Tiếng Việt | English

10/09/2021 - 09:01

Phát huy '4 tại chỗ' để chủ động trong chống dịch Covid-19

Thời gian qua, để ứng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống dịch Covid-19, Long An đã kiện toàn, bổ sung, phân bổ các lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất y tế; nỗ lực “chống dịch như chống giặc” với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Chủ động trong mọi tình huống

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, tỉnh huy động tổng lực, phát huy nội lực để chủ động trong chống dịch Covid-19. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Tiểu ban Thông tin, Truyền thông và Công nghệ - Hoàng Đình Cán cho biết, tỉnh triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết tâm khống chế dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ”. Người đứng đầu sở, ngành, địa phương có sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi, địa bàn và đối tượng quản lý; căn cứ vào tình hình thực tế để có thể tự quyết định theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được phân công; báo cáo cấp trên trực tiếp những khó khăn cũng như các vấn đề vượt quá thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ.

Tỉnh chủ động huy động các lực lượng từ đội ngũ y tế tại chỗ và từ các địa phương “vùng xanh” chi viện cho “vùng đỏ”, lực lượng công an, quân đội, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), giáo viên,...; bổ sung thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Toàn tỉnh phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại mà phải luôn chủ động trong thực hiện nhiệm vụ.

Tỉnh chủ động huy động các  lực lượng từ đội ngũ y tế  tại chỗ và từ các địa phương “vùng xanh” chi viện cho “vùng đỏ”, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, sàng lọc cộng đồng

Bên cạnh chi ngân sách, tỉnh tích cực huy động nguồn lực, vận động xã hội hóa để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Tính đến ngày 05/9/2021, UBMTTQ Việt Nam tỉnh cùng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ nguồn lực phòng, chống dịch, cấp tỉnh vận động tiền mặt gần 70 tỉ đồng và nhiều hiện vật trị giá hàng chục tỉ đồng; cấp huyện vận động tiền mặt 18,3 tỉ đồng và hiện vật trị giá 65,6 tỉ đồng; cấp xã vận động tiền mặt 13,1 tỉ đồng và hiện vật trị giá 99,7 tỉ đồng. Nguồn vận động hỗ trợ trực tiếp cho lực lượng phòng, chống dịch và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, hỗ trợ các khu cách ly.

Ngoài ra, UBMTTQ Việt Nam các cấp còn lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân về tình hình dịch bệnh để phản ánh cơ quan chuyên môn và giúp đỡ người dân khi cần thiết, kết quả đã tiếp nhận xử lý hơn 300 thông tin (tính cả Tiểu ban Hậu cần tỉnh); đồng thời, giám sát việc thực hiện chế độ trợ cấp cho người dân theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Trong công tác phòng, chống dịch thì nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu hiện nay. Đến nay, tỉnh huy động 4.973 công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập ngành Y tế và 662 nhân viên y tế ngoài công lập tham gia chống dịch. Ngoài ra, tỉnh còn huy động tình nguyện viên (TNV) là công chức, viên chức tham gia chống dịch với chỉ tiêu 30% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị (trừ ngành Y tế).

Tập huấn, hướng dẫn lực lượng dân quân tự vệ tham gia lấy mẫu SARS-CoV-2

Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, Tỉnh đoàn huy động được rất nhiều ĐVTN tham gia chống dịch. Theo Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh, đến nay, toàn tỉnh có hơn 10.000 ĐVTN trực tiếp tham gia các đội hình tình nguyện hỗ trợ các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến; trực chốt, điều phối và đo thân nhiệt, khai báo y tế cho người dân; tuyên truyền về phòng, chống Covid-19; hỗ trợ tiêm vắc-xin; mua thực phẩm cùng các đội hình thực hiện lưu thông hàng hóa, vận chuyển; thu hoạch giúp nhân dân, hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, tỉnh còn có đội hình phản ứng nhanh phòng, chống Covid-19 do Đoàn TN các cấp thành lập; ĐVTN tham gia tổ giám sát cộng đồng; hỗ trợ truy vết, xét nghiệm nhanh Covid-19.

Đồng thời, tỉnh có gần 1.000 lượt ĐVTN đăng ký tham gia phòng, chống dịch thông qua Fanpage Học sinh - Sinh viên Long An do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quản lý. Tỉnh đoàn thành lập 8 đội hình cấp tỉnh với gần 200 TNV gồm cán bộ chuyên trách Khối cơ quan Tỉnh đoàn, sinh viên, học sinh, công nhân,... thực hiện nhiều nhiệm vụ: Hỗ trợ các chốt kiểm soát dịch, bệnh viện dã chiến; hỗ trợ tiêm vắc-xin, xét nghiệm nhanh; tham gia đội hình phun khử khuẩn lưu động; Bếp ăn Nghĩa tình; tiếp nhận, vận chuyển và phân phối hàng hóa phục vụ nhiệm vụ của Tiểu ban Hậu cần và Cứu trợ tỉnh;... Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn điều phối, tăng cường hơn 500 TNV tham gia đội hình tình nguyện hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch.

Đoàn viên, thanh niên tham gia các đội hình hỗ trợ hoạt động tiêm vắc-xin, sàng lọc cộng đồng trên địa bàn tỉnh

Từng bước kiểm soát dịch bệnh

Nhờ phát huy tính tích cực, chủ động mà một số địa phương từng là điểm nóng đã cơ bản kiểm soát được tình hình hoặc có những tín hiệu khởi sắc, lạc quan trong chống dịch. Với huyện Cần Giuộc - địa phương từng dẫn đầu về số ca mắc do địa bàn giáp ranh TP.HCM, có số lượng nhà trọ công nhân đông nên tình hình vô cùng phức tạp. Đến nay, huyện từng bước “xanh hóa” địa bàn với số ca mắc có dấu hiệu đi xuống và nhiều ngày không phát sinh chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới. Đặc biệt, bên cạnh đội ngũ y, bác sĩ các cơ sở y tế công lập, huyện cũng vận động được lực lượng y tế tư nhân và y, bác sĩ đã nghỉ hưu tham gia phòng, chống dịch.

Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 huyện Cần Giuộc - Phạm Văn Bốn cho biết, huyện huy động cả hệ thống chính trị tập trung quyết liệt, tham gia tích cực để cùng cộng đồng trách nhiệm với nhiệm vụ chống dịch, phần lớn là chủ động “4 tại chỗ” bên cạnh sự hỗ trợ tích cực từ cấp trên và các đơn vị bạn. Huyện cũng nỗ lực chăm lo an sinh xã hội cho người dân, nhất là tại khu phong tỏa, nhà trọ công nhân, mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, huyện cũng kết nối với các đơn vị cung ứng hàng hóa đến tận khu dân cư thông qua các lực lượng nòng cốt giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của người dân.

Huy động nguồn lực chăm lo người dân trong khu phong tỏa, các hộ có hoàn cảnh khó khăn

Đối với huyện Cần Đước - địa phương đã “hạ màu” từ “vùng đỏ” sang “vùng xanh”. Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 huyện Cần Đước - Nguyễn Văn Đát cho biết: Ngay từ đầu, huyện xác định phải phát huy nguồn lực tại chỗ để có sự chủ động từ cách ly điều trị; cơ sở vật chất, trang thiết bị; kinh phí; tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch cấp huyện và các xã, thị trấn được kiện toàn nhanh chóng, kịp thời, dưới sự lãnh, chỉ đạo của bí thư cấp ủy - trưởng ban chỉ đạo; sự điều hành trực tiếp của chủ tịch UBND cùng cấp - chỉ huy trưởng. Từ đó, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tham gia phòng, chống dịch.

Huyện chủ động chuẩn bị khu cách ly tập trung tại địa phương gồm Khu cách ly tập trung Phước Vân; Khu cách ly tập trung cơ sở Trung tâm Huấn luyện quân sự, giáo dục quốc phòng và an ninh huyện; đồng thời, vận động chủ khách sạn tận dụng cơ sở làm khu cách ly như khách sạn Minh Quân 2 (xã Long Hòa) và Minh Quân 8 (xã Long Cang). Huyện cũng chỉ đạo tăng cường lực lượng y tế đến cho các xã, thị trấn “vùng đỏ”; huy động lực lượng công an, quân sự, giáo viên, Mặt trận và các đoàn thể, công chức, viên chức tham gia chống dịch. Ngoài ra, các cấp, các ngành còn tổ chức vận động nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, nhu yếu phẩm cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn, người bệnh Covid-19, người dân trong khu phong tỏa và tuyến đầu phòng, chống dịch.

Trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, tỉnh đang phát huy nội lực từ cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và lan tỏa tinh thần chủ động, trách nhiệm tự phòng, chống dịch trong mỗi hộ dân, tổ dân và khu dân cư để mỗi người hiểu rõ, đồng tâm, ủng hộ chung sức phòng, chống dịch Covid-19. Hy vọng với những nỗ lực, quyết tâm ấy, tỉnh sẽ từng bước kiểm soát được dịch bệnh, sớm bước sang giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế, cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới trong thời gian gần nhất./.

Trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, tỉnh đang phát huy nội lực từ cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và lan tỏa tinh thần chủ động, trách nhiệm tự phòng, chống dịch trong mỗi hộ dân, tổ dân và khu dân cư để mỗi người hiểu rõ, đồng tâm, ủng hộ chung sức phòng, chống dịch Covid-19. Hy vọng với những nỗ lực, quyết tâm ấy, tỉnh sẽ từng bước kiểm soát được dịch bệnh”.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết