Tiếng Việt | English

03/07/2019 - 08:48

Quản lý giết mổ heo trong vùng dịch

Hiện nay, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra ở 61 tỉnh, thành trên cả nước. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh xảy ra tại 13 tỉnh, thành. Bến Tre là tỉnh cuối cùng của vùng công bố dịch vào ngày 02/7/2019.

Long An tăng cường quản lý cơ sở giết mổ trước tình hình dịch bệnh

Long An tăng cường quản lý cơ sở giết mổ trước tình hình dịch bệnh

Tại Long An, sau hơn 2 tuần công bố dịch, các ổ dịch đã lây lan trên địa bàn 3 huyện: Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và thị xã Kiến Tường với hơn 20 ổ dịch và tiêu hủy trên 500 con heo theo đúng quy định.

Trước tốc độ lây lan nhanh của dịch tả, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương khống chế, dập dịch, nhất là tăng cường kiểm soát các cơ sở giết mổ (CSGM) để người tiêu dùng an tâm sử dụng thịt heo bảo đảm chất lượng.

Tại các CSGM trong vùng dịch được ngành chức năng tăng cường quản lý nguồn heo nhập lò 24/24 giờ. Hiện toàn tỉnh có 42 CSGM với tổng công suất đạt trên 2.500 con/đêm.

Theo đó, CSGM heo tập trung trong vùng dịch được phép tiếp nhận, giết mổ heo khỏe và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh từ cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, ngoài vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn cấp tỉnh.

Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Dương Minh Phí cho biết: “Heo được đưa vào CSGM phải bảo đảm theo quy định tại Điều 4, Thông tư 09/2016/TT-Bộ NN&PTNT, ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Đối với heo được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng theo quy định tại khoản 1, Điều 70 Luật Thú y và QCVN 01-100:2012/Bộ NN&PTNT từ cơ sở chăn nuôi đến trực tiếp CSGM heo; không vận chuyển heo đến các điểm thu gom tập trung nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan mầm bệnh. Đối với heo xuất phát từ cơ sở thu gom, kinh doanh, phải có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTHCP trước khi vận chuyển đến CSGM. Cơ sở thu gom được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trước và sau mỗi lần thu gom; chất thải, nước thải được xử lý bảo đảm không lây lan mầm bệnh. Trường hợp heo có nguồn gốc từ tỉnh khác vận chuyển đến CSGM, ngoài yêu cầu kiểm tra âm tính với mầm bệnh DTHCP, heo phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định tại Thông tư số 25/2016/TT-Bộ NN&PTNT. Heo phải được kiểm soát giết mổ theo quy định tại Điều 65 Luật Thú y và Thông tư số 09/2016/TT-Bộ NN&PTNT. Đối với các sản phẩm từ heo sau giết mổ phải xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTHCP và được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng theo quy định tại khoản 2, Điều 70 Luật Thú y, để tiêu thụ trong và ngoài vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn cấp tỉnh. Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trước khi ra khỏi cơ sở chăn nuôi, trước khi vào và ra khỏi CSGM”.

Ông Nguyễn Tấn Lực (quản lý CSGM gia súc Nghĩa Hưng, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) nói: “Từ khi nhận được thông báo DTHCP xảy ra ở các tỉnh lân cận, ngành chức năng huyện phối hợp cơ sở giữ vệ sinh, tuyệt đối không để điều gì sơ suất, đồng thời xe ra, vào cơ sở đều được xịt thuốc, khử trùng đầy đủ. Đặc biệt, hiện nay, dịch đã xảy ra trên địa bàn huyện nên cơ sở chủ động nhập heo có nguồn gốc rõ ràng, âm tính với dịch bệnh và luôn bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm để người tiêu dùng an tâm sử dụng thịt heo”.

Theo ông Lê Hữu Bình (chủ CSGM tại xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ), nguồn heo nhập vào CSGM đều được cán bộ thú y kiểm tra các thủ tục bắt buộc: Heo phải có đầy đủ giấy tờ, giấy kiểm dịch, số xe, dây niêm phong theo quy định và được kiểm tra lâm sàng các dấu hiệu động vật có bị bệnh hay không rồi mới nhập vào cơ sở.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh nhận định: Mặc dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp nhưng các lực lượng ngành chức năng tăng cường kiểm tra 24/24 giờ tại các CSGM. Nhìn chung, ngoài các CSGM thì các hộ chăn nuôi heo đã chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Đồng thời, ngành cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi chuồng trại phải có hàng rào; trước khi vào chuồng nuôi, cả người và phương tiện phải qua nhiều phòng khử độc sát trùng. Các ô chuồng được vệ sinh sạch sẽ, vật nuôi được tiêm phòng đủ, đúng và chăm sóc chu đáo. Trước khi heo xuất chuồng, các hộ chăn nuôi nên thông báo và đăng ký với ngành chức năng để kiểm tra, truy xuất nguồn gốc và giám sát tình hình vận chuyển heo ra ngoài địa bàn xã, huyện. Nhờ vậy, người tiêu dùng mới tin tưởng và sử dụng nguồn thịt heo của địa phương. Bên cạnh đó, các ngành phối hợp kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, buôn bán trên địa bàn./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết