Tiếng Việt | English

10/06/2016 - 13:44

Phổ biến nhân rộng kết quả quy trình VietGAHP trong chăn nuôi

Ngày 9-6-2016, tại Hội trường khách sạn Bông Sen (phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An) diễn ra Hội thảo Phổ biến nhân rộng kết quả áp dụng quy trình VietGAHP trong chăn nuôi.

Trưởng phòng Chăn nuôi kiêm Phó Giám đốc Dự án LIFSAP thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - Huỳnh Thị Kim Phượng phát biểu tại Hội thảo.

Đến dự Hội thảo có đại diện Sở Nông nghiệp - Phát triển nông nghiệp (NN&PTNT) tỉnh Long An; đại diện lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh; lãnh đạo Phòng NN&PTNT các huyện có các hộ chăn nuôi theo nhóm GAHP như: Tân Trụ, Châu Thành, Cần Đước, Cần Giuộc.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo kế hoạch triển khai nhân rộng phát triển ứng dụng quy trình VietGAHP nông hộ năm 2016. Hoạt động xây dựng vùng nông hộ áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) trong chăn nuôi heo, gà - một trong những hoạt động chính của Dự án LIFSAP Long An.

Với mục tiêu trên, Ban quản lý Dự án LIFSAP tỉnh đầu tư xây dựng 38 nhóm hộ chăn nuôi ứng dụng GAHP tại 12 xã thuộc 4 huyện: Hòa Phú, Vĩnh Công, Bình Quới (huyện Châu Thành); Bình Lãng, Lạc Tấn, Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ); Tân Lân, Mỹ Lệ, Tân Trạch (huyện Cần Đước) và Phước Lâm, Phước Hậu, Mỹ Lộc (huyện Cần Giuộc).

Đại biểu tham dự Hội thảo.

Trong các nhóm hộ chăn nuôi ở các xã này có 30 nhóm chăn nuôi heo và 8 nhóm chăn nuôi gà với tổng số 714 hộ tham gia. Từ năm 2014, Ban quản lý Dự án LIFSAP tỉnh phối hợp Chi cục Thú y tỉnh tổ chức thẩm định điều kiện chăn nuôi của các hộ thành viên nhóm để cấp chứng nhận GAHP, đến nay đã có 674 hộ được cấp chứng nhận GAHP.

Các đại biểu có ý kiến cho rằng: Từ trước đến nay, hầu như tâm lý người dân vẫn chăn nuôi theo hướng nhỏ, lẻ nên việc công bố sản phẩm chất lượng là hết sức khó khăn. Do đó, chuyển đổi sản xuất theo hình thức tổ, nhóm là những điều cần áp dụng để nông dân có điều kiện tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả, bền vững.

Để thực hiện áp dụng VietGAHP đạt kết quả cao, các đại biểu cho rằng cần phải tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn chứng nhận, hướng dẫn cho người nuôi thực hiện áp dụng VietGAHP; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức chứng nhận và cơ sở nuôi đạt chứng nhận VietGAHP; tập hợp tất cả các vấn đề không đồng nhất với các tổ chức chứng nhận quốc tế để rút ngắn tiêu chí VietGAHP; chú trọng thúc đẩy nhanh công tác hài hòa tiêu chuẩn với các tiêu chuẩn quốc tế và kết nối thị trường tiêu thụ./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết