Tiếng Việt | English

21/06/2021 - 07:55

Phản biện là sức mạnh của báo chí

Với báo chí, nội dung bài viết “khen” hay “chê”, phản biện, phê phán cái xấu đều nhằm mục đích xây dựng một xã hội tốt đẹp, công bằng.

Bảo vệ cái đúng, đẩy lùi cái xấu

Nhân vật điển hình, câu chuyện hay, việc làm tốt sẽ góp phần động viên, cổ vũ, nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Phản biện, phê phán tiêu cực, bất cập, hạn chế là để bảo vệ cái đúng, đẩy lùi cái xấu, không để cái xấu lên ngôi, lấn át. 

Phản biện là sức mạnh của báo chí. Thực tế trong cuộc sống hôm nay, có nhiều vụ việc tiêu cực, sai trái được các nhà báo phát hiện, phanh phui, đưa ra dư luận. Tôi nghĩ rằng, con số đó sẽ không hề nhỏ, thậm chí còn chiếm tỷ lệ cao so với tự kiểm tra, phát hiện nội bộ. 

Phóng viên tác nghiệp, tìm hiểu về vụ việc xả thải gây ảnh hưởng sản xuất của người dân

Đó là minh chứng sống động nói lên sự góp sức rất đáng biểu dương của những nhà báo chân chính trong đấu tranh “chống lại những gì đã cũ kỹ hư hỏng, lạc hậu để tạo ra những cái mới, tốt đẹp hơn”. Không có phản biện sẽ không có phát triển. Qua phản biện sẽ thấy được những sai sót, hạn chế, bất cập để sửa chữa, khắc phục; mà sửa chữa được là nhờ có sự tranh luận nhằm phê phán cái sai, tìm ra những bất cập, hạn chế. Từ đó, chấp nhận cái đúng, loại bỏ cái sai, để cho cái đúng được tiếp tục đúng, cái đẹp được đẹp hơn, cái chưa phù hợp sẽ phù hợp hơn,... Những “sai lầm và hạn chế, bất cập được sửa chữa” ấy không kiêng dè, loại trừ bất cứ một lĩnh vực nào trong đời sống.

Được theo dõi và trực tiếp chứng kiến nhiều nhà báo đã lăn xả, dấn thân để phát hiện, phản ánh sinh động các vấn đề nóng bỏng, cung cấp những thông tin mang tính cảnh báo, thuyết phục cao, sát thực tế, tôi không khỏi cảm phục. Đằng sau đó là cả một quá trình vất vả, gian nan, đối diện với nhiều hiểm nguy của nhà báo. Sự nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, tính chính xác trong nhìn nhận và phân tích vấn đề, phản biện của những nhà báo đã góp phần nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật. Thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, báo chí đã và đang tiếp tục góp phần thúc đẩy quá trình lấy đối thoại thay cho độc thoại, lấy tranh luận thay cho đọc nghe. Mục tiêu của phản biện xã hội mà báo chí đang phấn đấu thực hiện là nhằm tạo nên sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy sự phát triển xã hội, làm cho xã hội tốt đẹp lên. Phản biện, nêu ý kiến, kiến nghị cũng chính là thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Nếu phát hiện các vấn đề, sự việc, hiện tượng cản trở sự tiến bộ chung của xã hội thì nhà báo phải là người tiên phong phản ánh, đẩy lùi nó. Lúc này, trách nhiệm của nhà báo là bằng kỹ năng, khả năng tiếp cận thông tin của mình để cung cấp những thông tin chính xác, minh bạch và khách quan, giúp công chúng có được cái nhìn chuẩn xác hơn.

Động cơ trong sáng

Trách nhiệm xã hội của nhà báo không thể rời xa tính trung thực, nhân văn, vì lợi ích chung của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc và tuân thủ pháp luật. Do đó, việc làm, phản biện của nhà báo chân chính là xuất phát từ trách nhiệm đối với xã hội. Với báo chí, phản biện là sức mạnh nhưng thực hiện được không hề đơn giản, bởi cái xấu, cái sai, tiêu cực không phải dễ tìm, dễ thấy, dễ được người ta thừa nhận và sẵn sàng phối hợp nhà báo. Cũng có khi sẽ đụng chạm đến lợi ích của cá nhân, lợi ích nhóm nào đó. Thậm chí, đôi lúc ngay cả những người đứng đầu cơ quan báo chí cũng dè chừng vì nhiều lý do, ngại va chạm. 

Một bài viết thể hiện tính phản biện về tình trạng khai thác hầm đất xảy ra tại huyện Tân Hưng đăng trên Báo Long An

Vì đụng chạm đến lợi ích nên có khi những phản biện, tranh luận của nhà báo dù với mục đích xây dựng, phát triển nhưng không được nhìn nhận, bảo vệ, lắng nghe. Ngược lại, có thể bị quy chụp, đánh đồng là “hay cãi”, “chống đối”. Do đó, để thực hiện phản biện, nhà báo phải có sự quyết tâm, bản lĩnh, dám đương đầu với những khó khăn, cản trở.

Để phản biện tốt thông qua tác phẩm báo chí, nhà báo phải không ngừng rèn luyện, học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Mặt khác, bản lĩnh chính trị phải vững vàng để có động cơ làm việc, phản biện trong sáng, bảo vệ lẽ phải, cái đúng, sự thật và lợi ích quốc gia, dân tộc. 

Nhà báo, báo chí phải là cầu nối vững chắc, đáng tin cậy giữa Đảng với nhân dân và ngược lại. Thông qua chức năng truyền tải thông tin, phản biện của báo chí, những chủ trương, chính sách được lan tỏa rộng rãi trong nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận. Ngược lại, những bất cập trong cơ chế, chính sách khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống cũng được báo chí phản hồi lại với Đảng, Nhà nước để thực hiện tốt hơn chức năng lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước.

Gần đây, một người dân đã hỏi tôi: “Ai là nhà báo mà Đảng và nhân dân cần?”. Câu hỏi đó đáng để tôi lưu tâm, suy nghĩ và phấn đấu nhiều hơn. Tôi tin rằng, đó là những nhà báo dám dấn thân để có những tác phẩm báo chí chính xác, trung thực, sát với đời sống và cũng sẵn sàng đấu tranh, phản bác lại những tiêu cực, bất công để cùng xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Tôi nghĩ rằng, những bài viết “lựa chiều”, thiếu thực tế, thiếu tính phản biện sẽ khó “sống” được trong bạn đọc, người dân và khó mang lại giá trị cho cuộc sống./.

Thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, báo chí đã và đang tiếp tục góp phần thúc đẩy quá trình lấy đối thoại thay cho độc thoại, lấy tranh luận thay cho đọc nghe. Mục tiêu của phản biện xã hội mà báo chí đang phấn đấu thực hiện là nhằm tạo nên sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy sự phát triển xã hội, làm cho xã hội tốt đẹp lên. Phản biện, nêu ý kiến, kiến nghị cũng chính là thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm xã hội của nhà báo”.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết