Tiếng Việt | English

22/10/2021 - 20:31

Ông Vương Đình Huệ: Chính sách đặc thù cho các địa phương đã cân nhắc kỹ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù ở bốn tỉnh, thành là vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia.

Ngày 22-10, các ĐBQH đã dành thời gian thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.

Đã cân nhắc rất kỹ

Thảo luận tại tổ 3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Có ý kiến đặt vấn đề vì sao địa phương này có cơ chế đặc thù còn địa phương khác không có?


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: HOÀNG HẢI

Theo Chủ tịch Quốc hội, thể chế chính sách của nước ta là thống nhất nhưng trong quá trình phát triển cần thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới. Nếu thí điểm hiệu quả, phù hợp thì có thể nhân rộng trong toàn quốc, nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới và sẽ tiếp tục thí điểm để nâng lên chuẩn mới cao hơn nữa.

“Đây là quá trình liên tục để đáp ứng yêu cầu phát triển chứ không phải chỉ những địa phương này mới được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù. Thí điểm ở một số địa phương nhưng cũng vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia. Quá trình thí điểm tốt, hiệu quả thì sẽ tổng kết, đánh giá và trở thành quy định có tính phổ quát chung và tiếp tục phát triển cao hơn nữa”- ông Huệ nói.

Ông nhắc lại chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước: với những địa phương có tiềm năng, có khả năng phát triển trở thành đầu tàu, động lực thì có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thúc đẩy các địa phương này phát triển; đồng thời, tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khác và cho cả nước. Với các địa phương có điều kiện khó khăn hơn cũng có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác. 

Với bốn địa phương mà Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù lần này, Chủ tịch Quốc hội cho hay Bộ Chính trị đều đã có các Nghị quyết riêng về phát triển các địa phương này trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, đặc thù, yêu cầu phát triển.

Các dự thảo Nghị quyết lần này của Quốc hội đều nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương lớn tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Trung ương về bốn địa phương.

Chỉ phân cấp, ủy quyền một cấp

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, các cơ chế, chính sách được Chính phủ trình Quốc hội lần này đã được các địa phương, các cơ quan của Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra, rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ về phân quyền, phân cấp, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chỉ phân quyền, phân cấp một cấp và có kèm theo điều kiện trình tự, thủ tục rất chặt chẽ.

Cụ thể, các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng có thể phân cấp cho địa phương; thẩm quyền của Chính phủ có thể phân cấp cho Thủ tướng; thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể phân cấp cho Chính phủ còn thẩm quyền của Quốc hội có thể phân cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Không có việc phân cấp, ủy quyền đến 2-3 cấp vì sẽ phá vỡ nguyên tắc ủy quyền và phê chuẩn”- Chủ tịch Quốc hội nói đồng thời khẳng định trình tự, thủ tục phân cấp, ủy quyền, điều kiện phải rất chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch để quản lý được.

Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin: các dự thảo Nghị quyết này đã được chuẩn bị công phu, cơ bản đạt được sự đồng thuận khá cao. Nếu được Quốc hội đồng ý thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của các địa phương. Đồng thời góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và phục hồi phát triển trong thời gian tới vì ở đây không chỉ có vấn đề nguồn lực mà còn có các cơ chế, chính sách, thể chế rất quan trọng./.

Theo PLO.VN

Chia sẻ bài viết