Tiếng Việt | English

18/11/2017 - 03:40

Kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2017)

Phát huy vai trò cầu nối giữa Nhân dân với Đảng

Nhân kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2017), Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Lê Văn Hùng dành cho phóng viên (PV) Báo Long An cuộc trao đổi về những hoạt động của UBMTTQ Việt Nam tỉnh thời gian qua và công tác trọng tâm trong thời gian tới.

► PV: Thưa ông, ông có thể khái quát một số kết quả nổi bật trong hoạt động của MTTQ các cấp trong năm 2017?

Ông Lê Văn Hùng: Trong năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình, làm tốt vai trò cầu nối giữa Nhân dân với Đảng. Nội dung, phương thức hoạt động tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tính tích cực, tự giác của các tầng lớp nhân dân trong tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động ngày càng phát huy. Nổi bật có thể kể đến cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Lê Văn Hùng trao quà cho các khu dân cư điểm của tỉnh

Năm 2017, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên vận động xây dựng, sửa chữa 53 cầu bêtông, trị giá hơn 6,1 tỉ đồng; nâng cấp, sửa chữa, giặm vá, tráng bêtông 21,7km đường giao thông nông thôn, trị giá hơn 8,1 tỉ đồng. Bên cạnh đó, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân còn đóng góp hơn 120 tỉ đồng, 10.457 ngày công lao động và hiến 121.098m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, nạo vét kênh, mương thủy lợi nội đồng,...

Hoạt động chăm lo, hỗ trợ người nghèo tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Trong đó, Mặt trận các cấp vận động nhà hảo tâm, tín đồ trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, tặng quà cho người nghèo, người già neo đơn, duy trì bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện, đóng góp quỹ khuyến học, khám, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo,... với tổng số tiền và hiện vật trị giá hơn 120 tỉ đồng. Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức thành viên còn hỗ trợ tiền, con giống cho người nghèo sản xuất, phát triển kinh tế không hoàn lại, trị giá trên 5 tỉ đồng.

► PV: Giám sát và phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan trọng của MTTQ. Để công tác này đạt hiệu quả, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Hùng: Năm 2017, MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp thường trực HĐND cùng cấp tổ chức 2.123 cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội (khóa XIV) và đại biểu HĐND, với 108.260 lượt người dự; tham gia giám sát cùng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An, HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh trên các lĩnh vực: Tài chính, đầu tư, văn hóa, xã hội, công tác cán bộ,... Phối hợp xây dựng 75 mô hình cấp huyện và hơn 200 mô hình cấp xã nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc ở địa phương, cơ sở trong phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, vận động nhân dân chấp hành pháp luật,...

Thực hiện công tác giám sát theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị, hầu hết MTTQ cấp huyện chủ động xây dựng kế hoạch và được cấp ủy cùng cấp thống nhất tổ chức giám sát trên các lĩnh vực: Thực hiện dân chủ ở cơ sở, chính sách bảo hiểm xã hội, khiếu nại kéo dài, xây dựng nông thôn mới,... Qua đó, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên có nhiều kiến nghị đến cơ quan, tổ chức thẩm quyền xem xét, giải quyết, bảo đảm quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực giám sát.

Hoạt động của ban Thanh tra nhân dân và ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ngày càng có chất lượng, thường xuyên giám sát đối với các lĩnh vực do pháp luật quy định. Từ đầu năm đến nay, giám sát 437 cuộc, kịp thời phản ánh, kiến nghị những hạn chế, thiếu sót để khắc phục. MTTQ Việt Nam cấp cơ sở còn thường xuyên tham gia công tác hòa giải về tranh chấp đất đai, hôn nhân - gia đình, tài sản thừa kế, vay mượn tiền,... góp phần giữ vững ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

► PV: Dù đạt nhiều kết quả tích cực, công tác Mặt trận vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Thời gian tới, MTTQ tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào?

Ông Lê Văn Hùng: Thời gian qua, nhiều ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp huyện, xã chưa theo kịp những thay đổi trong phương pháp chỉ đạo, hướng dẫn công tác Mặt trận theo hướng tăng cường xây dựng mô hình, giảm hành chính, hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác. Từ đó, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, nhất là chủ trương tăng cường xây dựng mô hình hiệu quả, thiết thực. Một số nội dung trong chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2017 triển khai thực hiện còn chậm tiến độ, chưa có giải pháp tốt để thực hiện công tác phản biện xã hội. Việc phối hợp các tổ chức thành viên có lúc chưa thật sự đồng bộ, nhất là việc triển khai các đề án, các phong trào, có hiện tượng chồng chéo, trùng lắp trong nội dung, địa bàn, đối tượng.

Từ thực trạng trên, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung thực hiện đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức theo chủ trương chung của Tỉnh ủy; tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ MTTQ các cấp, chú trọng nâng cao tinh thần, trách nhiệm, rèn luyện tác phong năng động, sáng tạo, hết lòng, hết sức vì công việc, vì nhân dân. Đồng thời, triển khai các hoạt động giám sát theo quy định tại Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, tập trung vào những vấn đề bức xúc trong nhân dân: Hàng giả, hàng kém chất lượng, an toàn thực phẩm; ô nhiễm môi trường; các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, giải tỏa, đền bù, tái định cư;...

Cùng với đó, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tập trung thực hiện đồng bộ các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Chương trình phối hợp UBND tỉnh về thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2016-2020; triển khai phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” phù hợp với đặc điểm, truyền thống của tổ chức mình; tuyên truyền, giới thiệu các điển hình tiên tiến, gương người tốt - việc tốt, các điển hình sáng tạo ở địa phương; tổ chức các hoạt động nhằm bồi dưỡng, phát huy vai trò cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

► PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hồng Anh

Chia sẻ bài viết