Tiếng Việt | English

13/04/2017 - 21:28

Quảng Ngãi mong muốn kết nối, hợp tác với Long An

Ngày 13/4, Đoàn cán bộ tỉnh Quảng Ngãi do Phó Bí thư Tỉnh ủy - Trần Văn Minh làm Trưởng đoàn đến tham quan một số mô hình nông nghiệp phát triển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Long An.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần tiếp đoàn.

Đoàn tham quan Công ty TNHH Huy Long An

Đoàn đến tham quan thực tế mô hình chăn nuôi bò thịt, trồng chuối xuất khẩu của Công ty TNHH Huy Long An (xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ). Đây là công ty đầu tiên nhập khẩu bò Úc sống và quản lý giết mổ, số lượng bò tại công ty hiện nay khoảng 2.000 con.

Ngoài ra, công ty có khoảng 250ha đất trồng chuối xuất khẩu tại 2 tỉnh Long An và Tây Ninh, mang thương hiệu Fohla. Chuối tại đây được trồng theo quy trình khép kín, được kiểm soát nghiêm ngặt, trên sản phẩm được dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật và Hàn Quốc. Tổng mức đầu tư 2 trang trại chuối này khoảng 50 tỉ đồng.


Đoàn tham quan Công ty Chanh Việt

Sau đó, đoàn đến tham quan mô hình trồng chanh của Công ty Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức). Đây là một trong những công ty tiêu biểu của tỉnh Long An áp dụng công nghệ cao trong việc trồng và chế biến các sản phẩm từ chanh không hạt. Quy trình trồng trọt được quản lý chặt chẽ theo các tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường châu Âu. Hiện, công ty trồng khoảng 230ha.

Chiều cùng ngày, đoàn tham quan một số mô hình sản xuất thanh long của hộ ông Lê Đắc Vinh (xã Dương Xuân Hội) và Hợp tác xã Thanh long Long Trì (xã Long Trì) ở huyện Châu Thành để tìm hiểu về quy trình kỹ thuật sản xuất, chất lượng giống.

Đoàn tham quan Hợp tác xã Thanh long Long Trì

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần thông tin về tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Ông cho biết: Thời gian tới, Long An tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, chọn cây lúa, rau, thanh long và bò để phát triển.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - Trần Văn Minh đánh giá cao tư duy, quy mô của các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, đoàn mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, địa phương để có thể triển khai ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và mạnh dạn áp dụng vào thực tế sản xuất trên địa bàn Quảng Ngãi, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của nông sản. Ông cũng mong muốn, 2 tỉnh hợp tác, kết nối nhằm giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế./.

Hải Phong

Chia sẻ bài viết