Tiếng Việt | English

11/03/2021 - 19:47

Phòng ngừa bệnh không lây nhiễm cần sự phối hợp hành động của cả cộng đồng

Ngày 11/3, được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Viện Pasteur TP. HCM phối hợp Sở Y tế tỉnh Long An tổ chức Hội nghị truyền thông về bệnh không lây nhiễm (KLN), giảm ăn muối và Covid-19.

Đại biểu được nghe báo cáo viên thông tin về gánh nặng bệnh tật của bệnh không lây nhiễm hiện nay; phòng chống bệnh không lây nhiễm trong đại dịch Covid -19

Bệnh KLN là bệnh mãn tính bao gồm bệnh tim mạch (BTM), đái tháo đường (ĐTĐ), ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, rối loạn tâm thần,… Bệnh phát triển và tiến triển âm thầm, điều trị kéo dài và liên quan nhiều tới hành vi và lối sống. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BTM là nguyên nhân gây tử vong số 1 trên toàn cầu, ước tính có khoảng 17,7 triệu người chết vì BTM vào năm 2015 (chiếm khoảng 31% tổng số ca tử vong).

Tại Việt Nam, năm 2016 toàn quốc có khoảng 548.800 ca tử vong thì trong đó tử vong do BTM là 172.300 ca. Một phần nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý tim mạch là do hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý (ăn nhiều chất béo, thiếu rau xanh, ăn thừa muối) và ít vận động thể lực.

Ăn thừa muối là nguyên nhân quan trọng gây tăng huyết áp (THA), tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, BTM và các bệnh KLN khác. Việt Nam cũng đang đối mặt với gánh nặng của các bệnh tật có liên quan đến ăn thừa muối. Phần lớn người Việt Nam tiêu thụ muối gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO là dưới 5gam/ngày. Việc giảm ăn muối sẽ giúp kiểm soát huyết áp ở người bình thường và làm giảm huyết áp ở người bị THA. Theo khuyến nghị của WHO, thực hiện giảm tiêu thụ muối xuống dưới 5g/ngày sẽ cứu sống 2,5 triệu người mỗi năm trên toàn cầu.

Tại tỉnh Long An, thời gian qua, việc phát hiện sớm, quản lý, điều trị THA và ĐTĐ ngày càng được quan tâm. Sự hiểu biết của người dân về các yếu tố nguy cơ của bệnh KLN ngày càng được nâng lên nhờ việc tham gia đầy đủ các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe tại các câu lạc bộ THA và ĐTĐ.

Theo kết quả triển khai thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, ĐTĐ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh KLN khác” giai đoạn 2015-2020, trên 55% số người bị THA được phát hiện sớm và điều trị theo hướng dẫn chuyên môn, 80% số người bệnh ĐTĐ được phát hiện, quản lý và điều trị.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bệnh KLN. Việt Nam và các nước trên thế giới đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp. Đây là một bệnh mới, có nguy cơ lây lan nhanh và nguy cơ tử vong cao, bất cứ ai đều có thể bị nhiễm Covid-19. 

Hội nghị truyền thông về bệnh KLN, giảm ăn muối và Covid-19 nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ phụ trách công tác truyền thông của các đơn vị. Đây cũng là cơ hội để các cấp, ban, ngành, hội, đoàn thể cùng chia sẻ và đồng hành với ngành Y tế trong công tác phòng chống bệnh KLN có hiệu quả hơn. Có thể thấy, để phòng ngừa bệnh KLN cần sự phối hợp hành động của cả cộng đồng./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết