Tiếng Việt | English

05/07/2021 - 10:14

Phòng bệnh cho gia súc, gia cầm giai đoạn chuyển mùa

Để bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, gia cầm (GS, GC), nhất là trong điều kiện thời tiết đang giao mùa như hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An cần tuân thủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh của ngành Nông nghiệp và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi.

Người nuôi không chủ quan, lơ là

Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi gà, ông Lý Văn Đạt, ngụ xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, ý thức được các loại dịch cúm GC có thể tái phát, gây hại cho vật nuôi bất cứ lúc nào. Do đó, ông luôn chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng vệ cho đàn gà đẻ hơn 2.000 con. Ông Đạt cho biết, hiện bắt đầu vào mùa mưa, thời tiết thay đổi làm cho GC chưa kịp thích nghi với điều kiện môi trường nên dễ xảy ra dịch bệnh và lây lan nhanh, nhất là các loại dịch cúm. Vì thế, để bảo đảm đàn gà phát triển tốt, khỏe mạnh, ông chủ động tiêm phòng vắc-xin theo định kỳ, tăng cường phun hóa chất khử trùng, hạn chế đến mức thấp nhất người ra, vào các khu nuôi để phòng tránh nguồn bệnh lây nhiễm,...

Tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh trên đàn gia cầm

Ngoài ra, trong đợt tăng đàn vừa rồi, ông Đạt tìm nguồn giống có xuất xứ rõ ràng; đồng thời, sửa chữa, dọn dẹp lại chuồng nuôi cho thông thoáng, sạch sẽ. “Ngoài tiêm phòng, khử trùng, việc lựa chọn nguồn thức ăn cũng vô cùng quan trọng. Tôi không sử dụng các loại thức ăn thừa cho đàn gà mà bổ sung các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng và vitamin để tăng sức đề kháng” - ông Đạt cho biết thêm.

Tương tự, ông Lê Tiến Thành, ngụ thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, chia sẻ, hiện dịch tả heo châu Phi vẫn chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị; bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng,… vẫn diễn ra phức tạp, trong khi đó, vốn đầu tư chăn nuôi heo lớn nên người chăn nuôi không thể lơ là trong phòng, chống dịch. Trong quá trình nuôi, ngoài việc hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài, ông Thành còn thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường toàn bộ trang trại, khu vực chăn nuôi bằng vôi bột và hóa chất. “Nếu như trước đây, việc khử trùng được tiến hành 1 tháng/lần thì hiện nay, việc khử trùng chuồng trại được nâng lên 2 ngày/lần để bảo đảm an toàn trong chăn nuôi” - ông Thành nói.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc, tính đến cuối tháng 6-2021, tổng đàn heo trên địa bàn huyện gần 2.000 con, GC gần 600.000 con. Người dân đang thực hiện tái đàn vật nuôi nên tổng đàn tăng 10-15% so với tháng 5-2021. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên GS, GC.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc thông tin, từ đầu năm 2021 đến nay, ngành Nông nghiệp huyện tham mưu UBND huyện ban hành các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật và thực hiện báo cáo kết quả kê khai chăn nuôi quí I-2021 gửi về tỉnh theo quy định; hoàn thành việc thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường (đợt 1), phun xịt 220 lít thuốc sát trùng ở những chuồng trại chăn nuôi, các chợ buôn bán động vật sống, các ổ dịch cũ, nơi công cộng, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp huyện còn triển khai tiêm miễn phí vắc-xin phòng bệnh cúm GC trên vịt với số lượng khoảng 22.500 liều; triển khai, thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo với gần 5.000 liều, đạt trên 42% kế hoạch.

Người nuôi cần chủ động phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Thời gian gần đây, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã và đang được ngành Nông nghiệp cảnh báo về mức độ nguy hiểm và tốc độ lây lan. Tại Long An, dù chưa xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò nhưng công tác phòng, chống bệnh đang được chủ động thực hiện. Sở NN&PTNT có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về tập trung triển khai các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu, rộng bằng nhiều hình thức để người dân hiểu được nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh.

Tại các địa phương có số lượng đàn trâu, bò lớn như Đức Hòa, Đức Huệ, công tác phòng, chống bệnh viêm da nổi cục đang được triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc. Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Đức Hòa, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp UBND các xã, thị trấn chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở tăng cường bám sát địa bàn, tổ chức tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi về bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; triển khai phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi, khuyến cáo các hộ phun thêm hóa chất, rải vôi bột diệt ruồi, muỗi, ve, mòng,… để hạn chế vật trung gian truyền bệnh, tập trung chăm sóc, bổ sung thêm thức ăn giàu dinh dưỡng cho trâu, bò.

Bà Lê Thị Siêu, ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, hiện nuôi gần 20 con bò, cho biết: “Khi được cán bộ thú y địa phương thông tin về bệnh viêm da nổi cục, gia đình tôi quan tâm phòng bệnh cho đàn bò. Bên cạnh việc cho bò ăn cỏ, rơm, tôi còn trộn thêm các loại vitamin vào cám để tăng cường sức đề kháng cho bò. Bên cạnh đó, việc vệ sinh chuồng trại, khử trùng bằng vôi cũng được thực hiện 2 ngày/lần để bảo đảm an toàn cho đàn bò”.

Ngành chức năng kết hợp nhiều biện pháp

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có trên 70.000 con heo, gần 130.000 con trâu, bò và 9 triệu con GC. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, dịch cúm GC xảy ra tại 1 hộ ở huyện Thạnh Hóa, tổng số GC tiêu hủy 91 con; dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 12 hộ thuộc 8 xã và 1 thị trấn thuộc 5 huyện: Tân Hưng, Thủ Thừa, Tân Trụ, Mộc Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An, tổng số heo tiêu hủy 204 con; bệnh dại trên động vật xảy ra 2 ổ tại 2 xã, 2 huyện: Bến Lức, Tân Hưng, với tổng số tiêu hủy 2 con.

Tăng cường tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh thông tin, để bảo vệ an toàn cho đàn GS, GC, từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục tích cực phối hợp các địa phương thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh: Tiến hành phun hóa chất, rắc vôi bột để vệ sinh, tẩy uế chuồng trại ở các khu vực chăn nuôi của người dân, các điểm tập kết, giết mổ,… Bên cạnh đó, Chi cục chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi trước và trong giai đoạn chuyển mùa. Ngoài ra, Chi cục còn khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên kiểm tra đàn GS, GC để phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi. Khi nghi ngờ GS, GC mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm GC, lở mồm long móng, heo tai xanh,… phải báo ngay cho cán bộ thú y hoặc khuyến nông cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh lên kế hoạch và tổ chức thực hiện các chiến dịch tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Ngoài các tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường do ngành Nông nghiệp và UBND tỉnh phát động, các cơ sở chăn nuôi cần chủ động, tự túc vật tư, hóa chất, thường xuyên thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

“Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Sở vẫn cố gắng phối hợp các ngành liên quan tổ chức các buổi tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thú y cơ sở. Đồng thời, Sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các cơ sở, các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh” - bà Khanh cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích