Tiếng Việt | English

29/07/2022 - 14:25

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh: Trả lời cụ thể, đi vào trọng tâm và đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 6 (kỳ họp lệ giữa năm 2022), có 5 nhóm vấn đề được Thường trực HĐND tỉnh bố trí trả lời trực tiếp tại hội trường. Những nội dung khác được UBND tỉnh và các ngành liên quan trả lời bằng văn bản để đại biểu (ĐB) thông tin cho cử tri được rõ.

Đại biểu Huỳnh Thị Phương Quyên (đơn vị huyện Đức Huệ) chất vấn Giám đốc Sở Công Thương về tình trạng xóa điện kế dùng chung

Đại biểu Huỳnh Thị Phương Quyên (đơn vị huyện Đức Huệ) chất vấn Giám đốc Sở Công Thương về tình trạng xóa điện kế dùng chung

Đề nghị quan tâm xóa điện kế dùng chung

Theo ĐB Huỳnh Thị Phương Quyên (đơn vị huyện Đức Huệ), trên địa bàn huyện hiện có 1.371 điện kế tổ (điện kế dùng chung) đang chờ đầu tư. Khi cử tri đặt vấn đề, ngành Điện và chính quyền các cấp thông tin là đã đăng ký và chờ vốn. Cử tri và người dân thực sự bức xúc vì chờ rất lâu nhưng vẫn chưa được đầu tư.

Giải trình nội dung này, Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, để giải quyết tình trạng sử dụng điện kế dùng chung, năm 2013, Sở phối hợp địa phương và ngành Điện khảo sát, đăng ký danh mục đầu tư với chương trình đầu tư xây dựng lưới điện theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg, ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 và được Bộ Công Thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Long An” giai đoạn 2015-2020 với tổng mức đầu tư trên 484 tỉ đồng, dự kiến xóa 5.124 điện kế tổ, tách 11.677 hộ câu phụ. Sở Công Thương nhiều lần tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để triển khai, thực hiện.

Bên cạnh đó, năm 2021, Công ty Điện lực Long An lập Đề án Đầu tư lưới điện xóa hộ câu phụ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Sở Công Thương cũng có văn bản đề nghị Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh sớm xem xét bố trí nguồn vốn để ngành điện vay với lãi suất ưu đãi, với chi phí đầu tư trên 791 tỉ đồng, dự kiến xóa được 6.367 điện kế tổ và tách được 16.174 hộ câu phụ.

Trong thời gian chờ các nguồn trên, từ năm 2020-2022, ngành Điện tận dụng từ nhiều nguồn để xây dựng lưới điện với tổng mức đầu tư khoảng 399 tỉ đồng. Năm 2020-2021 đã xóa được 3.975 điện kế cụm, tách 9.198 hộ dùng chung. Năm 2022, dự kiến xóa 912 điện kế cụm, tách 3.090 hộ dùng chung.

Theo Đề án, giai đoạn 2022-2025, khu vực huyện Đức Huệ dự kiến được đầu tư trên 61 tỉ đồng để xây dựng lưới điện xóa hộ câu phụ (trong đó, năm 2022: Trên 20 tỉ đồng; năm 2023: Trên 17 tỉ đồng; năm 2024: Gần 15 tỉ đồng; năm 2025: Gần 9 tỉ đồng). Sau khi được đầu tư, các công trình sẽ cơ bản xóa các điện kế tổ trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh thông tin thêm: “Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành bố trí vốn cho chương trình; đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh bố trí vốn cho Công ty Điện lực Long An vay trong năm 2023 và các năm tiếp theo để thực hiện các công trình, nhằm kịp thời khắc phục tình trạng sự cố lưới điện, tai nạn điện, nâng cao chất lượng điện áp các khu vực vùng sâu, vùng nông thôn trong
thời gian tới”.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm

ĐB Đặng Thị Ngọc Mai (đơn vị huyện Thủ Thừa) nêu vấn đề: Theo báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2022 của UBND tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt thấp (năm 2022, số vốn đầu tư công là 6.937,9 tỉ đồng, đã giải ngân với khối lượng thực hiện 2.425,3 tỉ đồng, đạt 35% kế hoạch). ĐB đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm 2022.

Liên quan nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Huỳnh Văn Sơn đã phân tích, làm rõ một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân thấp. Về nguyên nhân khách quan, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều loại nguyên vật liệu biến động giá lớn, làm tăng giá thành xây lắp từ 18-30%, riêng giá xăng, dầu đã điều chỉnh tăng 16 lần (tăng 58%) làm cho các nhà thầu thi công chậm; việc giảm thuế giá trị gia tăng (từ 10% xuống 8% một số loại nguyên liệu) theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30-01-2022 của Chính phủ làm chậm công tác đấu thầu. Cùng với đó là các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng một số dự án lớn như Đường tỉnh (ĐT) 823D, ĐT830E, ĐT827E, ĐT822B,... (chiếm khoảng 21% tổng vốn toàn tỉnh, chiếm khoảng 29% phần vốn tỉnh quản lý).

Đại biểu Đặng Thị Ngọc Mai (đơn vị huyện Thủ Thừa) chất vấn Sở Kế hoạch và Đầu tư về nguyên nhân, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân 6 tháng cuối năm 2022

Đại biểu Đặng Thị Ngọc Mai (đơn vị huyện Thủ Thừa) chất vấn Sở Kế hoạch và Đầu tư về nguyên nhân, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân 6 tháng cuối năm 2022

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân thấp còn có các nguyên nhân chủ quan như công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chưa tốt nên khi triển khai, thực hiện phải điều chỉnh cho phù hợp thực tế, từ đó làm chậm quá trình triển khai, thực hiện. Việc công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng chưa kịp thời. Một số chủ đầu tư thực hiện công tác đấu thầu chậm; chưa quyết liệt, chưa chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng tiến độ thi công. Vai trò người đứng đầu của một số chủ đầu tư chưa tốt, chưa quan tâm sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra trong quá trình triển khai, thực hiện.

Theo ông Huỳnh Văn Sơn, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2022, các cấp, các ngành phải xem thực hiện dự án đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, chủ động, linh hoạt và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, cá nhân phụ trách trực tiếp gắn với chất lượng và tiến độ hoàn thành dự án.

Mặt khác, cần đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán khối lượng cho đơn vị thi công khi có khối lượng đủ điều kiện thanh toán. Các chủ đầu tư kịp thời báo cáo kết quả thực hiện và giải ngân, phản ánh các khó khăn, vướng mắc để giải quyết; kịp thời rà soát, đề xuất điều hòa kế hoạch vốn từ công trình giải ngân chậm sang công trình giải ngân tốt. “Song song đó, 2 tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc và đôn đốc giải ngân do UBND tỉnh thành lập phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư và kịp thời báo cáo UBND tỉnh nếu vượt thẩm quyền; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân” - ông Huỳnh Văn Sơn nêu rõ./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết