Tiếng Việt | English

27/06/2018 - 20:34

Quản lý chợ đầu mối: Canh cánh nỗi lo an toàn thực phẩm

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ hàng hóa của cả nước, nhưng việc quy hoạch chợ đầu mối nói chung và các chợ truyền thống nói riêng còn nhiều bất cập.

Chợ đầu mối Bình Điền, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Được coi là kênh tiêu thụ hàng hóa chủ yếu của cả nước, nhưng việc quy hoạch và phát triển chợ đầu mối thời gian qua còn nhiều bất cập, nhất là việc truy suất nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa.

Do vậy, việc xây dựng những cơ chế chính sách và tạo động lực mới cho chợ đầu mối theo hướng văn minh, hiện đại cũng là nội dung được đưa ra bàn thảo tại "Hội thảo quốc tế phát triển chợ đầu mối tại Việt Nam," do Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 27/6, tại Hà Nội.

Nhiều chợ đã xuống cấp

Theo báo cáo của Vụ thị trường trong nước, đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ của cả nước. Các tỉnh có nhiều chợ đầu mối là Thanh Hóa (11 chợ), Quảng Bình (11 chợ), Hà Nội (6 chợ), Đồng Tháp (3 chợ), Tiền Giang (3 chợ), Hưng Yên (4 chợ), Thành phố Hồ Chí Minh (3 chợ)… 

Hiện nay, nguồn thực phẩm tại các chợ đầu mối khá đa dạng, từ rau, củ, quả cho đến thịt, tôm, cá… và cả các thực phẩm khô, đã qua sơ chế… 

Theo ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, song song với sự phát triển của mô hình bán lẻ hiện đại, chợ đầu mối hiện vẫn là kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng và góp phần nâng cao năng lực kinh doanh của các nhà bán buôn, bán lẻ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, chợ đầu mối còn tham gia tích cực vào việc bình ổn giá thị trường, giải quyết việc làm cho nhiều lượt lao động trên địa bàn chợ hoạt động...

Tuy vậy, cơ sở vật chất của đại đa số các chợ còn yếu kém, lạc hậu. Hơn nữa, công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm, trong khi việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ rất khó khăn, chưa kể việc phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường chợ, các dịch vụ cung cấp tại chợ còn rất hạn chế.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 2 chợ đầu mối và 4 chợ bán buôn. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, do quy mô nhỏ nên chưa đảm nhiệm chức năng xuất khẩu và chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường.

"Phần lớn hàng hóa tại chợ đầu mối chưa thể truy suất nguồn gốc khi cần thiết," đại diện Sở Công Thương Hà Nội nêu ý kiến.

Các đại biểu tham luận tại Hội thảo về phát triển chợ đầu mối. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vẫn lo việc kiểm soát chất lượng

Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ hàng hóa của cả nước, nhưng việc quy hoạch chợ đầu mối nói chung và các chợ truyền thống nói riêng còn nhiều bất cập.

Theo ông Đào Hà Chung, Chủ tịch Hội công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, tại chợ đầu mối hiện nay, việc quản lý hàng hóa rất khó khăn.

Chuyên gia này cũng băn khoăn đến việc kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các chợ đầu mối, theo ông chợ đầu mối phải là chợ an toàn thực phẩm và quản lý phương tiện vận chuyển vào chợ đầu mối. 

"Phải có giá cả minh bạch, không thao túng thị trường, đánh giá chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, giảm lượng rác thải… cũng như có hệ thống truy xuất hàng hóa và chuỗi cung ứng," ông Đào Hà Chung nói.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển chợ đầu mối ở các quốc gia tiên tiến, ông Ricardo Lopez Pietsch, đại diện Tập đoàn Mercasa (Tây Ban Nha) hiện sở hữu và quản lý 23 chợ đầu mối đang hoạt động tốt tại Tây Ban Nha cho biết, một trong những thành công đáng chú ý nhất của tập đoàn là đảm bảo sự hiện diện của nông dân tại các chợ bán buôn ở những vùng mà nông nghiệp là quan trọng, trong khu vực dành riêng cho các nhà sản xuất trong Mercasa. Nhờ sự kết nối này, người nông dân sẽ hiểu rõ được nhu cầu thị trường, sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Hệ thống chợ ở Tây Ban Nha cũng có đầy đủ các kho và kho lạnh, khu dịch vụ phụ trợ. Các khu chợ còn tập hợp các điểm bán lẻ hiện đại trong khu dịch vụ phụ trợ. Hoạt động đào tạo nghiệp vụ cho thương nhân và người phục vụ tại chợ được tiến hành thường xuyên. 

"Việc kiểm tra, giám sát sức khỏe được thực hiện liên tục và có sự hiện diện của các thanh tra thú y để đảm bảo rằng các cơ sở, quy trình và xử lý sản phẩm tuân thủ các yêu cầu của quy định hiện hành và thực hành tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là yếu tố quan trọng nhất giúp chợ đầu mối hoạt động và phát triển tốt," ông Ricardo Lopez Pietsch chia sẻ thêm.

Về phía Bộ Công Thương, ông Vũ Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng đề xuất chính sách khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức đầu tư hoặc liên kết, hợp tác cùng đầu tư xây dựng (kể cả xây mới và nâng cấp, mở rộng) và sau đó là quản lý kinh doanh khai thác chợ đầu mối. Trong đó, ở những nơi có điều kiện kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp và người dân có khả năng thì kêu gọi, động viên doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế bỏ vốn và người dân đóng góp để đầu tư xây dựng chợ.

Theo ông, để chợ đầu mối thực sự là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, cần giám sát và thực thi tiêu chuẩn để đưa hàng hoá ra thị trường thông qua các chợ đầu mối một cách chặt chẽ, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng đội ngũ quản lý chợ chuyên nghiệp bằng cách đào tạo, phổ biến về kiến thức và kỹ năng kinh doanh chợ, kiến thức về pháp luật.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết