Tiếng Việt | English

19/06/2019 - 10:14

Quyết liệt chống dịch, không để lây lan trên diện rộng

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xảy ra trên địa bàn tỉnh Long An, các địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng.

Quyết tâm chống dịch

Theo dự báo, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, phần lớn các hộ đều chăn nuôi nhỏ, lẻ nên DTHCP có thể lây lan từ những hộ chăn nuôi này sang hộ chăn nuôi quy mô lớn nếu chính quyền địa phương và người chăn nuôi không đồng lòng, quyết liệt dập dịch.

Chính vì sự chủ quan, lơ là trong chăn nuôi nên vừa qua, tại xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, xảy ra ổ DTHCP đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Theo nhận định của ngành chức năng, khả năng phát tán, lây lan DTHCP từ ổ dịch này trên diện rộng là rất cao.

Nguy cơ dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng rất cao, do đó cần quyết liệt ngăn chặn

Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Trần Văn Lành cho biết: “Ngay sau khi phát hiện ổ dịch trên địa bàn, huyện chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, theo dõi, xử lý và chôn hủy đàn heo bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lây lan bệnh dịch đến các khu vực xung quanh. Việc tiêu hủy heo chết do bệnh dịch được huyện phối hợp các ngành chức năng thực hiện đúng quy trình nhằm hạn chế lây lan ra các khu vực lân cận trong quá trình vận chuyển. Huyện cũng chỉ đạo ngành thú y cử cán bộ thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến bệnh dịch trên địa bàn, nhất là việc phòng, chống dịch của các cơ sở chăn nuôi xung quanh khu vực có bệnh dịch xảy ra”.

Theo lãnh đạo UBND xã Đức Hòa Thượng, ngay sau khi xảy ra DTHCP tại ấp Hậu Hòa, các cơ quan chức năng cùng địa phương khẩn trương xử lý, kịp thời dập dịch tại chỗ; đồng thời, tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển động vật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm ngăn không cho bệnh dịch phát tán.

Bên cạnh đó, xã tổ chức họp đại diện các hộ chăn nuôi trên địa bàn để phổ biến việc đẩy mạnh thực hiện biện pháp an toàn sinh học trên đàn heo nhằm tránh lây nhiễm bệnh dịch và cách giải quyết khi heo có dấu hiệu bệnh, tránh bán tháo, bán chạy gây bùng phát dịch trên diện rộng.

Các cửa ngõ ra, vào xã được rải vôi khử trùng. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn cũng mua vôi khử trùng, cùng địa phương phòng, chống bệnh dịch. Xã lập chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát tất cả cửa ngõ nhằm ngăn chặn heo bị bệnh dịch ra, vào địa bàn.

Tại các huyện giáp ranh như Đức Huệ, Bến Lức, khi biết thông tin DTHCP xảy ra trên địa bàn huyện Đức Hòa, công tác chốt chặn, ngăn ngừa DTHCP được chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Tại Chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời trên địa bàn, lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, ngăn chặn các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đúng quy định từ các địa phương lân cận vào địa bàn huyện.

UBND huyện Bến Lức chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập ngay ban chỉ đạo và đội phản ứng nhanh nhằm chủ động chống DTHCP hiệu quả, kịp thời và nhanh chóng. Đội phản ứng nhanh có nhiệm vụ ứng phó khi có bệnh dịch xảy ra trên địa bàn, thực hiện theo sự chỉ đạo của ban chỉ đạo phòng, chống DTHCP.

Còn tại huyện Cần Giuộc, Cần Đước, giáp ranh TP.HCM (nơi có dịch) chủ động triển khai các biện pháp chống bệnh dịch và có những phương án khi DTHCP xảy ra ngay từ rất sớm.

Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng thông tin: “Huyện triển khai kế hoạch cụ thể nhằm ngăn chặn DTHCP xâm nhập vào địa bàn. Bên cạnh đó, huyện phân công nhiệm vụ các phòng, ban liên quan theo dõi tình hình bệnh dịch và báo cáo thường xuyên; khi phát hiện heo có dấu hiệu chết bất thường hoặc có đặc điểm của DTHCP thì báo ngay để có hướng xử lý kịp thời; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các chốt về nguồn gốc gia súc qua địa bàn huyện”.

Chống dịch là nhiệm vụ cấp bách hiện nay

Phó Cục trưởng Cục Thú y, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI - Bạch Đức Lữu cho biết: Hiện nay, DTHCP xảy ra trên địa bàn tỉnh nên việc chống dịch là nhiệm vụ cấp bách vì nguy cơ lan rộng rất cao. Các địa phương trong tỉnh cần tập trung toàn lực cho công tác chống dịch và các biện pháp phòng, chống lây lan. Chi cục Thú y vùng VI sẽ kịp thời hỗ trợ để công tác chống dịch của địa phương đạt hiệu quả cao.

Hạn chế lây lan

Để tránh nguy cơ lây lan dịch từ xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa đến các địa phương lân cận (đặc biệt là các xã có số lượng heo nhiều: Đức Lập Hạ 5.100 con, Mỹ Hạnh Bắc 1.500 con) và các địa phương khác, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh đề nghị, huyện Đức Hòa rà soát và nắm lại chính xác tổng đàn/từng hộ; thành lập ngay ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã; tăng cường giám sát dịch bệnh trên địa bàn.

Trong vòng 3km (cụ thể là ấp Chánh, ấp Đức Hạnh 1, xã Đức Lập Hạ; ấp Hậu Hòa, xã Đức Hòa Thượng), nếu phát hiện heo có dấu hiệu nghi bệnh thì tiêu hủy; tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh, thông báo đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh trên các phương tiện truyền thông.

Đối với các xã không có cán bộ thú y hoặc không có người phụ trách công tác thú y, địa phương cử người phụ trách công tác giám sát về dịch bệnh tại địa bàn, nếu có trường hợp nghi ngờ phải thông báo ngay cho Đội Phản ứng nhanh của huyện; tăng cường giám sát tại các điểm nguy cơ; thực hiện tiêu độc, khử trùng từ các xã đang bị dịch uy hiếp vào trong vùng dịch; thực hiện tuyên truyền 2 lần/ngày trên các phương tiện truyền thông.

Heo được chôn hủy tại ổ dịch

Heo được chôn hủy tại ổ dịch

Hiện nay, tỉnh xác định chống DTHCP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh chỉ đạo, để dịch bệnh không lây lan ra diện rộng, hạn chế phạm vi ảnh hưởng và mức độ thiệt hại thấp nhất, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh quyết liệt thực hiện các biện pháp chống DTHCP; tập trung khống chế dịch bệnh, không để lây lan sang các địa phương khác.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ UBND các địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dịch theo quy định, bảo đảm khoanh vùng, xử lý nhanh bệnh dịch mới phát sinh.

Ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo lực lượng thú y tăng cường kiểm tra, phun xịt tiêu độc, khử trùng toàn bộ phương tiện giao thông vận chuyển heo và sản phẩm từ heo đi vào địa bàn tỉnh tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật; tăng cường tần suất vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nhất là các hộ chăn nuôi trong vùng dịch; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, khuyến cáo người chăn nuôi không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt cho heo ăn.

Cùng với việc hướng dẫn các địa phương về thủ tục hỗ trợ người chăn nuôi có heo mắc DTHCP, Sở Tài nguyên và Môi trường cần hướng dẫn các địa phương lựa chọn địa điểm tiêu hủy heo đúng quy định; tăng cường kiểm tra, kiểm soát môi trường tại khu vực có heo bị tiêu hủy; kịp thời hướng dẫn xử lý sự cố ô nhiễm môi trường do tiêu hủy.

Các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thành lập ban chỉ đạo phòng, chống DTHCP, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó khi dịch xảy ra; tuyên truyền người dân không bán chạy heo nhiễm bệnh nhằm tránh lây lan; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh, kinh doanh, giết mổ động vật trên địa bàn”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết