Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đơn vị tổ chức chương trình, đại diện nhà tài trợ cùng thực hiện nghi lễ phát động chương trình. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Hôm nay, 11/4, vào đúng Ngày làm việc tốt trên toàn cầu - Good Deeds Day 2021, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đề án Hệ tri thức Việt số hóa đã phối hợp chủ trì tổ chức Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em.” Chương trình nhằm giới thiệu, lan tỏa và kêu gọi xã hội tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển giáo dục tại các địa bàn vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều ước giản dị
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay tại cuộc gặp mặt Phó Thủ tướng tháng 11/2020, các thầy cô giáo dân tộc thiểu số tiêu biểu tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã bày tỏ mong ước các trường, các điểm trường đều có điện, có nước sạch, học sinh được có lớp học đầy đủ, được ăn trưa, có nhà vệ sinh hợp vệ sinh, có đủ sách vở, quần áo, …để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” với các em học sinh..
Lắng nghe những điều ước giản dị đó, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chương trình “Điều ước cho em” đã được triển khai. Trong giai đoạn đầu, chương trình tập trung theo hỗ trợ 6 nhóm “điều ước,” cũng chính là nhu cầu bức thiết hiện nay. Cụ thể là xây dựng các điểm trường, nhà công vụ, phòng học cho các trường học địa bàn vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh; lắp đặt hệ thống điện, nước sạch; hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh bán trú để cải thiện dinh dưỡng học đường; hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh; hỗ trợ thiết bị nâng cao thể chất cho học sinh (sân chơi, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao…).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ phát động. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở vùng sâu, vùng xa nhưng cơ sở vật chất và điều kiện sống, học tập của học sinh và các thầy cô giáo vẫn còn nhiều khó khăn.
Học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ nguồn lực từ Nhà nước để hỗ trợ bữa ăn trưa nhưng số lượng học sinh không đủ điều kiện thụ hưởng vẫn còn rất lớn ngay trong cùng một trường, một lớp. Bữa ăn trưa của các em mới chỉ đủ no mà chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, chưa bảo đảm được dinh dưỡng tối thiểu.
Các phòng chức năng như phòng ăn bán trú, phòng vệ sinh, điện nước sinh hoạt và các đồ dùng khác còn nhiều thiếu thốn. Số nhà vệ sinh kiên cố mới chiếm 67%; trong đó nhà vệ sinh ở cấp tiểu học có tỷ lệ kiên cố thấp nhất với chỉ gần 58%; tiếp đến là trung học cơ sở hơn 67%, mầm non hơn 70% và trung học phổ thông là hơn 80%.
Điều kiện dạy và học ở các trường miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: Lê Hữu Quyết/TTXVN)
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại như nguồn lực đầu tư còn hạn chế; ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết; sự điều phối, phân bổ nguồn lực xã hội hóa chưa tốt, thiếu tập trung.
Chung tay vì tương lai của trẻ
Chương trình “Điều ước cho em” với nền tảng công nghệ trên Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn/Điều ước cho em) sẽ cho phép kết nối dòng chảy thiện nguyện, ủng hộ từ nhà hảo tâm đến những điểm trường khó khăn trên cả nước, theo tiêu chí đúng đối tượng - đúng nhu cầu - đúng thời điểm.
Trong suốt 5 tháng, kể từ tháng 11/2020 cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng với các bộ, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp bước đầu triển khai “Điều ước cho em” tại nhiều địa phương như: Bắc Kạn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình,… Chương trình đã khởi công xây dựng một số phòng, lớp học, trao tặng nhiều suất học bổng, phần quà quý báu, có ý nghĩa về vật chất và tinh thần đến với các em học sinh, thầy cô giáo.
Ngay trong ngày phát động, chương trình đã nhận được sự tài trợ của nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, với tổng trị giá 127 tỷ đồng. (Ảnh: PV)
Hiện đã có gần 2.000 trường học của 39 tỉnh đăng ký nhu cầu hỗ trợ trên Cổng nhân đạo quốc gia (http://inhandao.vn/Điều ước cho em); gần 5.000 trường học có dữ liệu đăng ký cụ thể nhu cầu hỗ trợ các điều ước.
Tại Lễ phát động, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã trao biển cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng chương trình tổng trị giá gần 127 tỷ đồng, với 16 công trình “Trường đẹp cho em,” “Nhà bán trú cho em”; Bữa ăn trưa cho 30.000 em, 20.000 suất quà tặng cho học sinh...
Trong số đó, Tập đoàn TH True Milk và Quỹ Tầm Vóc Việt đã ký thỏa thuận triển khai 1.000 công trình “Nhà vệ sinh cho em” trị giá 60 tỷ đồng cho học sinh tại các địa bàn khó khăn trong 10 năm từ 2021-2030 và là nhà tài trợ lớn nhất của chương trình tính đến thời điểm này.
Chia sẻ tại buổi lễ, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk cho hay bà rất hạnh phúc khi được góp phần hỗ trợ cho các em học sinh có môi trường học tập tốt hơn. Bên cạnh việc cam kết đồng hành cùng chương trình với 1.000 nhà vệ sinh, bà Thái Hương cho hay từ việc đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chương trình Sữa học đường, bà đeo đuổi làm thế nào đóng góp cho những điều ước lớn hơn của các em, để các em có đủ trí lực, bay cao và bay xa.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk phát biểu tại lễ phát động. (Ảnh: PV)
“Chúng tôi muốn làm toàn diện hơn nữa là bữa ăn học đường, sức khỏe học đường. Chúng tôi đã thực nghiệm tại 10 tỉnh chương trình sức khỏe học đường với nhiều góc độ như dinh dưỡng học đường, hoạt động thể chất, vệ sinh... Tôi rất mong muốn Phó thủ tướng, các bộ, ban, ngành chung sức, làm bài bản, có nghiên cứu và từ sau 10 tỉnh thử nghiệm có thể làm chính thức chương trình này. Chúng tôi cam kết sẽ cùng đồng hành với chương trình. Tôi nghĩ sẽ nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng cùng làm,” bà Thái Hương nói.
Cảm ơn sự chung tay của các nhà tài trợ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định những điều chương trình “Điều ước cho em” triển khai đã được nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện trước đó. Ông bày tỏ mong muốn chương trình hôm nay tập trung vào những nhu cầu bức thiết trước mắt là nhà vệ sinh, trường lớp, bữa ăn... nhưng sau đó có thể là hiện thực hóa những ước mơ lớn lao hơn của các em như các vấn đề về cải thiện điều kiện học tập.
Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần tập trung nguồn lực nhưng cũng cần phân hóa để tránh trùng lắp và sử dụng hiệu quả, trong đó chương trình “Điều ước cho em” sẽ có vai trò kết nối.
“Chương trình này không chỉ mong ước nhận được bao nhiêu tỷ đồng đóng góp từ các nhà tài trợ mà mong trở thành điểm kết nối. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phát động tất cả các nhà trường, thầy cô, tình nguyện viên cập nhật các yêu cầu thiết thực nhất của học sinh để những yêu cầu đó được chuyển tải, phân thành nhóm, cái nào chính quyền làm, cái nào cộng đồng hỗ trợ, cái nào ngành giáo dục tham gia, kể cả vật chất và tinh thần. Các hỗ trợ đó kết nối lại để không trùng lắp và tối ưu nhất, mang lại lợi ích nhiều nhất cho học sinh,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói./.
Theo TTXVN