Tiếng Việt | English

06/11/2020 - 21:52

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Phá rừng lấy gỗ còn xảy ra ở nhiều nơi”

Ngoài những nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu, địa chất… Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra những nguyên chủ quan do con người, là một phần tác nhân gây ra thảm họa thiên tai.

Trong phiên chất vấn chiều 6/11, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về nguyên nhân, giải pháp ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, những vấn đề liên quan để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.

Chất lượng rừng của nước ta còn thấp như đại biểu Quốc hội nói là rất đúng

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong năm vừa qua thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, rừng Việt Nam đã được phục hồi nhanh chóng. Năm 1945, chúng ta có 43% tỷ lệ che phủ rừng, nhưng đến năm 1995 do chiến tranh và sau đó là do chúng ta đi phát triển kinh tế cho nên rừng chỉ còn lại 28%. Đến nay, độ che phủ rừng của Việt Nam đã trên 41%, đứng thứ 50/193 quốc gia và vùng lãnh thổ,

“Tuy nhiên chất lượng rừng của nước ta còn thấp như nhiều vị đại biểu phát biểu là rất đúng” - Phó Thủ tướng thừa nhận.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra, tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, để làm nương, làm rẫy, phát triển sản xuất vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và có hiệu quả. Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt tình trạng phá rừng để lấy gỗ còn xảy ra ở nhiều nơi như báo chí đang đưa tin và có nhiều vụ phải đưa ra pháp luật.

Việc trồng rừng thay thế và các dự án sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế - xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ và chưa được thực hiện nghiêm. Từ đó đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một nhân tố rất quan trọng gây sạt lở đất khi có mưa lũ xảy ra.

Tác động tiêu cực của thủy điện

Việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực miền núi, những công trình giao thông, công trình điện, công trình đường ống,... đã làm thay đổi địa hình, tác động đến độ ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở đất, nhất là các tuyến đường. Khi chúng ta đi trong mùa mưa lũ thì thường xuyên gặp phải sạt lở đất ở trên đường, rất nguy hiểm. Mặt khác, việc xây dựng các công trình giao thông, công trình xây dựng khác đã gây cản trở lũ và làm cho lũ dâng cao, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phân tích.

Hiện nay nước ta có trên 7.500 hồ, đập thủy lợi và thủy điện, đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích là 70 tỷ m3 nước. Hiện nay, có khoảng 437 đập, hồ thủy điện đang hoạt động khai thác. Có thể nói, trong những năm qua các hồ, đập thủy lợi, thủy điện có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng an ninh nguồn nước, đáp ứng nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần cắt lũ. Đặc biệt, các công trình lớn như hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, hồ Kẻ Gỗ, Sông Tranh…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra những tác động tiêu cực hiện nay xây dựng các công trình hồ, đập thủy điện, thủy lợi. Vì các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện đa số đều xây dựng ở khu vực miền núi, trung du, đồng thời, việc xây dựng các công trình còn tác động đến sự ổn định của kết cấu đất đá nên cũng có thể tác động đến sạt lở đất.

Phó thủ tướng đề cập đến các giải pháp như xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống thiên tai; sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập đê điều, đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển; tiếp tục đầu tư chương trình nhà vượt lũ; nâng cao năng lực của các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...

"Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về nhu cầu chi ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai. Yêu cầu kinh phí là rất lớn" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích