Tiếng Việt | English

22/03/2017 - 09:30

Hưởng ứng Ngày Nước Thế giới (22/3) và Khí tượng Thế giới (23/3) năm 2017

Quản lý và sử dụng hợp lý nguồn nước mặt

Thời gian qua, nhiều công trình, dự án sử dụng nguồn nước mặt (NNM) phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh Long An được đưa vào hoạt động. Qua đó, giúp việc quản lý và sử dụng NNM ngày càng hiệu quả, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm trên địa bàn tỉnh.

Cấp đủ nước

Cấp nước sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn được các nhà máy nước của công ty Công trình đô thị tại huyện, thị xã thực hiện, chủ yếu tập trung ở khu vực thị trấn, thị tứ. Một số vùng ven của các huyện, thị xã do trạm cấp nước của các cá nhân góp vốn xây dựng để sử dụng.

Nhà máy nước Hòa Khánh Tây hoạt động cung cấp đủ nước sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn

Tại TP.Tân An, việc cấp nước tập trung được Xí nghiệp Cấp nước Tân An đảm nhận. Các xí nghiệp cấp nước tại Gò Đen (huyện Bến Lức), Bình Ảnh (huyện Thủ Thừa) trực thuộc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Long An bảo đảm đủ lưu lượng nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Thủ Thừa và Bến Lức.

Nguồn tài nguyên nước ngầm ngày càng hạn chế, lãnh đạo tỉnh có nhiều chủ trương, cơ chế khuyến khích sử dụng NNM, đặc biệt phục vụ sản xuất công nghiệp. Nhiều công trình, dự án đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả tích cực, tạo điều kiện bảo vệ nguồn nước ngầm và tiến tới đóng các giếng khoan trên địa bàn.

Nhà máy Cấp nước Hòa Khánh Tây do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phú Mỹ Vinh làm chủ đầu tư, khánh thành vào tháng 9/2016, tại địa bàn ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa. Nhà máy sử dụng nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng thông qua Dự án thủy lợi Phước Hòa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, nước sau khi xử lý, đạt tiêu chuẩn sử dụng sinh hoạt của Bộ Y tế. 

“Nhà máy nước đi vào hoạt động bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt, sản xuất cho khách hàng cả về chất lượng, lưu lượng và áp lực tại mọi thời điểm theo kế hoạch. Khi ổn định, giữa năm 2017, chúng tôi tiếp tục triển khai giai đoạn 2, đoạn đường ống khoảng 50km để nhanh chóng cấp nước cho huyện Bến Lức và các huyện vùng hạ của tỉnh. Hoàn thành sớm dự án giúp hạn chế khai thác nước ngầm, bảo vệ môi trường địa tầng, địa chất trong khu vực, hoàn thiện hạ tầng nhằm thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương”, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Nhà máy Nước Hòa Khánh Tây - Trần Thanh Nguyêncho biết.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh - Nguyễn Tân Thuấn thông tin: “Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh tiến hành đóng một số giếng khoan tại huyện Đức Hòa để bảo vệ nguồn nước ngầm trên địa bàn. Hiện, có 8 đơn vị đang sử dụng NNM từ sông Vàm Cỏ để phục vụ sản xuất công nghiệp với lưu lượng khai thác từ 50-2.000m3/ngày đêm (riêng Công ty Cổ phần Mía đường Hiệp Hòa được cấp phép với lưu lượng 48.000m3/ngày đêm). Điều này giúp bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất.

Hưởng ứng Ngày Nước Thế giới (22/3) và Khí tượng Thế giới (23/3) năm 2017, UBND tỉnh Long An yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, tùy vào tình hình cụ thể xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động hưởng ứng: Míttinh, hội thảo khoa học, treo băng-rôn, panô, áp phích, tranh cổ động liên quan, vận động cộng đồng tham gia hưởng ứng, tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin,... có hiệu quả, từ ngày 21/3 đến ngày 31/3/2017./.

Tiến tới đóng các giếng khoan

Đưa NNM phục vụ sinh hoạt và sản xuất được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về chủ trương giải quyết cấp nước tại TP.Tân An và các khu đô thị nhằm bảo đảm yêu cầu đến năm 2018 giảm ít nhất 50% khối lượng khai thác giếng khoan tại TP.Tân An, đưa 50% khối lượng khai thác giếng khoan hiện hữu vào dự trữ, tỉnh phê duyệt, triển khai dự án Nhà máy Nước Nhị Thành (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa).

Phòng ngừa ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước 

Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP - Long An (liên doanh giữa Công ty CP Cấp thoát nước Long An và Công ty CP Nhựa Đồng Nai) làm chủ đầu tư, công suất thiết kế 60.000m3/ngày đêm, gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1, công suất 30.000m3/ngày đêm đang triển khai xây dựng, dự kiến năm 2018 đi vào hoạt động. Khi hoàn thành, phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch cho khoảng 225.000 người dân, 2.000ha đất công nghiệp và thương mại tập trung tại TP.Tân An, huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ và huyện Cần Đước.

Theo ông Thuấn, ngoài việc triển khai các dự án cấp nước để bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng hiệu quả NNM, cần đóng bít các giếng khoan trong vùng có NNM đáp ứng đủ về lưu lượng, chất lượng và phòng ngừa ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước dưới đất. Tỉnh có chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân khai thác nguồn nước từ các hầm khai thác đất đưa vào sử dụng cũng như dự trữ vào mùa khô trước bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay.

Bên cạnh đó, việc xem xét cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước ngầm được kiểm tra chặt chẽ, chỉ xem xét cấp giấy phép khai thác trong trường hợp khu vực không có khả năng sử dụng NNM, hệ thống cấp nước tập trung chưa có. Tuy nhiên, việc cấp phép này chỉ tạm thời, khi có hệ thống cấp nước tập trung bảo đảm lưu lượng, yêu cầu các tổ chức, cá nhân này tiến hành trám lấp giếng và đấu nối nguồn nước cấp tập trung để sử dụng, mục đích bảo vệ nguồn nước ngầm.

"Ngoài ra, Sở TN&MT lập các quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch cụ thể. Tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị về công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ngầm để có cơ sở trong việc cấp phép, quản lý, sử dụng NNM, nguồn nước ngầm hợp lý trên địa bàn" - ông Thuấn thông tin thêm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, có 363 giếng khoan được cấp phép khai thác. Sau khi Nhà máy Nước Hòa Khánh Tây đi vào hoạt động, Sở TN&MT tham mưu tỉnh, tiến hành đóng bít 35 miệng giếng khoan của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa. Thời gian tới, khi các dự án cấp nước đi vào hoạt động và cung cấp đủ nguồn nước sẽ tiếp tục đóng bít các miệng giếng khoan của các đơnvị, doanh nghiệp nơi đường ống cấp nước tập trung đi qua./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết