Tiếng Việt | English

02/11/2017 - 02:25

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được xác định là mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nội dung quan trọng là cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân gắn với tiêu thụ, chế biến nhằm tăng giá trị sản phẩm.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Thời gian qua, tỉnh Long An có nhiều giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp, hình thành tổ liên kết; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất; vận động người dân học nghề, tạo việc làm,... là những việc làm thiết thực và hiệu quả mà tỉnh triển khai trong thời gian qua nhằm giúp người dân thoát nghèo, từng bước nâng cao thu nhập.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao (Trong ảnh: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng (từ đất lúa sang trồng khoai mỡ) đạt hiệu quả tại thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa) 

Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc thù tại địa phương: Chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười; chính sách hỗ trợ mô hình đầu tư xây dựng ao lắng trong nuôi tôm nước lợ. Các chính sách trên góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển khá toàn diện, nâng cao thu nhập cho người dân và hình thành vùng sản xuất nông sản tập trung: Vùng lúa chất lượng cao vùng Đồng Tháp Mười, vùng rau Cần Đước, Cần Giuộc; vùng chanh Bến Lức, Đức Huệ; vùng thanh long Châu Thành; nuôi thủy sản nước lợ vùng hạ; nuôi thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười; bò sữa Đức Hòa;...

Bên cạnh đó, Chính phủ và bộ, ngành Trung ương cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp và tỉnh cụ thể hóa tổ chức triển khai, thực hiện: Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ giống cây trồng để chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng khác hiệu quả hơn; hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; hỗ trợ việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh;...

Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Việt Cường cho biết: “Thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, huyện tập trung phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, chỉ đạo người dân thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, duy trì và mở rộng diện tích các vùng lúa, vùng rau có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh việc duy trì và phát triển nghề sẵn có tại địa phương, huyện luôn tạo mọi điều kiện khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, du nhập mở rộng nghề mới”.

Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cần Đước - Hồ Tấn Lợi: “Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập thì việc đào tạo nghề cho nông dân là rất quan trọng. Sau mỗi khóa học, nông dân có khả năng ứng dụng kiến thức và lợi nhuận tăng lên so với phương thức canh tác, nuôi trồng cũ. Nhờ đó, nông dân dần thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi,... tăng thu nhập. Hiện nay, trung tâm chủ yếu mở lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng rau công nghệ cao (CNC) tại các xã: Phước Vân, Long Hòa, Long Trạch, Long Sơn, Long Khê, Mỹ Lệ”.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua giúp đời sống nông dân trên địa bàn tỉnh cải thiện rõ rệt. Cây thanh long là một điển hình về việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 9.100ha thanh long, trong đó có khoảng 7.115ha cho trái, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ và TP.Tân An.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao (Trong ảnh: Nông dân xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành trồng thanh long mang lại hiệu quả cao)

Ông Nguyễn Văn Toàn, ngụ xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, cho biết: “Cây thanh long hiện nay mang lại lợi nhuận cho người dân rất cao. Trước đây, gia đình tôi trồng lúa trên 2.000m2 đất, trung bình mỗi năm chỉ thu hơn chục triệu đồng. Mấy năm nay, chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ, với giá 40.000-50.000 đồng/kg như hiện nay thì trung bình mỗi năm, chúng tôi thu lợi nhuận khoảng vài chục triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”.

Ngoài cây thanh long, cây lúa chất lượng cao, thời gian qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đưa các loại cây: Khóm, khoai mỡ, chanh,... vào sản xuất đại trà. Những loại cây này đã và đang mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân so với việc trồng cây lúa trước đây.

Để phát triển kinh tế hiệu quả

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng: Để hoàn thành được mục tiêu XDNTM, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước đưa CNC vào sản xuất theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với XDNTM. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức liên kết, hợp tác gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững; tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh ở nông thôn, tham gia XDNTM; chú trọng đào tạo, tạo việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT), từng bước chuyển dịch LĐNT theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng (ƯD) CNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế một số cây trồng, vật nuôi lợi thế của địa phương.

Theo đề án, tỉnh chọn 3 cây trồng, 1 vật nuôi để thực hiện ƯDCNC vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch) phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên các sản phẩm chủ lực của tỉnh: 20.000ha sản xuất lúa ƯDCNC trong vùng lúa cao sản xuất khẩu gần 40.000ha ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười; 2.000ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại 3 huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.Tân An; vùng chăn nuôi bò thịt 500-1.000 con theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Võ Thành Trí cho biết: “Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đạt hiệu quả, sở tiếp tục phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của học nghề đối với tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống, từ đó, thu hút LĐNT tham gia học nghề; hướng dẫn các địa phương trong tỉnh rà soát, điều chỉnh danh mục ngành nghề, kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT phù hợp với nhu cầu người học, doanh nghiệp, yêu cầu phát triển KT-XH và quy hoạch XDNTM; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương: “Không tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của lao động sau học nghề”.

Nông dân tham gia các lớp đào tạo nghề để sản xuất hiệu quả (Trong ảnh: Ông Phạm Văn Lao (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) chăm sóc rau màu)

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ huy động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có điều kiện tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung ngành nghề đào tạo, chỉnh lý, biên soạn chương trình phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT; xây dựng và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tăng cường mối liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông; có chính sách khuyến khích LĐNT sau học nghề tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để có điều kiện tăng năng suất, nâng cao chất lượng, sức cạnh cạnh của hàng hóa nông sản, qua đó có được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích