Tiếng Việt | English

28/10/2021 - 11:05

Nước lũ về thấp, nông dân nhiều nỗi lo

Hàng năm, khoảng tháng 7 đến tháng 8 Âm lịch, nước lũ đổ về tràn ngập các cánh đồng khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An. Thế nhưng năm nay, lũ nhỏ đã ảnh hưởng đến việc mưu sinh và sản xuất của người dân.

Người dân chuẩn bị các dụng cụ đánh bắt cá để mưu sinh theo con nước

Người dân chuẩn bị các dụng cụ đánh bắt cá để mưu sinh theo con nước

Hiện nay, dù bước sang tháng 9 Âm lịch nhưng mực nước lũ còn khá thấp so cùng kỳ mọi năm. Xã Thạnh Phước và Thạnh Phú nằm ở đầu nguồn lũ của huyện Thạnh Hóa nhưng trên nhiều cánh đồng, nước chỉ vừa ngập khỏi bờ ruộng. Những đám ruộng chưa cày trục, lúa chét, cỏ dại mọc từ chân ruộng, nhô lên khỏi mặt nước khá cao, mầm mống sâu, bệnh không được rửa trôi, lượng phù sa bồi đắp ít. Còn những xã cuối nguồn như Tân Đông, Tân Tây, mực nước lũ càng thấp hơn.

Năm nào đến mùa lũ, gia đình ông Nguyễn Văn Hà (ấp Đình, xã Thạnh Phước) cũng thả nuôi vài ngàn con cá lóc để có thêm thu nhập trong những tháng nông nhàn. Riêng năm nay, ông thả nuôi 4.000 con cá lóc đầu nhím và hơn 500 con cá vồ đém. Đến thời điểm này, cá lóc được hơn 2 tháng tuổi, cá vồ đém hơn 5 tháng tuổi. Ông chủ yếu tận dụng cá tạp từ việc giăng lưới, đặt dớn trên các cánh đồng để làm mồi cho cá nuôi.

Ông Hà nói: “Với 1.000m lưới và 15 cái dớn, mỗi ngày tôi kiếm vừa đủ cá mồi. Tuy nhiên, khi cá nuôi càng lớn thì càng tốn nhiều thức ăn, trong khi lũ nhỏ, cá mồi không nhiều”.

Còn bà Lê Thị Nhiều (ấp 3, xã Tân Đông) không có ruộng đất sản xuất nên chủ yếu sống dựa vào nghề đánh bắt cá theo con nước. Hàng năm khi lũ về, tận dụng nguồn cá tạp từ việc đánh bắt, bà thả nuôi vài ngàn con cá lóc để kiếm thêm thu nhập. Nhưng năm nay lũ nhỏ, bà đành hẹn lại mùa nước lũ năm sau. Nhìn những chiếc vèo trống không, bà Nhiều bộc bạch: “Mấy năm trước, nhờ nước đầu nguồn đổ về nên có nhiều cá để đánh bắt và nuôi thêm cá lóc. Năm nay, lũ nhỏ, cá ít, chỉ bằng 50% so với năm rồi nên tôi không nuôi cá lóc được nữa”.

Lũ nhỏ cũng ảnh hưởng đến những hộ kinh doanh các dụng cụ đánh bắt cá. Chị Phạm Thị Thắm - chủ hộ kinh doanh tại xã Thạnh Phước, cho biết: “Hàng năm, đến mùa lũ, tôi lấy các dụng cụ bắt cá như lưới, lờ,... để bán cho người dân, nhưng năm nay lũ nhỏ, số lượng bán không được nhiều”.

Lũ nhỏ cũng khiến nông dân gặp bất lợi trong sản xuất, nhất là vụ Đông Xuân sắp tới. Ông Nguyễn Văn Tâm (ấp Đình, xã Thạnh Phước) có 8ha đất ruộng đã được cày trục ngâm lũ để khi nước rút sẽ gieo sạ. Ông Tâm chia sẻ: “Năm nay lũ nhỏ nên ruộng sau khi cày còn phải trục tới, trục lui mới nhận chìm được hết cỏ, lúa chét, trong khi những năm trước, chỉ cần cày và trục một lần là được. Lũ nhỏ, lượng phù sa bồi đắp đồng ruộng sẽ ít nên nông dân phải bón phân, phun xịt thuốc nhiều, làm tăng chi phí sản xuất”.

Người dân vùng Đồng Tháp Mười nói chung, huyện Thạnh Hóa nói riêng đang trông nước lũ về để mưu sinh và đồng ruộng được bồi đắp phù sa, sản xuất thắng lợi./.

N.Mận - N.Như - Tr.Hưng

Chia sẻ bài viết