Tiếng Việt | English

17/11/2020 - 16:58

Phòng, chống dịch bệnh cho lứa tuổi mẫu giáo, mầm non

Trẻ mầm non, mẫu giáo sức đề kháng còn kém nên rất dễ nhiễm bệnh. Chính vì thế, công tác phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục mầm non, mẫu giáo (MG) cần được chú trọng.

Không chủ quan trong phòng dịch

Hiện trên địa bàn tỉnh có 218 trường MG, mầm non với trên 47.600 trẻ. Giai đoạn này là thời điểm thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, nhất là các bệnh: Tay - chân - miệng (TCM), sởi, thủy đậu, trong khi dịch bệnh Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.263 ca TCM, không ghi nhận trường hợp tử vong, giảm 31,8% so với cùng kỳ 2019. Tuy dịch bệnh đang giảm nhưng thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao nên không được chủ quan trong công tác phòng dịch.

Giáo viên Trường Mẫu giáo Rạng Đông dạy trẻ đeo khẩu trang đúng cách

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Tân An - Dương Nguyên Quốc, TP.Tân An hiện có 23 trường mầm non, MG (trong đó có 15 trường công lập và 8 trường tư thục) với khoảng 5.300 trẻ. Thời gian qua, nhìn chung, các trường trên địa bàn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 cùng các dịch bệnh khác như SXH, TCM,... Các trường chú trọng tuyên truyền và được sự phối hợp rất tốt từ cha mẹ học sinh. Lứa tuổi mầm non, MG chưa có ý thức tự chăm sóc bản thân, do đó, Phòng yêu cầu nhà trường đặc biệt quan tâm đến vệ sinh cá nhân, bảo đảm phòng học, nhà vệ sinh sạch sẽ, sát trùng tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, dụng cụ, đồ chơi của trẻ,... Bên cạnh đó, các trường đặc biệt quan tâm an toàn thực phẩm từ khâu tiếp phẩm, chế biến, bảo đảm dinh dưỡng, tuyệt đối không lơ là trong phòng, chống dịch”.

Trường MG Rạng Đông (phường 5, TP.Tân An) hiện có 4 lớp với 126 bé từ 3-5 tuổi. Hiệu trưởng Trường MG Rạng Đông - Đặng Thị Kiều Tiên cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường có kế hoạch hoạt động y tế trường học, trong đó, đề ra chỉ tiêu 100% trẻ được chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu kịp thời; được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; bảo đảm an toàn thực phẩm; được tẩy giun và khám sức khỏe định kỳ,... Trường tổ chức tập huấn kiến thức phòng tránh, nhận biết và xử trí bệnh TCM, sởi, SXH và các bệnh theo mùa cho giáo viên; lưu ý vệ sinh hàng ngày và hàng tuần; phát quang bụi rậm để phòng, chống SXH”.

Chú trọng tuyên truyền phòng bệnh

Trẻ mầm non, MG rất tò mò, hiếu động nhưng chưa ý thức được việc vệ sinh cá nhân và phòng, chống dịch bệnh. Chính vì vậy, nhà trường và gia đình cần phối hợp để hướng dẫn trẻ hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng, chống dịch bệnh.

Trẻ học tại Trường Mầm non Quốc tế được đo thân nhiệt trước khi vào trường

Hiệu trưởng Trường Mầm non Quốc tế (phường 3, TP.Tân An) - Tất Thị Thanh Hương cho biết: “Trường hiện có 260 bé từ 2-5 tuổi. Trường nhắc nhở giáo viên thường xuyên liên lạc với phụ huynh để phối hợp phòng các dịch bệnh như SXH, TCM, viêm đường hô hấp trên, cúm A, thủy đậu, tiêu chảy cấp,... Với mỗi lớp học, giáo viên chủ nhiệm đều thành lập nhóm Zalo với phụ huynh về việc phòng, chống dịch, các bệnh mà trẻ có nguy cơ mắc phải trong môi trường tập thể. Giáo viên luôn chú trọng hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách, dạy cách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với các bạn để phòng tránh các nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra”.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An - bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo: Thời điểm tháng 9 - giai đoạn đầu năm học và các tháng 10, 11 cũng là giai đoạn dịch TCM gia tăng theo chu kỳ, do đó, phụ huynh, giáo viên cần đặc biệt chú trọng bảo vệ sức khỏe cho trẻ, thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch. Theo đó, bên cạnh thường xuyên vệ sinh môi trường trường học, các trường cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo viên, nhân viên, phụ huynh biết cách phòng tránh, bảo đảm sức khỏe bản thân và con em mình. Trong trường hợp phát hiện có trẻ mắc bệnh, cán bộ y tế trường học cần thông báo ngay cho các cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.

Cùng với sự tích cực, chủ động của ngành Y tế và Giáo dục, phụ huynh cần chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong mỗi bữa ăn, tiêm phòng vắc-xin cho trẻ đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng, chống dịch bệnh./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết