Tiếng Việt | English

14/12/2020 - 14:57

Phòng, chống tham nhũng góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân

Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020. Hội nghị có sự tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương; thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị và có bài phát biểu rất quan trọng.

Với quyết tâm chính trị rất cao, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời, từ khi thành lập BCĐ (tháng 02-2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác PCTN có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển KT-XH của đất nước.

Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung xử lý, cho dù là cán bộ cao cấp, đương chức hay nghỉ hưu, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, với mức án rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Đây cũng là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Qua đó, góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý KT-XH, PCTN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN ngày càng được khẳng định và phát huy. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và nhân dân trong PCTN ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực,... Những kết quả trong công tác PCTN đã tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng, PCTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng” và một cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”.

Một trong nhưng nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thời gian qua, UBND tỉnh Long An đã triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN năm 2019 và năm 2020 trên địa bàn tỉnh Long An”. Kết quả thực hiện đề án đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, học tập, tìm hiểu pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính; xây dựng lối sống liêm chính và tuân thủ pháp luật về PCTN trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; góp phần tích cực cải thiện tình hình tham nhũng và công tác PCTN.

Đề án cũng góp phần hình thành văn hóa minh bạch, giải trình của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhận thức rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ là vi phạm pháp luật và trái đạo đức, lương tâm, trách nhiệm, cần lên án mạnh mẽ để xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, củng cố vững chắc đạo đức, hành vi chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức, người dân. Từ đó, Long An liên tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.

Để công tác PCTN hiệu quả, một trong những yếu tố quan trọng là phải xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; tăng cường việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Long An

Chia sẻ bài viết