, xử lý chất thải chuồng trại chăn nuôi, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật."

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn

Không để quá sức dân và nợ đọng

Vừa qua, tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, nhiều đại biểu cho rằng, phải quyết liệt thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, trong đó, chú trọng đến chất lượng và hiệu quả. Cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể, ưu tiên thực hiện các tiêu chí dễ trước và công trình có tính cấp thiết để tạo đột phá cho phát triển KT-XH. Đi cùng với đó là nâng chất các tiêu chí đã đạt.

“Để thực hiện tiêu chí môi trường nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp tốt với các địa phương chú trọng tuyên truyền, khuyến khích phát triển trồng trọt, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; nhân rộng các mô hình xử lý chất thải nông thôn như xây nhà vệ sinh, xử lý chất thải chuồng trại chăn nuôi, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật” - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn cho biết.

Đại diện các địa phương, các ngành cũng chia sẻ, những tiêu chí chưa đạt thì phải xác định rõ nguyên nhân, từ đó bàn bạc, có giải pháp cụ thể để thực hiện. Trong thực hiện luôn phát huy dân chủ, minh bạch và phát huy vai trò chủ thể, tự lực, tự cường, tích cực tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư.

“Có minh bạch, dân chủ thì người dân sẽ tin tưởng và đóng góp để cùng chính quyền thực hiện thắng lợi chương trình. Tuy nhiên, mục tiêu cốt lõi là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nên trong thực hiện, các ngành, địa phương phải chú trọng đến hiệu quả chứ không chạy theo hình thức, không để xảy ra huy động quá sức dân. Đồng thời, cần bố trí, cân đối nguồn lực cho hợp lý, không để nợ đọng. Các ngành, địa phương phải quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tập trung kiện toàn ban chỉ đạo các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh nhấn mạnh./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết