Tiếng Việt | English

28/07/2016 - 18:05

Quà tặng vỏ lon bia!

Tính đến năm 2016 này thì vỏ lon bia ấy được tôi lưu giữ một cách cẩn thận trong ngăn tủ của mình hơn 10 năm rồi. Và mỗi khi nhắc lại câu chuyện này với những thế hệ học trò kế tiếp, tôi thường đùa rằng: “Nếu em nào mua cái vỏ lon bia này cỡ 10 triệu đồng trở lên thầy mới bán, còn không thì sẽ giữ làm kỷ niệm suốt đời!”.

Tác giả và cái vỏ lon bia ngày ấy

Năm 2002, tôi được phân công chủ nhiệm học sinh lớp 7, do thiếu giáo viên nên ban giám hiệu phân công tôi dạy lớp chủ nhiệm tới 3 môn: Toán (chuyên môn của tôi), Giáo dục công dân và Mỹ thuật. Tôi hay nói với học trò rằng, thầy dạy Toán để giúp các em biết tư duy, dạy Giáo dục công dân để các em biết lẽ phải, và dạy Mỹ thuật để các em biết cảm thụ cái đẹp. Học trò nghe thế thích lắm.

Một tuần, tôi gặp các em trên lớp với 4 tiết Toán, 1 tiết Giáo dục công dân, 1 tiết Mỹ thuật, cộng với tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp tổng cộng là 8 tiết. Có lẽ vì điều đó nên học trò hiểu kỹ tính nết tôi hơn. Hết học kỳ 1, sang học kỳ 2 vài tuần, đó cũng là lúc các em sắp nghỉ Tết Nguyên đán. Trường dành 1 buổi để các lớp tổ chức liên hoan.

Tôi bàn với lớp trưởng: “Năm nay lớp mình không làm tất niên vì không còn nhiều tiền quỹ, phần lớn các bạn lớp mình có hoàn cảnh khó khăn, thầy không muốn kêu gọi các em đóng góp để làm tất niên. Sau tết, thầy sẽ dành 1 tiết để các em liên hoan tân niên. Lúc đó, nhà bạn nào còn bánh mứt, trái cây thì cứ đem cùng góp lại làm tiệc”.

Đúng hẹn, sau khi nghỉ tết xong, trong tiết Toán, tôi khép hờ cửa phòng lại (vì thật ra, tôi tổ chức tân niên ngay trong tiết học đầu tiên là sai quy định của trường). Tôi dặn các em từ từ mang đồ ra, ăn chung, vui có chừng mực, đừng làm ồn. Tân niên diễn ra vui vẻ.

Cuối tiết, khi dọn dẹp xong, lớp trưởng lấy trong cặp ra 1 vỏ lon bia và mang lên đưa cho tôi, em nói: “Thầy về nhà coi những gì mà người ta in trên vỏ lon bia thì thầy sẽ hiểu ý em muốn nói gì với thầy”. Tuy hơi ngạc nhiên, khá bất ngờ về món quà lạ lùng ấy nhưng tôi cầm lấy ngay vỏ lon bia cho vào cặp của mình.

Về nhà, xem kỹ, tôi mới biết là bia mừng năm mới. Đó là năm Quý Mùi, nên nhà sản xuất có in hình con dê trên vỏ lon bia và những dòng chữ nội dung thế này: “Những người sinh năm Mùi là những người luôn đặt gia đình lên trên hết. Không chỉ chu đáo, thanh lịch và nhạy cảm, họ còn thấu hiểu người khác và dễ dàng tha thứ. Họ yêu cái đẹp, có năng khiếu về nghệ thuật và sáng tạo. Tình cảm rất quan trọng đối với họ”.

Tôi thật sự không tin vào mắt mình. Những người sinh năm Mùi đều là vậy đó sao? Và sao lớp trưởng biết thầy chủ nhiệm của em tuổi Mùi? Tất nhiên, chỉ có mình mới biết rõ về mình thôi! Không ngỡ ngàng nữa, tôi nhận ra tính tình của mình giống gần như 100% những gì mà ai đó đã tổng kết và cho in trên những vỏ lon bia ấy.

Những ngày sau buổi tân niên năm 2003 ấy, tôi gặp em để hỏi thêm vài điều. Em kể: “Mấy ngày tết, ba em có tổ chức tiệc nhậu tại nhà. Khi tiệc tàn, em dọn dẹp những vỏ lon bia dưới sàn, thấy họ in gì trên vỏ lon bia là lạ, em cầm đọc, bỗng thấy đúng y chang tính của thầy. Em giữ lại một lon và mang vô lớp đưa cho thầy xem”. Tôi xoa đầu em và nói rằng: “Thầy sẽ giữ vỏ lon bia của em như là một kỷ niệm đẹp trong năm học mà thầy chủ nhiệm lớp em”.

Ngồi viết lại câu chuyện này, tôi nhận ra rằng, hình ảnh của người thầy trên bục giảng hằng ngày cũng đủ để học trò của mình nhận xét, đánh giá về thầy cô mình. Vì thế, sự mẫu mực của thầy cô sẽ là bài học giáo dục hiệu quả nhất./.

Nguyễn Thanh Hùng Hai

Chia sẻ bài viết