Tiếng Việt | English

28/09/2021 - 08:48

Phòng dịch tả heo châu Phi, bảo vệ đàn vật nuôi

Hiện nay, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh Long An và có nguy cơ lây lan nếu không được kiểm soát tốt. Nhằm cắt đứt mầm mống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi, người chăn nuôi và ngành chức năng tích cực xử lý, dập dịch.

Nâng cao ý thức người chăn nuôi là một trong những cách phòng bệnh dịch tả heo châu Phi hiệu quả nhất

Nguy cơ lây lan trên diện rộng

DTHCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virút gây ra, lây lan nhanh, chưa có vắc-xin và thuốc điều trị. Heo mắc bệnh có những triệu chứng sốt, thân nhiệt cao hơn 400C, không ăn, nôn mửa, lười vận động, đau vùng bụng, vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới ngực và bụng có màu đỏ sẫm hoặc xanh tím. Nguyên nhân tái bùng phát DTHCP là do chưa có vắc-xin, một số tỉnh phía Nam giáp ranh Long An xảy ra dịch, ý thức chăn nuôi của người dân chưa cao, vẫn còn sử dụng nguồn thức ăn không rõ nguồn gốc cho heo, không vệ sinh chuồng trại định kỳ, dịch vụ thú ý chưa bảo đảm,...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Thạnh - Mai Văn On cho biết: “DTHCP tái phát tại 14 hộ chăn nuôi heo ở 6/13 xã, thị trấn của huyện với 224 con heo bị tiêu hủy. Ngay sau khi có thông tin DTHCP tái phát, các ngành chuyên môn nhanh chóng vào cuộc tiêu hủy tất cả heo bị nhiễm bệnh; đồng thời, tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, xử lý chuồng trại đúng kỹ thuật để hạn chế tái bùng phát dịch bệnh. DTHCP bùng phát khiến người chăn nuôi lo ngại. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Dê (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) là 1 trong 14 hộ nuôi heo bị dịch bệnh, phải tiêu hủy trong năm 2021. Cụ thể, vào cuối tháng 8, gia đình ông phát hiện heo có triệu chứng sốt, tím tái và chết nên báo với chính quyền địa phương và ngành chức năng. UBND xã và ngành Nông nghiệp huyện kiểm tra, phát hiện đàn heo 22 con bị DTHCP nên phải tiêu hủy gấp. Ông Dê trải lòng: “Năm 2018, đàn heo của gia đình tôi cũng bị DTHCP. Năm nay phải tiêu hủy 22 con heo, trong đó có 3 con nái, gia đình lỗ hơn 100 triệu đồng”.

Nhiều hộ chăn nuôi thiệt hại hàng trăm triệu đồng do dịch tả heo châu Phi

Tháng 8/2021, huyện Tân Hưng cũng xuất hiện 2 ổ DTHCP tại hộ bà Nguyễn Thị Lành (thị trấn Tân Hưng) và hộ anh Nguyễn Tấn Lợi (xã Vĩnh Bửu). Thời điểm phát hiện, tại hộ bà Lành có 6 con heo chết trong chuồng, 55 con heo còn lại có triệu chứng sốt, bỏ ăn. Còn hộ anh Nguyễn Tấn Lợi có 3 con heo chết trong chuồng, 89 con còn lại bị bệnh tím tái.

Qua lấy mẫu test nhanh, số heo của 2 hộ dân trên dương tính DTHCP. Theo đó, các ngành chức năng tiêu hủy tất cả số heo trên, tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Được biết, từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Tân Hưng phát hiện 6 ổ DTHCP tại xã Vĩnh Bửu, Hưng Hà và thị trấn Tân Hưng với 329 con heo bị nhiễm bệnh.

DTHCP cũng xuất hiện trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng với 2 ổ dịch tại xã Thái Bình Trung và Thái Trị, ngành chức năng đã khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lây lan trên diện rộng. Cụ thể, cuối tháng 8, ngành chức năng ghi nhận tại 1 hộ chăn nuôi ở xã Thái Bình Trung có 30 con heo mắc bệnh. Sau đó, đến đầu tháng 9, tiếp tục ghi nhận ổ dịch thứ 2 tại xã Thái Trị với 23 con heo bị bệnh. Ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch, Phòng NN&PTNT huyện kết hợp Trạm Thú y, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, UBND xã và hộ chăn nuôi tiến hành tiêu hủy, phun xịt thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi của các hộ có heo bị bệnh và các khu vực xung quanh.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm thông tin: “Thời gian qua, DTHCP xuất hiện nhỏ, lẻ, rải rác ở một số nơi. Khi phát hiện, ngành Nông nghiệp phối hợp các ngành chức năng kịp thời tiêu hủy số heo bị bệnh, không để dịch lây lan trên diện rộng.Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo người chăn nuôi không nên lo lắng và hoang mang trước việc xuất hiện các ổ dịch, cần chăm sóc tốt đàn heo, khi thấy heo bệnh thì báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương để xử lý ổ dịch đúng quy định”.

Heo mắc bệnh được đưa đi tiêu hủy theo quy định

Tăng cường phòng, chống dịch

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ đầu năm 2021 đến nay, DTHCP xảy ra tại 28 hộ thuộc 17 xã, thị trấn của 7 huyện: Tân Hưng, Thủ Thừa, Tân Trụ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng và TP.Tân An, tiêu hủy trên 750 con heo. Tuy nhiên, số heo bị tiêu hủy thực tế nhiều hơn vì chưa được thống kê, báo cáo kịp thời.

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTHCP trên địa bàn. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi, mua bán, giết mổ heo thực hiện “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt xác heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt); phối hợp cơ quan chuyên môn theo dõi, giám sát đàn heo; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với heo bệnh, nghi bị bệnh.

Dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản - Lê Thị Mai Khanh cho biết: “Hiện nay, bên cạnh công tác chuyên môn, Chi cục phối hợp các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của DTHCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan trên diện rộng; khuyến cáo các hộ chăn nuôi báo cáo kịp thời với ngành Thú y khi có trường hợp heo mắc bệnh điều trị nhiều ngày nhưng không khỏi hoặc heo chết. Bên cạnh đó, Chi cục hướng dẫn các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, người ra, vào chuồng trại”.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh, Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cử cán bộ chuyên môn kỹ thuật trực tiếp đến các địa phương xảy ra DTHCP nhưng chưa qua 21 ngày để phối hợp, hướng dẫn, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để kéo dài; cấp phát hóa chất từ nguồn hỗ trợ của Trung ương theo đề nghị của các địa phương để xử lý, khống chế ổ dịch theo quy định.

Đồng thời, tiếp tục bố trí cán bộ chuyên môn trực phòng, chống dịch bệnh động vật; khi nhận được thông tin dịch bệnh từ các địa phương, nhanh chóng phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm xác định mầm bệnh, kịp thời xử lý triệt để, không để lây lan diện rộng./.

Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cử cán bộ chuyên môn kỹ thuật trực tiếp đến các địa phương xảy ra dịch tả heo châu Phi nhưng chưa qua 21 ngày để phối hợp, hướng dẫn, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để kéo dài; cấp phát hóa chất từ nguồn hỗ trợ của Trung ương theo đề nghị của các địa phương để xử lý, khống chế ổ dịch theo quy định. Đồng thời, tiếp tục bố trí cán bộ chuyên môn trực phòng, chống dịch bệnh động vật; khi nhận được thông tin dịch bệnh từ các địa phương, nhanh chóng phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm xác định mầm bệnh, kịp thời xử lý triệt để, không để lây lan diện rộng”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết