Tiếng Việt | English

14/11/2016 - 04:34

Phân biệt bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết và sốt do siêu vi

Bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết và sốt do siêu vi, đều do vi rút gây ra, hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu.

Để phân biệt bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết, sốt do siêu vi, cần dựa vào các tiêu chí sau:

1. Đường lây truyền:

Vi rút Zika lây truyền cho người chủ yếu qua vết cắn của muỗi vằn mang vi rút. Đây cũng chính là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và sốt siêu vi. Tuy nhiên, sốt xuất huyết không lây qua tiếp xúc trực tiếp, trong khi sốt siêu vi có thể lây qua dịch tiết nước bọt, dịch nhầy ở mũi,… Đặc biệt, vi rút Zika còn có khả năng lây truyền qua đường tình dục và đường máu, tuy nhiên đây là những phương thức lây truyền không phổ biến. 

2. Đối tượng dễ mắc bệnh:

Trẻ em từ 3 đến 10 tuổi là đối tượng dễ mắc sốt xuất huyết và sốt siêu vi nhất. Đối với vi rút Zika, bất kỳ ai sống trong vùng có muỗi vằn và có người mắc bệnh đều có thể bị lây nhiễm.

3. Biểu hiện:

Khi mắc bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết, sốt siêu vi thường có triệu chứng tương tự nhau nên dễ gây nhầm lẫn.


Muỗi vằn là thủ phạm truyền bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết và sốt do siêu vi

Bệnh do vi rút Zika thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn, đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Bệnh sốt xuất huyết sốt cao hơn, sốt không giảm với thuốc hạ nhiệt, đau nhức cơ nhiều hơn, và có biểu hiện xuất huyết như xuất huyết dưới da, chảy máu mũi. Trong khi đó, khi bị sốt do siêu vi, người bệnh thường bị sốt rất cao 38-39°C, thậm chí là 40-41°C với đặc điểm là sốt từng cơn kèm nổi hạch, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ).

Chỉ có xét nghiệm máu là phương pháp duy nhất để xác định chính xác đó là bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết hay sốt do siêu vi.

4. Mức độ nguy hiểm:

Sốt xuất huyết là bệnh khá nguy hiểm, có thể gây tử vong do biến chứng nặng nếu phát hiện muộn và điều trị không kịp thời. Còn sốt siêu vi và bệnh do vi rút Zika ít lo ngại hơn vì sốt siêu vi sẽ tự khỏi trong vòng 3-7 ngày và bệnh do vi rút Zika có khả năng hồi phục hoàn toàn.

Mặc dù đến nay chưa ghi nhận trường hợp bệnh do vi rút Zika gây tử vong nhưng nó làm ảnh hưởng đến thai nhi ở phụ nữ mang thai và hội chứng não nhỏ ở thai nhi, hội chứng viêm đa rễ thần kinh (Guillain-Barre).

Ngoài ra, cũng cần phân biệt sốt do vi rút Zika với bệnh sốt rét. Tuy nhiên, hai bệnh này rất ít nhầm lẫn nhau vì sốt rét là bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây nên được lây truyền do muỗi Anopheles và có những đặc trưng riêng là sốt thành cơn, có chu kỳ kèm rét run, vã mồ hôi, kèm theo dấu hiệu thiếu máu, gan to. Còn bệnh do vi rút Zika có các biểu hiện như sốt nhẹ không rét run, đau đầu, niêm mạc mắt đỏ,... các biểu hiện thường kéo dài khoảng 4-7 ngày.

Tại Việt Nam, nhất là các tỉnh phía Nam rất dễ bùng phát dịch vì thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi, phát triển của muỗi vằn. Do đó, cách tốt nhất để phòng bệnh do muỗi truyền là không để bị muỗi đốt.

Đối với bệnh do vi rút Zika, bệnh sốt xuất huyết và sốt do siêu vi, biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất là tiêu diệt muỗi là vật trung gian truyền bệnh bằng cách giảm thiểu các khu vực có nước đọng, đậy kín các dụng cụ chứa nước, thường xuyên phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, sử dụng lưới chắn muỗi.

Đối với vùng đang có dịch, cần phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Ngoài ra, những người đang ở trong vùng có dịch bệnh, cũng như người hay di chuyển giữa các vùng, phụ nữ mang thai cần lưu ý để tránh bị muỗi đốt bằng cách mặc quần dài, áo dài tay, sử dụng thuốc chống muỗi đốt, ngủ mùng ngay cả ban ngày./.

Bác sĩ Hồ Văn Cưng

Chia sẻ bài viết