Tiếng Việt | English

07/01/2016 - 10:02

Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế

Năm 2015, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN VN) tỉnh Long An tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 295 về “Hỗ trợ PN học nghề, tạo việc làm” gắn với thực hiện chương trình đột phá “Thực hiện giảm nghèo cho nữ chủ hộ nghèo”, tạo điều kiện cho PN vươn lên trong cuộc sống.

Nghề may gia công giúp nhiều PN có thu nhập ổn định

Khai thác nguồn vốn

Năm 2015, hội khai thác vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và các tổ chức phi chính phủ cho 79.133 PN vay làm kinh tế, xây nhà ở, nhà vệ sinh, đầu tư cho con đi học,... với số tiền 1.137,2 tỉ đồng (tăng 14,6% so với năm 2014). Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được duy trì thực hiện tốt như: May gia công, đan giỏ, đan ghế nhựa, trồng rau an toàn, xe nhang,... PN vay vốn được hướng dẫn, tập huấn kỹ năng, kiến thức an toàn về sử dụng vốn, sản xuất, kinh doanh.

Các cấp hội duy trì mô hình doanh nghiệp nhỏ do PN làm chủ, tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác sản xuất. Hiện nay, toàn tỉnh có 327 tổ liên kết sản xuất, hợp tác sản xuất đang hoạt động với 4.497 thành viên.

Ngoài ra, hội duy trì tốt mô hình tiết kiệm - tín dụng, số tiền đóng góp hỗ trợ nhau là 82,9 tỉ đồng (so với năm 2014 tăng 28,1%); thực hiện tiết kiệm theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu PN toàn quốc lần thứ XI với số tiền tiết kiệm trong năm 2015 là 14 tỉ đồng, lũy kế đến nay có gần 43 tỉ đồng. Từ nguồn tiết kiệm này, hội giúp nhiều hội viên, PN giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trong cộng đồng dân cư.

Nỗ lực không ngừng

Đến nay, tổ hợp tác may gia công của chị Đinh Thị Hạnh, ngụ ấp 2, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, giải quyết việc làm cho trên 100 lao động, nhất là những lao động nghèo, không có việc làm ổn định.

Chia sẻ về công việc của mình, chị Hạnh cho biết: “Năm 2000, tôi ấp ủ ý định mở một cơ sở may nho nhỏ, nhiều người lo lắng sợ tôi sẽ thất bại. Cuộc sống gia đình quá nghèo, đồng vốn trong tay lại chẳng bao nhiêu nhưng được sự động viên của ông xã và nguồn vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, tôi làm liều. Lúc bắt đầu sản xuất, hàng không có nơi tiêu thụ, tôi phải đem đi bán lẻ khắp nơi để lấy lại vốn. Khó khăn là vậy nhưng nhờ sự giúp đỡ của các chị trong Hội LHPN, tôi tìm được mối tiêu thụ ổn định tại chợ Tân Bình”.

Nhiều chị em có việc làm tại cơ sở may của chị Hạnh

Hơn 10 năm qua, mặt hàng độc quyền quần “shorts” của chị Hạnh luôn trong tình trạng cung không đủ cầu nên những lao động làm việc ở đây không còn phải lo thất nghiệp. Chị Hạnh tâm sự, điều khiến chị cảm thấy hạnh phúc nhất không chỉ là cuộc sống gia đình trở nên khấm khá mà còn giúp nhiều chị em có việc làm, thoát nghèo. Hiện nay, mỗi tháng, cơ sở của chị bỏ mối ở chợ Tân Bình, TP.HCM từ 30.000 - 35.000 sản phẩm quần “shorts” các loại. Thu nhập trung bình của mỗi công nhân may từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.

Ở vùng Đồng Tháp Mười, để tìm kiếm việc làm cho PN còn nhiều khó khăn. Đã mấy năm nay, tổ may gia công do chị Lê Thị Bích Dung, ngụ ấp Kênh Nhà Thờ, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh giải quyết việc làm cho một số chị em trong tuổi lao động. Chị Dung thông tin, chị làm công nhân tại TP.HCM được 10 năm. Sau đó, chị mở Cty may mặc nhỏ nhưng chi phí tại thành phố khá đắt đỏ nên chị về quê thành lập tổ may gia công.

Lúc đầu thành lập, phần lớn chị em trong xã không biết sử dụng máy may công nghiệp. Chị phải dạy miễn phí. Chị liên kết với các đầu mối ở TP.HCM để nhận hàng về gia công nên đầu ra luôn ổn định. Mỗi tháng, chị cung cấp cho thị trường từ 15.000 - 20.000 sản phẩm, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng. Mỗi công nhân may thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng. Hiện chị Dung đang làm thủ tục vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua thêm máy may và mở rộng cơ sở.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN VN tỉnh - Huỳnh Thị Huệ, đầu năm 2015, toàn tỉnh có 5.714 hộ nghèo do PN làm chủ hộ, so với tổng số hộ nghèo chung chiếm tỷ lệ 48,9%. Với các hình thức như hỗ trợ vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đề nghị trợ cấp xã hội,... các cấp hội tập trung hỗ trợ 100% hộ nghèo do PN làm chủ hộ, trong đó, phân cán bộ hội giúp 767 hộ (chiếm tỷ lệ 13,4%). Đến nay, dự kiến có 796 hộ thoát nghèo, so với tổng số hộ nghèo do PN làm chủ hộ chiếm tỷ lệ 13,9%.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích