Nhiều loại sâu, bệnh gây hại lúa
Toàn tỉnh bước vào vụ lúa HT năm 2022 với thuận lợi khá lớn do mùa mưa đến sớm, tuy nhiên, sau đó, thời tiết biến động thất thường, giá nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng cao. Để giúp nông dân an tâm sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh phối hợp ngành Nông nghiệp các địa phương triển khai lịch thời vụ phù hợp với đặc thù riêng của từng địa phương; đồng thời, tăng cường theo dõi, khuyến cáo và hướng dẫn người dân phòng trừ sâu, bệnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 8.500ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá, trong đó tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 5 - 10%, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh ở hầu hết các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An. Rầy nâu diện tích nhiễm trên 3.200ha, trong đó mật số phổ biến từ 750 - 1.500 con/m2, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh ở huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh và Đức Hòa (tỉnh Long An). Bệnh cháy bìa lá, diện tích nhiễm 2.650ha, tăng 400ha so với tuần trước, tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 5 - 10%, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đòng trổ ở huyện Tân Hưng, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường. Ngoài ra, các đối tượng khác như chuột (649ha), bọ trĩ (579ha), sâu đục thân (332ha), ốc bươu vàng (135ha), sâu cuốn lá nhỏ (25ha), ngộ độc phèn (17ha), sâu phao (15ha),… xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ, đẻ nhánh ở hầu hết các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An.
Nông dân cần chủ động phòng trừ sâu, bệnh trên lúa Hè Thu 2022
Dự báo tình hình sâu, bệnh tuần tới, rầy nâu tuổi 1 và 2 tiếp tục xuất hiện rải rác. Ốc bươu vàng, bọ trĩ,... tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn mạ. Bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá, sâu cuốn lá nhỏ, chuột, sâu đục thân, ngộ độc phèn,... phát sinh trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Vụ HT 2022, toàn huyện gieo sạ gần 18.370ha lúa, hiện vào giai đoạn đòng - trổ, đây là giai đoạn quyết định, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng lúa. Một số diện tích bị nhiễm: Đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ,... nông dân cần thực hiện nhiều giải pháp, tạo cho cây lúa khỏe, tăng sự chống chịu khi gặp điều kiện bất lợi”.
Ông Nguyễn Văn Nguyên (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Sản xuất lúa trong vụ HT, nông dân thường gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thiếu nước, phải tốn nhiều chi phí bơm nước. Cùng với đó, thời điểm thu hoạch lúa cũng rơi vào cao điểm mùa mưa, lúa nhiều nguy cơ bị đổ, ngã, hư hại,... Vụ này, tôi gieo sạ đúng lịch theo khuyến cáo của địa phương, áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng những quy trình tiên tiến vào sản xuất với hy vọng đạt hiệu quả cao”.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, đến cuối tháng 6/2022, toàn tỉnh gieo sạ trên 210.850ha lúa HT, đạt 98,5% kế hoạch, bằng 96,7% so cùng kỳ năm 2021; đã thu hoạch 40.552ha, năng suất khô ước đạt 52,95 tạ/ha, sản lượng 214.723 tấn.
Nông dân cần chủ động phòng trừ
Với tình hình thời tiết hiện nay, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết, thời gian tới, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, chuột và ốc bươu vàng tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa HT. Do đó, các địa phương cần tiếp tục khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên. Qua đó, điều tra, phát hiện các loại dịch hại sớm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ông Phạm Văn Phương (xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Vụ HT này, gia đình tôi xuống giống 2,5ha lúa IR4625. Hiện lúa đã được hơn 50 ngày, sinh trưởng tốt và chưa xuất hiện sâu, bệnh. Tuy nhiên, thực hiện khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, tôi thường xuyên thăm đồng và tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để phòng bệnh hiệu quả”.
Để vụ lúa HT sản xuất đạt hiệu quả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện chỉ đạo ngành Nông nghiệp các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên thăm đồng, chủ động phòng, trừ rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, chuột, bọ trĩ,... Song song đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân cách quản lý rầy nâu chặt chẽ nhằm hạn chế bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây hại lúa. Riêng các địa phương cần thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến khí tượng - thủy văn, thiên tai, tăng cường kiểm tra các tuyến đê bao, tình hình sạt lở và có kế hoạch gia cố, duy tu, sửa chữa kịp thời các khu vực xung yếu để bảo vệ sản xuất và dân sinh./.
Bùi Tùng