Tiếng Việt | English

19/11/2017 - 10:16

Ổn định tình hình biến động giá cát xây dựng

Sở Xây dựng các tỉnh, thành ở Nam bộ tại cuộc giao ban hợp tác cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về cát, ổn định tình hình biến động giá tăng cao, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.


Đại biểu dự Hội nghị Giao ban chương trình hợp tác giữa Sở Xây dựng TP.HCM với Sở Xây dựng các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ năm 2017.    Ảnh: Thanh Hiểu

Hội nghị giao ban chương trình hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước giữa Sở Xây dựng TP.HCM với Sở Xây dựng các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ năm 2017 tổ chức vào sáng 17/11 tại Long An.

Giá cát tăng cao

Theo khảo sát, giá cát thời gian qua biến động tăng cao tại các địa phương. Quí II/2017, TP.HCM có giá cát tăng rất cao, đỉnh điểm lên đến gần 750.000 đồng/m3 cát bê tông (tháng 10/2017 hơn 450.000 đồng/m3), cát san lấp 360.000 đồng/m3 (tháng 10/2017 gần 320.000 đồng/m3). Tỉnh An Giang ít chịu ảnh hưởng nhất trong các tỉnh Nam bộ nhưng hiện giá vẫn khá cao, quí II, III/2017 tại nơi khai thác 100.000 đồng/m3, cát san lấp 60.000 đồng/m3 và ổn định cho đến nay.


Giá cát tăng do thiếu nguồn cung.      Ảnh: Thanh Mỹ

Do tốc độ phát triển kinh tế ở các tỉnh, thành Nam bộ, đặc biệt là các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Long An, Tiền Giang, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh), nên nhu cầu đầu tư và xây dựng ngày càng mạnh mẽ, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, trong đó cát phục vụ san lấp, xây dựng công trình luôn ở mức cao. Trong khi đó, cát là nguồn vật liệu không thể thay thế trong các công trình.

Bên cạnh đó, nguồn cát trên thị trường đến từ các mỏ được cấp phép khai thác đúng quy định, dự án nạo vét thông luồng trên sông và nguồn gốc mỏ không rõ ràng. Từ cuối tháng 3/2017, qua kiểm tra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đánh giá tình hình vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi diễn biến phức tạp và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống khai thác trái phép, vận chuyển, tiêu thụ; tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn để bù chi phí nạo vét, duy tu các tuyến đường thủy.

Do vậy, nguồn cung cấp cát trên thị trường trở nên khan hiếm, “thổi” giá cát lên cao không ngừng.

Nguy cơ cạn kiệt

Hiện nay, cát là nguồn vật liệu xây dựng chính tại các công trình của các địa phương và chưa có vật liệu nào đủ sức để thay thế. Tại 18 tỉnh, thành ở Nam bộ (trừ Bạc Liêu chưa thống kê) có 144 mỏ cát được cấp phép khai thác với tổng trữ lượng 145.838.808 m3, tổng công suất khai thác tối đa 20.586.642 m3/năm. Nhu cầu sử dụng cát phục vụ xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành này đến năm 2020 là 366.230.619 m3, trong khi đó trữ lượng khai thác 248.346.459 m3. Một số tỉnh: Cà Mau, Long An, Trà Vinh, Kiên Giang và TP.HCM không được cấp phép khai thác các mỏ cát.

Nhu cầu sử dụng cực lớn nên việc cung cấp cát là một trong những thách thức lớn đặt ra cho các địa phương. Ngoài ra, đây là nguồn tài nguyên, khoáng sản khó tái tạo trong thời gian ngắn, nếu không sử dụng hợp lý, hiệu quả và có kế hoạch theo thời gian, nguồn cung và trữ lượng khai thác ngày càng hạn chế và có nguy cơ cạn kiệt.


Tài nguyên, khoáng sản có nguy cơ bị cạn kiệt do khai thác thiếu hợp lý.          Ảnh: Thanh Mỹ

Ổn định tình hình

Sở Xây dựng các tỉnh, thành ở Nam bộ cùng nhau trao đổi, thống nhất tìm ra các giải pháp ổn định tình hình biến động giá cát.

Trước mắt, các sở chủ trì, phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, thống kê danh sách doanh nghiệp khai thác, sản xuất, kinh doanh cát trên địa bàn. Tổ chức thu thập thông tin tình hình giá, công bố giá vật liệu xây dựng theo tình hình thực tế. Tham mưu UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các bên liên quan kiểm tra yếu tố hình thành giá biến động, có phương án bình ổn và nghiên cứu các giải pháp chống hành vi đầu cơ, lũng đoạn thị trường cát.

Các tỉnh, thành thông tin nguồn, trữ lượng để hỗ trợ cho nhau khi các đơn vị còn thiếu và hướng dẫn chủ đầu tư, tư vấn, thi công xây dựng sử dụng cát tự nhiên hiệu quả, hợp lý.

Tăng cường dùng nguồn vật liệu thay thế cát tự nhiên: Cát nghiền (hỗn hợp đập, nghiền từ các loại đá tự nhiên) sử dụng trộn bê tông, vật liệu phế thải được tái chế, tái sử dụng (tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện, thạch cao thải ra từ các nhà máy hóa chất, phân bón và xỉ gang, xỉ thép) có tại 6/19 tỉnh, thành (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh, Hậu Giang).


Nhu cầu sử dụng cát rất lớn trong khi nguồn tài nguyên có nguy cơ bị cạn kiệt.         Ảnh: Thanh Mỹ

Giải pháp dài hạn ổn định tình hình, các sở phối hợp ngành chức năng của mỗi địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản và phát triển vật liệu xây dựng để đánh giá trữ lượng, nhu cầu sử dụng cát tại địa phương, xem xét cân đối cho các tỉnh, thành có nhu cầu.

Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ địa phương để có giải pháp ứng dụng vật liệu khác thay thế cát, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan.

Đồng thời, các Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh, thành kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho phép tiếp tục thực hiện các dự án xã hội hóa tận thu cát để bù chi phí nạo vét theo đúng quy định, vừa bảo đảm an toàn đường thủy vừa bổ sung vật liệu cho ngành xây dựng. Giao Bộ Công an, Bộ Công Thương tăng cường tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp đầu cơ, lũng đoạn thị trường, ghim hàng đẩy giá lên cao trong hoạt động kinh doanh cát trái quy định của phát luật. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các bộ liên quan hướng dẫn Sở Tài chính các tỉnh, thành về giải pháp bình ổn giá cát theo thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Luật Giá. Kiến nghị các bộ liên quan sớm thực hiện các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phân công, nhất là nguồn vật liệu thay thế cát./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết