Tiếng Việt | English

16/06/2016 - 09:29

Phát hiện sớm các rối loạn tâm thần

Rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay, gây ra khoảng 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tại Việt Nam, nó cũng là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật.


Áp lực công việc với cường độ cao có thể là nguyên nhân gây rối loạn tâm thần. Ảnh: Internet

Nguyên nhân rối loạn tâm thần

Nguyên nhân các bệnh tâm thần là một vấn đề phức tạp. Hiện nay, có những bệnh tâm thần nguyên nhân được xác định nhưng vẫn còn một số nguyên nhân chưa xác định được. Có thể liệt kê một số nguyên nhân sau:

Do tổn thương trực tiếp tại tổ chức não hay ngoài não gây trở ngại hoạt động của não: Chấn thương sọ não, nhiễm trùng thần kinh (viêm não, giang mai thần kinh,...), nhiễm độc thần kinh (nghiện rượu, ma túy, nhiễm độc thực phẩm, nhiễm độc hóa chất công nghiệp, nông nghiệp,...), các bệnh mạch máu não, các tổn thương não khác (u não, teo não, xơ rải rác, tai biến mạch máu não,...); Do các bệnh cơ thể ảnh hưởng đến hoạt động não: Các bệnh nội khoa, nội tiết, các bệnh về chuyển hóa và thiếu vitamin,...

Do tâm lý: Stress, căng thẳng, lo âu, ám ảnh,... cũng là những nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần.

Do cấu tạo thể chất bất thường: Các dị tật bẩm sinh, thiếu sót về hình thành nhân cách.

Do các nguyên nhân khác: Do có sự kết hợp phức tạp của nhiều nguyên nhân khác nhau (di truyền, chuyển hóa, miễn dịch, cấu tạo thể chất,...) nên khó xác định nguyên nhân chủ yếu.


Học quá nhiều dễ khiến con trẻ bị rối loạn tâm thần. Ảnh: Internet

Các dấu hiệu rối loạn tâm thần

Ăn uống thất thường: Là một trong các biểu hiện của rối loạn tâm thần. Bệnh nhân có thể không chịu ăn uống hoặc ăn quá nhiều không thể kiểm soát được.

Rối loạn giấc ngủ: Thay đổi so với những biểu hiện bình thường của chính họ trước đây, như khó khăn khi đi vào giấc ngủ, trằn trọc, thức dậy sớm hơn thường lệ. Bệnh nhân có thể mất ngủ kéo dài hàng tuần, hàng tháng, một số không thể duy trì giấc ngủ và thường thức trắng cả đêm. Một số bệnh nhân rối loạn chu kỳ thức - ngủ: Ngày ngủ, đêm thức (không phải do nghề nghiệp, thói quen hoặc lý do công việc đặc biệt khác).

Thay đổi tính cách: Bệnh nhân thay đổi tính cách so với trước kia như: Dễ cáu giận hơn, giận dữ vô cớ, thậm chí kích động đập phá, đánh người vô cớ. Đặc biệt, có thể có sự thay đổi tình cảm, thái độ với người thân: Xa lánh, thù ghét cha mẹ, anh em,... cho rằng anh em, cha mẹ không tốt, hại mình.

Thay đổi trong nền nếp sinh hoạt hàng ngày: Người bệnh trở nên lười biếng hơn, ít hoặc ngại giao tiếp, không quan tâm đến người thân, bỏ bê công việc, mất hoặc không duy trì các thói quen, sở thích trước kia, không chăm sóc vệ sinh cá nhân.

Thay đổi trong cách nghĩ: Bệnh nhân trở nên đa nghi hơn, hay nghi ngờ cả với người thân, thường có hành vi theo dõi, kiểm tra,... hoặc có những ý nghĩ không đúng, không phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Người bệnh còn có những ý nghĩ kỳ lạ, không thể giải thích được như: Cho rằng có người đang theo dõi, hại mình và người thân của mình, hoặc có người biết mọi ý nghĩ của mình, chi phối mọi hành vi, việc làm của mình,... Một số bệnh nhân lại cho rằng, bản thân có khuyết điểm, tội lỗi không thể tha thứ, có thể nảy sinh ý tưởng và hành vi tự sát.

Thay đổi trong cách nói: Một số trở nên trầm, ít nói hơn hoặc nói một mình như đang đối thoại với người khác. Có người lơ đễnh, không tham gia được câu chuyện với người khác, nói những câu vô nghĩa, không có nội dung, các chữ, câu không liên quan với nhau, hoặc nói không ăn khớp với hoàn cảnh.
Có những hành vi kỳ lạ, không phù hợp với hoàn cảnh hoặc không thể giải thích được: Đứng sững nhìn mặt trời, lúc nào cũng giữ lâu một tư thế khó chịu, đi lang thang không có mục đích,...

Những việc cần làm để giúp đỡ bệnh nhân

Theo Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, người bình thường trong suốt cuộc đời đều có ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng tâm thần. Trong khi đó, khoảng trống điều trị còn rất lớn, cứ 10 người bị bệnh thì có 2-3 người được điều trị. Hiểu biết của người dân về bệnh vẫn có phần lệch lạc, nhiều người cho rằng, sức khỏe tâm thần là tâm thần phân liệt, điên, mà không biết có nhiều loại rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, lo âu, mất ngủ. Vì thế, vẫn còn hiện tượng kỳ thị, giấu bệnh.

Khi phát hiện các rối loạn tâm thần, trong trường hợp bệnh nhân còn nhận thức được bệnh của mình, nên xem xét kỹ các rối loạn này có từ bao giờ, có những nguyên nhân trong cuộc sống tác động đến hay không? Hãy bày tỏ với người thân về các rối loạn của mình để họ có thể trợ giúp hoặc đưa ra những lời khuyên hợp lý. Gia đình nên tìm hiểu kỹ những thay đổi ở bệnh nhân để động viên, chia sẻ và thông cảm, đưa ngay đến các trung tâm tư vấn tâm lý hoặc các phòng khám chuyên khoa tâm thần.

Để phát hiện sớm, quản lý và điều trị kịp thời, Bộ Y tế xây dựng Chiến lược Quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025, trong đó, sẽ lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe chung. Các bệnh viện đa khoa, nhất là ở tuyến huyện cũng cần cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần thiết yếu cho bệnh nhân./.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết