Tiếng Việt | English

05/01/2017 - 05:10

Ở đó,một vùng biển“Sơn thủy hữu tình”

Ngoài các di tích lịch sử văn hóa, tỉnh Khánh Hòa còn giàu về biển, đảo với bao cảnh quan “sơn thủy hữu tình” cùng hàng trăm đảo lớn, đảo nhỏ, đặc biệt là quần đảo Trường Sa của huyện Trường Sa tạo nên sự đa dạng về kinh tế biển, đảo của tỉnh này. Người viết có một cuộc dạo chơi ở đó, trước khi trận lụt vừa qua xảy ra...

Sau bữa cơm trưa kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ vì có nhiều món đặc sản biển ở thị xã Ninh Hòa, Bình - em cô cậu ruột tôi - chở anh đi chơi Dốc Lết. Tôi nói, Dốc Lết, trước đây anh đi rồi, nó hoang vắng, có gì hấp dẫn đâu? Bình cười: Anh đi với em rồi biết. Ừ, đi! Xe chạy ra khỏi thị xã Ninh Hòa, băng qua cánh đồng muối với những đụn muối trắng tinh nhấp nhô trên các gò đất, đến thị trấn Ninh Diêm, một tiểu đô thị vùng muối mà trước đây chưa có, trải dọc theo mép bãi biển. Bình nói, đây là Dốc Lết.

Một góc bãi tắm Dốc Lết

Tôi ngỡ ngàng ngó lên thảm xanh của các loại cây phong cảnh miền biển phủ bóng lên hàng trăm nóc nhà lô xô mái tole xanh, đều cùng kiểu nhà sườn vách gỗ trên thảm cỏ xanh mịn như nhung bao kín mặt đất cát bỏng. Đây đó những nhà hàng bằng vật liệu tre nứa tấp nập khách ẩm thực. Bình chỉ tay về cuối bãi tắm, nói đó là cảng và nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu Hàn Quốc. Gió chiều thổi lộng, sóng khá to, các du khách nước ngoài ào ra biển.

Bình nói du khách đến từ nước Nga đó anh. Họ mê biển Dốc Lết lắm. Sao em biết? Tại em hay ra đây chơi. Hai anh em tôi đi dọc bãi cát trắng mịn và sạch. Trên bãi có những nhóm người nước ngoài 2, 3 thế hệ túm tụm trong mấy căn lều hình nấm. Tôi đoán họ cùng gia đình với nhau, quây quần thưởng thức các món hải sản nướng, thơm lừng.

Đến mỏi chân, tôi kêu Bình vào một cái lều có ghế nằm trông ra biển xanh nhấp nhô hàng trăm đầu người chen đầu sóng. Biển trong vắt! Trên bãi biển có mấy người cầm bao tải rảo tới, rảo lui nhặt rác nếu có. Bình chỉ về dãy núi ăn ra biển như bán đảo nói, qua khỏi núi đó là vịnh Vân Phong. Vịnh Vân Phong? Đó là danh thắng mà tôi chỉ nghe nói chứ chưa thấy bao giờ! Bình kêu tôi lên xe chạy ra đường lớn. Đường mới mở láng nhựa như còn nóng hổi. Bình tỏ ra sành sỏi: Đường này giáp biên giới Việt - Lào chạy qua Tây nguyên, chạy về tới Cảng biển quốc tế vịnh Vân Phong. Xe vừa tới cầu Bình Tây, tôi kêu dừng lại để bấm vài kiểu ảnh hoàng hôn sơn thủy hữu tình.

Làng nghỉ dưỡng ở Dốc Lết

Tới lưng núi Hòn Tói, hai anh em vào một quán nước ở lưng đèo. Bình chỉ dãy núi dài và cao ngất ở phía trước mặt, nói đó là núi Bãi Nam bọc một bên vịnh Vân Phong mà em và các bạn có đến chơi rồi. Ở đó, đẹp nhất là Mũi Đôi - Hòn Đầu, danh thắng cấp quốc gia. Nó là hai mũi đất nhô ra biển với những cụm đá chồng lên nhau từ thấp đến cao, lên cao nữa, do sóng gió xâm thực mà nên “thiên hình vạn trạng” với nhiều đường nét, màu sắc đẹp lắm.

Bình chỉ xuống biển ở dưới chân núi nói, ông già vợ em có kể: Vùng này là chỗ giao thoa của 2 dòng hải lưu nóng và lạnh nên dễ sinh ra các loài thực vật, sinh vật phù du quyến rũ cá tôm. Vì vậy mà từ tháng 11 âm lịch trở đi, các loại cá ngoài khơi xa đi vào ngư trường, nhiều nhất là cá thu, cá ngừ, cá bò, cá chù, cá cờ,... từ phía Nam di chuyển ra phía Bắc biển. Đến cuối tháng tư, chúng di chuyển ngược trở về phía Nam. Dân biển canh chừng luồng cá đó mà đánh bắt bằng lưới đăng. Lưới đăng chỉ có ở vùng biển này chớ nơi khác thì không. Rồi Bình khoe cùng ông anh vợ hùn vốn sắm tàu sắt, ngư lưới cụ kiểu Nhật Bản để vươn khơi đánh bắt cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa, nên không còn làm lưới đăng nữa.

Tôi hỏi vịnh Vân Phong thế nào, Bình kể, ở Mũi Đôi - Hòn Đầu nước trong đến độ ở trên ca bin tàu nhìn xuống đáy biển vẫn thấy những đàn cá đông đặc đủ màu bơi qua, bơi lại. Hồi chưa có tàu sắt, em đi ghe bầu từ Vũng Rô qua Đại Lãnh, qua bán đảo Hòn Gốm,... rồi đi vào vịnh Vân Phong với núi cao, núi thấp vây quanh. Dưới chân các núi đảo là bãi cát trắng phau như chưa có dấu chân người đặt tới. Lên đảo Đầm Môn gặp xóm chài nhỏ, nhà cửa ẩn trong bóng cây, ghềnh đá để núp gió.

Tới xóm chài Sơn Đừng ở bán đảo Hòn Gốm gặp làng du lịch sinh thái đến tận làng chài Khải Lương dưới chân một hòn đảo dài đều trong vịnh Vân Phong. Cũng trong vịnh Vân Phong, có đảo Hòm Gốm với nhiều suối khe nước ngọt quanh năm, dân đi biển hay đến lấy nước. Tôi nói, như vậy vịnh Vân Phong ôm lấy nhiều đảo lớn, đảo nhỏ nằm rải rác vào lòng nó phải không? Bình: Dạ, như 2 mũi núi đá xếp nhau lên Hòn Đầu, nên gọi Mũi Đôi. Hòn Đầu giống cái đầu người khổng lồ do một khối đá to tạo nên. Ở dưới “cái đầu” ấy là vô số hòn đá nhỏ chồng lên nhau, do sóng gió lâu ngày làm bóng nhẵn, trổ màu sắc đẹp lắm.

Đến đây thì tôi sốt ruột kêu Bình đi Mũi Đôi - Hòn Đầu cho tôi tiếp cận. Bình kêu: Đâu được! Xe máy giờ này làm sao lên đèo xuống núi toàn dốc đứng, cua hẹp để đến vịnh Vân Phong! Tôi tặc lưỡi tiếc rẻ. Bình như an ủi: “Để chuyến sau anh ra đây, em mượn ghe bầu đưa anh đi chơi biển đảo Vân Phong với Mũi Đôi -Hòn Đầu, hòn Phụ Tử,... À, trong vịnh Vân Phong còn có hòn Phụ Tử, hơi giống hòn Phụ Tử Hà Tiên: Một hòn đá cao, một hòn đá thấp, nối theo là mấy hòn đá to, thấp, màu mỡ gà.

Sau lưng hòn Phụ Tử có dãy đảo dài phủ xanh bóng cây. Ra vậy! Tôi kêu lên rồi nắm tay Bình kéo đến một mỏm núi nhìn xuống Dốc Lết với bãi cát vươn dài như dáng nàng tiên cá ôm lấy biển xanh. Mặt trời khuất ở phía biển xa mịt mù mây khói, hắt lên mấy vệt sáng hồng. Tôi thầm nghĩ, miền Trung nơi nào cũng có “rừng vàng” và “biển bạc”. Mà “rừng vàng” còn là tất cả đảo gần, đảo xa trên khắp mặt “biển bạc” của Tổ quốc thân yêu từ bao đời cha ông chiếm hữu, cháu con giữ gìn mới có./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết