Tiếng Việt | English

02/10/2022 - 14:20

Phát huy truyền thống trong xây dựng quê hương

Trung dũng, kiên cường trong đấu tranh giải phóng dân tộc, sáng tạo, đột phá trong công cuộc đổi mới, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra, xây dựng tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững.

Đổi mới, sáng tạo

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với các địa phương khác, tỉnh tập trung xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống người dân. Từ cuối năm 1976, Long An bắt tay lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển KT - XH theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và lần thứ V (năm 1982).

Trong giai đoạn này, Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra phương hướng và nhiều giải pháp để tập trung lãnh đạo đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, từng bước phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và giao thông - vận tải, chăm lo giải quyết các vấn đề văn hóa - xã hội song song với việc thường xuyên củng cố quốc phòng - an ninh, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế.

7 tháng năm 2022, toàn ngành Công nghiệp của tỉnh tăng 7,14% so cùng kỳ

Đặc biệt, Long An đã sớm nhận thức được sự bế tắc của phân phối lưu thông và sự bất hợp lý về giá cả, từ đó nỗ lực tìm tòi và thực hiện thí điểm nhiều biện pháp có tính đột phá, góp phần kiến tạo cơ chế mới về quản lý kinh tế nói chung cho cả nước. Bên cạnh đó, chương trình Đồng Tháp Mười nhằm khai thác tiềm năng thiên nhiên, lao động kết hợp phân bố lại dân cư đã thể hiện rõ tính sáng tạo và quyết tâm của Đảng bộ tỉnh.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Long An cùng cả nước bước vào một giai đoạn cách mạng mới. Đảng bộ tỉnh tiếp tục thể hiện tính năng động trong tư duy, nhạy bén trong hoạt động thực tiễn, lãnh đạo các cấp, các ngành, đạt nhiều kết quả quan trọng về KT - XH. Từ năm 1991 - 1995, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đây là giai đoạn sự nghiệp cách mạng của địa phương có nhiều vận hội mới, cơ hội mới với tốc độ phát triển khá nhanh về kinh tế. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (năm 1996), Long An bắt đầu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 4 chính sách lớn của Đảng bộ tỉnh gồm chính sách đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chính sách kinh tế nhiều thành phần, chính sách khoa học và công nghệ, chính sách xã hội và phát triển nguồn nhân lực được triển khai và đi vào cuộc sống, tạo nên những thành tựu vững chắc trên mọi lĩnh vực.

Đến nay, sau 36 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Long An trở thành “điểm sáng” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thu hút đầu tư. Đối với đầu tư trong nước, trên địa bàn tỉnh có hơn 14.700 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với tổng vốn đăng ký hơn 358.000 tỉ đồng. Đối với đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng năm 2022, vốn thu hút FDI của tỉnh đạt khá cao (254,3 triệu USD), tăng 2,4 lần so cùng kỳ năm 2021.

Phát triển toàn diện

Với vị trí địa lý thuận lợi, là nơi giao thoa giữa vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp TP.HCM, với hệ thống giao thông ngày càng phát triển đồng bộ và hoàn thiện, mang tính kết nối liên vùng cao, có Cảng Quốc tế đi vào hoạt động, Long An đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị.

Long An có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển trên nhiều lĩnh vực (Trong ảnh: Một góc TP.Tân An)

Bằng việc xác định đúng đắn hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đã và đang phát huy tốt vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tính đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có 18 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút được 1.738 dự án đầu tư với diện tích trên 2.457ha, lấp đầy trên 91%; 22 cụm công nghiệp hoạt động, thu hút 679 dự án. Thương mại - dịch vụ cũng có nhiều đóng góp quan trọng. Mạng lưới cung cấp, phân phối hàng hóa, phục vụ được mở rộng đến tận vùng nông thôn, biên giới. Một số loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, viễn thông,... tiếp tục phát triển. Các hoạt động xúc tiến du lịch cũng có nhiều đổi mới, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận trong triển khai, thực hiện. Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Bình Tây, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường - Nguyễn Thanh Nhàn phấn khởi nói: “Tham gia vào mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, nông dân có nhiều cái lợi, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng thu nhập so với phương pháp truyền thống”.

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh luôn được quan tâm. Diện mạo từ thành thị đến vùng nông thôn chuyển mình, khởi sắc rõ nét theo hướng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp hơn. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông từng bước được hoàn thiện, làm cho bức tranh quê hương thêm tươi đẹp, sinh động.

Nhớ lại những ngày gian khó đã qua, ông Hồ Văn Hai, ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, bộc bạch: “Những năm đầu sau giải phóng, việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Đường sá, trường học, trạm y tế thiếu thốn chứ đâu được khang trang như bây giờ. Nhờ có Đảng, chính quyền lãnh, chỉ đạo thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống người dân đã có những bước tiến vượt bậc”.

Kế thừa, phát huy truyền thống “Trung dũng, kiên cường”, vận dụng có hiệu quả vào công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương giúp Long An vươn lên top đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Những kết quả đã đạt còn minh chứng cho sức mạnh của khối đại đoàn kết, sự đồng tâm hiệp lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích