Ảnh: Internet
I. Các trường hợp té, ngã từ trên cao:
1. Các loại hình ngã cao trong sản xuất công nghiệp
- Khi làm việc ở vị trí chênh vênh, nguy hiểm không đeo dây an toàn.
- Gãy/ đổ thang, vận thăng.
- Sử dụng giàn giáo di động nhiều tầng có bánh xe nhưng không có khóa hoặc không khóa bánh xe trước khi leo lên.
- Bắt giàn giáo không vững hoặc không đủ chịu tải.
- Sập/ đổ hàng hóa kéo theo người rơi/ngã.
2. Các loại hình ngã cao trong sinh hoạt dân dụng
• Trượt cầu thang ở tại nhà, trường học.
• Ngã từ trên mái nhà, mái tôn khi sửa chữa nhà, nạo vét máng xối khi vào mùa mưa.
• Ngã cao do trèo hoặc đứng trên ghế hoặc đồ vật kê không vững.
• Trèo cây cao (cây dừa, cây cau,...), trèo tường, trèo cột điện, cầu thang, ban công.
• Đối với trẻ em ngã cao do sự bất cẩn của người lớn không trông coi trẻ đúng cách khiến trẻ ngã từ xe đẩy, trên võng, trên giường hoặc trên cao xuống, do tuột khỏi tay người lớn.
II. Khi có sự cố xảy ra, chúng ta cần làm gì?
Ảnh: Internet
• Nguyên tắc đầu tiên của cấp cứu bệnh nhân (BN) bị ngã từ trên cao xuống, nhất là những người có biểu hiện bị chấn thương ở vùng lưng và cổ là bất động, tránh di lệch các đoạn cột sống đã bị tổn thương. Bởi tất cả các sự dịch chuyển, cho dù rất nhẹ cũng sẽ gây thêm tổn thương, thậm chí gây đứt ngang tủy sống BN.
• Trong trường hợp nạn nhân có các tổn thương ở vùng cổ thì nên đặt đầu BN nằm thẳng trục ở tư thế trung gian, nghĩa là không cúi gập, ngửa hay xoay cổ, nên để đầu BN trên nền cứng như miếng ván gỗ; đồng thời, chèn quần áo hay gối ở hai bên cổ để cố định, tránh trường hợp BN xoay cổ.
• Với những BN bị chấn thương ở vùng cột sống lưng và xương ngực thì nên đặt BN nằm sấp hoặc nằm ngửa trên cáng cứng. Sau đó cố định BN ở 4 điểm là đầu, vai, ngang khung chậu và mắt cá chân để chuyển đi. Tránh khiêng, xốc, vác nạn nhân trên lưng hay khiêng bằng cáng mềm, chở BN bằng xe đạp, bẻ gập lưng trong xe taxi,... vì những hành động này sẽ làm tăng thêm các tổn thương cột sống nạn nhân.
Đối với những trường hợp nặng, cần cấp cứu hồi sinh tim, phổi hay trường hợp gãy cột sống cổ gây ngừng thở thì phải chú ý, vừa cấp cứu theo các bước cấp cứu ngừng tim - ngừng thở, vừa kết hợp với cố định, tránh di lệch cột sống BN.
III. Các biện pháp phòng tránh
• Nhất thiết phải đeo dây an toàn tại những nơi đã quy định.
Lên xuống ở vị trí trên cao phải có thang bắc vững chắc. Không được mang vác vật nặng, cồng kềnh khi lên xuống thang. Không cho trẻ đứng trên ghế, vật dụng không vững.
• Cấm đùa nghịch, leo trèo qua lan can an toàn, qua cửa sổ.
• Không được đi dép lê, đi giày có đế dễ trượt khi đi cầu thang, bảo đảm cầu thang khô ráo, bậc thềm đủ ánh sáng, dễ đi.
• Lúc tối trời, mưa to, giông bão hoặc có gió mạnh, không được làm việc trên mái tôn, ống khói, đài nước, cột tháp, mái nhà,...
• Đối với trẻ em: Phải luôn có người chăm sóc bên cạnh trẻ nhỏ khi trẻ ăn, ngủ, chơi. Không cho trẻ biết lật, bò, đi, nằm trên võng, giường lúc không có người lớn bên cạnh.
Có rào hoặc thanh bảo vệ ở những nơi như cầu thang, cửa sổ, ban công với độ cao tối thiểu 75cm,... Nhắc nhở trẻ không xô đẩy, leo trèo cây cao./.
Khoa Bệnh nghề nghiệp - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật