Tiếng Việt | English

08/03/2016 - 15:51

Phụ nữ xứng đáng được tôn vinh

Không phải đến khi thế giới lấy ngày 8-3 cách đây hơn một thế kỷ làm ngày Quốc tế Phụ nữ, hay chúng ta lấy ngày 20-10 làm Ngày Phụ nữ Việt Nam thì lúc ấy phụ nữ mới được tôn vinh. Thật ra, đó cũng chỉ là một cách ứng xử nhân văn hơn trong thời đại văn minh đối với một nửa của nhân loại, bởi thực sự họ đã được tôn vinh từ nghìn xưa.

1. Trong truyền thuyết và trong tín ngưỡng dân gian

Dân tộc nào cũng có truyền thuyết về nguồn gốc của mình, với người Việt chúng ta thì là từ họ Hồng Bàng với truyền thuyết “Trăm trứng nở trăm con” hết sức thiêng liêng về người mẹ - Mẹ Âu Cơ.

Buổi sơ khai, con người nhìn thấy chuyện sinh ra con người, sinh ra thú vật khác là từ người đàn bà hay các con thú giống cái. Chính nhận thức ban đầu của con người bầy đàn về thế giới tự nhiên có tính “âm sinh” là nguyên do có trước tiên trong số những nguyên do dẫn tới chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng thờ “Mẫu”- biểu tượng thần linh nghiêng về “Mẹ” về sau này.

Khi xã hội có giai cấp hình thành, chế độ phụ quyền được xác lập nhưng phẩm hạnh và vai trò làm cho nữ giới vẫn luôn có vị trí lớn lao trong tâm thức dân gian, biểu hiện cụ thể, sinh động qua hình tượng các vị nữ thần được cộng đồng thiết lập thành một hệ thống thờ phượng phân bố rộng khắp 3 miền.

Theo dòng chảy lịch sử, đó là những Quốc Mẫu, Thánh Mẫu, Vương Mẫu, bà Chúa Kho, Tứ vị Thánh Nương, Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh… ở miền Bắc; vô miền Trung là những Tứ vị Thánh Nương, Bà Ngũ Hành, Thiên Y A Na, Po Inư Nưgar… rồi theo cuộc Nam tiến vào đến miền Nam là Bà Ngũ Hành, Bà Chúa Xứ, Bà Thiên Hậu, Bà Thủy Long, Bà Chúa Động, Bà Tổ Cô, Bà Chúa Ngọc…

Từ buổi ban đầu, người ta đã tôn vinh người phụ nữ, người mẹ thông qua các vị nữ thần với ý thức rằng đó là nơi nương tựa tinh thần bất ổn của con người. Con người tìm đến đó với sự che chở, bảo bọc và thương yêu của người mẹ, giúp họ có được sức mạnh niềm tin để vượt qua những bất hạnh, rủi ro, đau khổ để hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Khát vọng muôn thuở ấy đối với nữ giới - người mẹ được xác lập mạnh mẽ và củng cố vững chắc, trở thành niềm tin không thể lay chuyển trong tiềm thức con người. Đó cũng là một phần lý giải vì sao tục thờ Mẫu, thờ Nữ thần vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Những người phụ nữ trao đổi về cách gìn giữ hạnh phúc gia đình (Ảnh: PV)

2. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước

Lịch sử dân tộc ta là lịch sử đối đầu với nạn thiên tai và ngoại xâm và phụ nữ gắn liền vai trò của mình trong suốt chiều dài lịch sử ấy qua tổ chức lao động sản xuất, sáng tạo các giá trị văn hóa, giữ gìn sự bền vững của gia đình và trực tiếp đánh giặc giữ nước.

Đó là Hai Bà Trưng anh dũng đảm lược, quật khởi và tuẫn tiết oanh liệt, khởi đầu lịch sử chống nghìn năm Bắc thuộc. Là Ỷ Lan Nguyên Phi trong thời phong kiến với tài trị nước, nhiếp chính khiến vua Lý Thánh Tông phải hổ thẹn vì nhiệm vụ cầm quân đánh giặc không thành của phận mày râu. Là “kỳ nữ” Hồ Xuân Hương, dù bị đè nén bởi ý thức hệ phong kiến nhưng những tác phẩm của “bà chúa” thơ Nôm như tiếng sấm giữa bầu trời chế độ phong kiến đang thời kỳ mục ruỗng…

Trong thời kỳ cận, hiện đại, nhiều liệt nữ đi vào lịch sử như Cô Giang đầy khí phách và can đảm, đã tự vẫn sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Nguyễn Thái Học (1930); là nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai hiên ngang trước pháp trường Ngã Ba Giồng, Hóc Môn (1941)…

Đặc biệt, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ,… phụ nữ thể hiện vai trò to lớn, đóng góp công sức, máu xương và tâm huyết của mình, xứng đáng với truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu.

Nhiều tấm gương trở thành niềm tự hào không chỉ riêng cho phụ nữ. Là nữ tướng duy nhất trong thế kỷ XX Nguyễn Thị Định; là nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên Nguyễn Thị Bình, đại diện cho Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký hiệp định hòa bình về Việt Nam tại Pari năm 1973; là Võ Thị Sáu, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang trẻ tuổi nhất; là Anh hùng Lực lượng vũ trang Đinh Thị Vân thông minh, nhanh nhẹn và kiên trung, tổ chức và điều hành mạng lưới tình báo tại Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ; là Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ có 10 con và 2 cháu nội hy sinh - hình ảnh của những Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đã “cắt ruột” của mình “cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ở Long An, đó là bà Lê Thị Điền với gương sáng về đạo làm vợ phục vụ cho sự nghiệp văn thơ yêu nước của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, cùng người con gái Nguyễn Thị Ngọc Khuê (bút hiệu Sương Nguyệt Anh) nổi danh là chủ bút tờ báo Nữ Giới Chung ở Sài Gòn trong những năm đầu thế kỷ trước.

Trong chiến tranh, từ tập thể như Đội nữ pháo binh Long An đến những cá nhân, nhiều người trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, như nữ sinh Mai Thị Non, chiến sĩ an ninh trẻ Nguyễn Thị Tân, đến người chỉ huy du kích kiên cường Nguyễn Thị Hạnh, hay nhà tình báo Nguyễn Thị Ba âm thầm chiến đấu trong lòng địch…

Đó là chưa kể biết bao bà má, các chị đêm đêm đào hầm nuôi cán bộ cách mạng, ngày đi đấu tranh chính trị… đã trở thành Mẹ Việt Nam Anh hùng, góp phần tô thắm truyền thống “trung dũng, kiên cường” cho mảnh đất này.

Sau chiến tranh, phụ nữ hăng hái bước vào mặt trận mới xây dựng đất nước. Nhiều người giữ cương vị cao, vào hàng nguyên thủ. Và còn biết bao phụ nữ khác đã âm thầm cống hiến, để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực.

3. Trong thời đại ngày nay

Ngày nay, phụ nữ trong mắt chúng ta không chỉ là chất mỹ miều, mềm mại của phái đẹp theo quan niệm cổ điển mà còn mang hình ảnh của thời đại. Đó là nét đẹp của sự lao động, mạnh mẽ và vươn lên, hòa nhập vào xã hội hiện đại với bao công việc, trọng trách mà gần như sự khác biệt giới tính không còn là ranh giới cố hữu.

Trong bất cứ lĩnh vực nào từ lao động, chiến đấu, đến đời sống gia đình, hoạt động xã hội mà lại không có bóng dáng của những người phụ nữ chịu thương, chịu khó và biết hy sinh. Hơn thế, với bản lĩnh, trí tuệ, sự năng động, thông minh và sáng tạo, phụ nữ tỏ rõ khả năng, sức mạnh của mình trên tất cả các lĩnh vực, thậm chí ở những lĩnh vực mà trước nay xã hội có quan niệm không phải là thế mạnh, như khoa học-công nghệ.

Phụ nữ ngày nay với hình ảnh vươn lên không mệt mỏi, từng bước tự trưởng thành, thể hiện tài năng, sức sáng tạo kỳ diệu, đóng góp xã hội ngày càng nhiều đã khẳng định vai trò và vị thế của mình trong thời đại mới.

***

Con người sinh ra, trong tâm thức đã có hình ảnh người phụ nữ: Người Mẹ. Mỗi thời đại, phụ nữ bộc lộ những phẩm chất khác nhau nhưng lịch sử cho thấy dù trong điều kiện xã hội nào đi nữa, thậm chí là thời điểm khắc nghiệt nhất của lịch sử, họ vẫn sáng lấp lánh trong mắt nhân gian.

Trong xã hội hiện đại, vai trò, vị thế của người phụ nữ sẽ ngày càng nâng cao và đóng góp ngày nhiều hơn vào sự phát triển chung của nhân loại, dù chúng ta biết rằng, chỉ với phẩm chất cố hữu nhân hậu, thủy chung gắn với thiên chức người mẹ, người vợ là chất cố kết và gìn giữ hạnh phúc gia đình - một nửa nhân loại ấy đã xứng đáng được tôn vinh./.

Nguyễn Tấn Quốc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích