Tiếng Việt | English

06/05/2020 - 14:53

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Hướng đi bền vững

Thời gian qua, huyện Tân Trụ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.

Người dân dần chuyển sang sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường

Tăng thu nhập

Huyện Tân Trụ có 8.462ha đất sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân còn khó khăn. Với tiềm năng sẵn có, huyện mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình rau chuyên canh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) được hình thành ở xã Lạc Tấn, Tân Bình; sản xuất hoa màu trong nhà lưới, sản xuất lúa theo quy trình VietGAP ở xã Bình Lãng, Bình Tịnh,… Ngoài ra, các địa phương trong huyện còn triển khai hệ thống tưới tiết kiệm tự động cho nhiều diện tích rau màu, thanh long,... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Xã Tân Bình là vùng chuyên sản xuất các loại cây rau màu của huyện. Nhờ sản xuất ƯDCNC, đời sống người dân được cải thiện. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Tân Bình - Nguyễn Ngọc Thanh Phương thông tin: “Toàn xã có hơn 40ha thanh long, hoa màu. Áp dụng mô hình sản xuất ƯDCNC, người dân chủ động đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động vừa tiết kiệm nước, vừa tiết kiệm nhân công lao động, mang lại hiệu quả kinh tế”.

Ông Nguyễn Văn Bé, ngụ ấp 5, xã Lạc Tấn, cho biết: “Những năm gần đây, nhờ ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp góp phần bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá bán ổn định, giúp nông dân sản xuất hiệu quả, vươn lên khá giàu”.

“Dù giá thành cao hơn sản xuất đại trà (khoảng 20-30%), nhưng nông sản ƯDCNC được thị trường ưa chuộng, nên chúng tôi rất phấn khởi” - ông Trần Đức Thành, ngụ ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, bày tỏ.

Hướng đi mới cho nông dân

Trong tương lai, huyện Tân Trụ có khoảng 250ha lúa sản xuất ƯDCNC theo quy trình “7 bước”, 20ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác, tưới phun kết hợp với nhỏ giọt và hệ thống chiếu sáng thông minh cho thanh long ra hoa trái vụ; phát triển đàn bò thịt chất lượng cao ứng dụng công nghệ lai tạo giống, thay đổi hình thức chăn nuôi theo hướng chuyên môn hóa.

Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều trang trại, gia trại với quy mô lớn; thực hiện liên kết sản xuất, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa, tập trung, chuyên canh cao. Những mô hình sản xuất lúa ƯDCNC theo hướng hữu cơ sinh học, sản xuất thanh long theo hướng VietGAP, trong đó sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, nuôi bò thịt chất lượng cao, ứng dụng công nghệ lai tạo giống, quy trình nuôi khép kín,... trên địa bàn huyện ngày càng phát huy hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trịnh Phước Trung cho rằng: “Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng “bền vững và nâng cao giá trị gia tăng”. Huyện đang tập trung đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến,… Qua đó, góp phần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý; thúc đẩy sản xuất theo quy hoạch mang tính tập trung hàng hóa, chất lượng cao, giúp nông dân yên tâm sản xuất”.

Mục tiêu đến năm 2020, tổng sản lượng lúa của huyện đạt khoảng 95.000 tấn; diện tích cây thanh long khoảng 200ha; cây chanh 100ha và rau màu chuyên canh là 55ha. Việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật luôn được các ngành chuyên môn tích cực triển khai ngay từ đầu vụ giúp nông dân ứng dụng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau sạch hữu cơ Khôi Nguyên - Nguyễn Việt Thịnh cho biết: “Hoạt động sản xuất rau của HTX được thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình, kỹ thuật mới, không dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Các loại rau được trồng tại đây chỉ dùng phân hữu cơ an toàn và sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu, bệnh. Nhờ đó, sản phẩm của HTX đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Khi sản phẩm chất lượng cao hơn, giá bán cũng tốt hơn, đời sống của các thành viên HTX ngày càng cải thiện”.

Các mô hình sản xuất ƯDCNC đã và đang được nhân rộng với những kết quả khả quan, tăng thu nhập cho nông dân. Đây cũng là lĩnh vực mới, không chỉ đầu tư nguồn vốn vào thực hiện mà còn phải thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất mới./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết