Tiếng Việt | English

04/04/2022 - 14:19

Phụ nữ Việt Nam dệt gấm thêu hoa thêm rạng rỡ

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta mãi ghi đậm công lao to lớn của các thế hệ phụ nữ Việt Nam (PNVN). Người PNVN luôn giữ vai trò, địa vị quan trọng trong việc hình thành và phát triển nền vǎn hóa của dân tộc. Đó là mẹ Âu Cơ sản sinh ra nòi giống Lạc Hồng, nữ anh hùng Bà Triệu, Bà Trưng, Bùi Thị Xuân,... chống giặc ngoại xâm khí phách, lẫy lừng; Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, luôn thủy chung, hy sinh vì con, vì chồng,...

Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, từ những ngày đầu khởi nghĩa đến các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, lịch sử ghi nhận hàng vạn các mẹ, các dì, các chị không tiếc máu xương để chiến đấu, cống hiến cho độc lập dân tộc. Biết bao bà mẹ đã không chỉ một lần gạt nước mắt tiễn chồng, con ra trận. Có những bà mẹ đã đào hầm để nuôi giấu cán bộ cách mạng từ lúc tóc còn xanh cho đến khi đầu bạc. Có những bà mẹ thức thâu đêm vá áo cho chiến sĩ. Có những người chị ngã xuống khi tuổi đời mới 18, đôi mươi như Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc,...; máu của các chị đã đổ để cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Cái đẹp của người PNVN đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Cái đẹp ấy kết tinh trong những cái tên đầy màu sắc huyền thoại như Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Hồng Gấm, chị Út Tịch, mẹ Suốt,...

Ngay từ khi mới ra đời, Ðảng ta đã chủ trương thực hiện “Nam, nữ bình quyền”. Ðiều 9 Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã khẳng định: “Ðàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện”. Ðảng đã đề ra chủ trương, đường lối giải phóng PN gắn với sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nếu không giải phóng PN là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”...

Nhận rõ vai trò, tiềm năng của PN, Đảng ta không chỉ khẳng định: “Nam, nữ bình quyền”, “Đàn bà cũng được tự do, bất phân nam nữ đều cho bình quyền”, “Về chính trị: Nam, nữ bình quyền” đã trở thành một nội dung quan trọng của Chánh cương văn tắt của Đảng (1930) và Mười chính sách của Việt Minh, Chương trình Việt Minh (1941), trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, tư tưởng của Người về giải phóng PN, thực hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ, cổ vũ PN tham gia và góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục được khẳng định trong các văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Tất cả những người công dân Việt Nam 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử” và “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9 Hiến pháp năm 1946); “PN nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Cùng việc làm như nhau, PN được hưởng lương ngang với nam giới. Nhà nước bảo đảm cho PN công nhân và PN viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương. Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ, nhà giữ trẻ và vườn trẻ. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình” (Điều 24 Hiến pháp năm 1959)...

Tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp PNVN, tháng 10/1966, Bác Hồ khẳng định: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì PN ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Đồng thời, Người đã nêu một cán bộ lãnh đạo nữ rất kiên cường, dũng cảm của miền Nam chống Mỹ, cứu nước “Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta,...” và chỉ ra rằng “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”.

53 mùa xuân thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, chúng ta phải ghi nhớ lời Bác dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, PN đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều PN phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân PN thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho PN”.

Nhớ lại thời kỳ hiện đại, nhất là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, biết bao người PN nổi tiếng và cả biết bao người PN vô danh đã làm tròn trách nhiệm, trọng trách được Đảng, Nhà nước giao, phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, nhiều bà cụ ngoài bảy mươi, tám mươi tuổi, không những xung phong đi dân công mà còn thi đua với các cụ ông và con cháu,... xông pha đánh giặc, vẽ nên nét đẹp truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, và đã đóng góp xứng đáng vào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đồng thời, giành thắng lợi cuộc kháng chiến thần kỳ chống thực dân Pháp “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau hơn 35 năm đổi mới, cùng với những thành tựu đạt được có ý nghĩa và lịch sử, PNVN ngày càng khẳng định được vị thế. Với hơn 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều PN tham gia vào hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội, PNVN “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cần cù, không ngại gian khó, vượt lên đói nghèo, lạc hậu, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, tham gia quản lý nhà nước; tham gia giảm nghèo; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng tăng. Những nhiệm kỳ đại hội Đảng gần đây luôn có cán bộ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và nhiều ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng; Việt Nam luôn có phó chủ tịch nước là nữ; tỷ lệ nữ trong Quốc hội chiếm gần 27%. Lần đầu tiên ở Việt Nam, Quốc hội khóa XIV có nữ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động nữ tham gia nhiều ngành nghề mới mà trước đây chỉ dành cho nam giới; trong khoa học, công nghệ, PN tham gia gần 40% và tỷ lệ các nhà khoa học nữ đạt hơn 6%. Và Việt Nam thuộc nhóm các nước có thành tựu về bình đẳng giới tốt nhất khu vực Đông Nam Á.

Ðể phong trào PN tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành và Hội Liên hiệp PNVN cần phối hợp, tạo điều kiện để PN có cơ hội cống hiến nhiều hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phải là “người thắp lửa cho mỗi nhà” và biết thắp lên niềm tin, ước mơ, hy vọng cho mỗi thành viên trong gia đình; xây dựng người PNVN phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân,... ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của PNVN “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Xã hội ngày càng phát triển, PNVN - những người đã dệt gấm thêu hoa thêm rạng rỡ càng khẳng định vị thế. Đó là sự công bằng, dung dị và là nét đẹp văn hóa hiện đại trong thời kỳ mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Ths NGUYỄN THANH HOÀNG

Chia sẻ bài viết