Tiếng Việt | English

28/11/2017 - 11:10

Pháp đề nghị Hội đồng Bảo An họp khẩn về tình hình Libya

Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Francois Delattre đã đưa ra lời kêu gọi Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc cần phải áp đặt các biện pháp mạnh mẽ hơn, kể cả các biện pháp trừng phạt, nhằm chấm dứt tình trạng buôn nô lệ ở Lybya cùng đề nghị Hội đồng Bảo An tiến hành họp khẩn trong ngày 28/11 về vấn đề này.

Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Francois Delattre (giữa) phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo An ở New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tuyên bố của Đại sứ Pháp được đưa ra một tuần sau khi Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc tranh luận về nạn buôn người vốn dẫn tới hiện trạng lạm dụng người di cư ở quốc gia Bắc Phi này. Ông cho rằng đây là một cuộc họp khẩn cấp rất quan trọng, theo đề nghị ở cấp cao nhất của Chính phủ Pháp, để thảo luận về vấn đề người di cư, và cụ thể là nạn buôn người ở Libya.

Pháp muốn thông qua cuộc họp này để nâng cao nhận thức về tình trạng vi phạm nhân quyền ở quốc gia Bắc Phi, đồng thời điều chỉnh những giải pháp ngắn và dài hạn để xóa bỏ tệ nạn này cũng như ngăn chặn tái diễn các vụ việc tương tự. Đại sứ Delattre nhấn mạnh Pháp không loại trừ khả năng ban hành các lệnh trừng phạt, song trước hết muốn nghiên cứu tình hình một cách tỉ mỉ.

Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc có kế hoạch nghe Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, ông Filippo Grandi, và một số chuyên gia khác báo cáo trước khi nghiên cứu các đề xuất của họ.

Hồi tuần trước, kênh truyền hình CNN của Mỹ đăng tải một đoạn video ghi hình những người di cư châu Phi đang mắc kẹt tại Libya bị đưa ra chợ đấu giá như những nô lệ. Video này ngay lập tức đã tạo ra làn sóng phản đối trên toàn cầu trong khi lãnh đạo một số quốc gia châu Phi như Guinea, Senegal kịch liệt lên án hành động này, đồng thời yêu cầu Chính phủ Libya điều tra, khởi tố những kẻ đứng sau các hoạt động này.

Libya là điểm khởi hành chính của hầu hết những người di cư châu Phi, tìm cách vượt biên sang các nước châu Âu qua vùng biển Địa Trung Hải. Đây là vấn nạn đặc biệt đau đầu của giới chức Lybia khi vừa phải giải quyết vấn đề người di cư bị lừa gạt trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người và vấn đề an toàn của người di cư vượt biên trên tuyến đường biển Địa Trung Hải./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết