Tiếng Việt | English

23/06/2021 - 09:00

Quyết liệt đẩy lùi dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho người dân

Từ ngày 28/5/2021, Long An ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên tại Cần Giuộc. Cùng với cả nước, tại tỉnh, cả hệ thống chính trị khẩn trương vào cuộc, nhanh chóng kích hoạt các hệ thống phản ứng nhanh, phát hiện và cách ly kịp thời các ca mắc và nghi mắc Covid-19, quyết liệt dập dịch, bảo đảm an toàn cho người dân. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa về các giải pháp chống dịch của tỉnh trong thời gian qua nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.

Long An nỗ lực nâng cao năng lực xét nghiệm, đẩy nhanh việc lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất

PV: Thưa ông, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?

Ông Phạm Tấn Hòa: Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiện nay được đánh giá khá phức tạp. Tổng số ca mắc Covid-19 toàn tỉnh tính đến hơn 13 giờ 22/6/2021 là 34 ca (trong đó, có 19 ca mắc trong cộng đồng, 15 ca nhập cảnh được cách ly ngay). Tỉnh đã thiết lập cách ly tại 10 địa điểm ở TP.Tân An, các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Tân Thạnh, Đức Hòa (đã kết thúc cách ly 5 địa điểm).

Tỉnh đang đối mặt đối với các nguồn lây bệnh xâm nhập từ Vương quốc Campuchia và các tỉnh, thành phố đang có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Long An nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với nhiều khu, cụm công nghiệp (K,CCN). Số lượng chuyên gia, cán bộ quản lý, người lao động, công nhân (CN), công chức, viên chức và người dân hàng ngày di chuyển qua các tỉnh để làm việc, điều trị bệnh, thăm thân và các mục đích khác là rất lớn. Vì vậy, bất kỳ một hành động chủ quan, lơ là, thiếu ý thức trách nhiệm với cộng đồng trong phòng, chống dịch (PCD) của một cá nhân hay trong các doanh nghiệp (DN), K,CCN sẽ làm bùng phát dịch bệnh, gây nhiều thiệt hại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa (bên phải) kiểm tra công tác xét nghiệm cho công nhân tại Cần Giuộc

PV: Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Long An có những giải pháp gì để ứng phó với dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Ông Phạm Tấn Hòa: Từ thực tế tình hình dịch bệnh các địa phương trong cả nước, Long An rút ra những bài học trong công tác phòng dịch, đặc biệt phải bảo vệ các “thành trì” trọng yếu, gồm:

- Các cơ quan, tổ chức trọng yếu của Đảng, Nhà nước; các cơ quan quản lý nhà nước trọng yếu tại địa phương;

- Các bệnh viện (BV), các cơ sở y tế;

- Các nhà máy, các cơ sở sản xuất, K,CCN;

- Các nhà thờ, các chùa, giáo phái, cơ sở tôn giáo;

- Các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại;

- Các quán bar, karaoke, vũ trường, các cơ sở dịch vụ khép kín tụ tập đông người;

- Các nhà hàng, quán ăn, quán cafe đông người không thực hiện nghiêm PCD;

- Các đám cưới, đám tang;

- Các lễ hội, các sự kiện đông người, các trung tâm du lịch, vui chơi, giải trí;

- Các bến xe, bến tàu, bến cảng;

Quản lý chặt người trung gian khó truy vết nguồn lây như người bán vé số, người bán hàng rong, người ăn xin, đánh giày, bán báo, xe ôm,...

Các “thành trì” trọng yếu và quan trọng này đều có số người tập trung lớn, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh cao, chính quyền các cấp phải coi trọng và nâng PCD lên 1 cấp so với các nơi khác.

Đặc biệt chú ý công tác PCD ở các DN, K,CCN:

- Mỗi phân xưởng, mỗi nhà máy phải thành lập 1 tổ Covid trong DN (gọi là tổ Covid DN), thành phần tổ có 1 cán bộ y tế là người của ban quản lý KCN hoặc của chính quyền. Tổ Covid DN có 3 nhiệm vụ chính: Hướng dẫn, tập huấn, truyền thông các quy định PCD; nắm sát địa bàn, giám sát việc tuân thủ các quy định về PCD; báo cáo cấp trên kỷ luật, phạt hoặc thông tin các trường hợp vi phạm các quy định PCD với ban lãnh đạo phân xưởng, nhà máy hoặc chính quyền.

- Mỗi KCN thành lập tổ Covid KCN (tùy quy mô mỗi KCN mà thành lập 1 hoặc nhiều tổ Covid KCN), thành phần mỗi tổ Covid KCN có 1 cán bộ y tế và công an để giám sát việc thực hiện các quy định PCD ở các phân xưởng, nhà máy. Cá nhân, phân xưởng, nhà máy nào vi phạm thì sẽ phạt (áp dụng Nghị định 117/2020/NĐ-CP, phạt người vi phạm và phạt cả chủ), cho tạm dừng hoạt động hoặc đóng cửa hoặc khởi tố cá nhân hoặc tổ chức vi phạm (áp dụng Điều 240 Bộ luật Hình sự). Đối với các phương tiện đưa, đón CN thì phạt lái xe và phạt cơ quan chủ quản. Đối với nơi cư trú của CN thì phạt người vi phạm, chủ nhà trọ; khiển trách, phê bình, thậm chí kỷ luật lãnh đạo địa phương nếu lơ là, thực hiện PCD không nghiêm.

Các nhà máy, cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp là một trong những “thành trì” quan trọng cần được chú ý bảo vệ trước tình hình dịch bệnh

- Lấy tổ sản xuất, nhóm sản xuất (dưới đây gọi là tổ SX) ở phân xưởng, nhà máy làm gốc của tất cả giải pháp PCD ở các KCN.

- Có 3 nơi, 3 lúc có nguy cơ lây nhiễm cao nhất: Lúc ăn, nơi ăn; lúc đi vệ sinh, nơi đi vệ sinh; lúc đi xe, không gian ngồi trên xe tuyến. Lấy tổ sản xuất làm gốc, quy định ở nhà ăn, quy định ở nhà vệ sinh như quy định trên xe tuyến.

Theo đó, Long An có các giải pháp cơ bản như nghiêm cấm các sự kiện tập trung đông người; thực hiện nghiêm “5K” ở tất cả “thành trì” trọng yếu, cá nhân hóa trách nhiệm, có giám sát với chế tài mạnh. Đặc biệt, nâng cao năng lực xét nghiệm, đẩy nhanh việc lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất.

Khi có ca mắc mới hoặc có ổ dịch, tỉnh sẽ áp dụng mô hình khoanh vùng ổ dịch “3 lớp”: Lớp lõi có dịch giãn cách theo Chỉ thị 16-CT/TTg, lớp tiếp theo thực hiện Chỉ thị 15-CT/TTg, lớp ngoài cùng theo Chỉ thị 19-CT/TTg. Trường hợp số lượng F1 quá lớn (nhất là trong các nhà máy, K,CCN) thì có thể áp dụng giải pháp “4 lớp”: 3 lớp như trên và lớp trong cùng là cho cách ly F1 tại chỗ, áp dụng đối với các khu tập thể, các khu trọ tập trung nhiều CN và có nhiều F1, F2. Ưu tiên áp dụng công nghệ trong cách ly F1 tại chỗ. Trường hợp địa phương có ổ dịch, tùy mức độ mà thực hiện ngay việc giãn cách xã hội (theo Chỉ thị 15/TTg) hoặc cách ly xã hội (theo Chỉ thị 16/TTg) đối với xã, phường, thị trấn hoặc huyện nơi có ổ dịch đó.

Mỗi người dân là một “chiến sĩ” trên mặt trận PCD để phát hiện, tố giác những cá nhân, tập thể, tổ chức vi phạm các quy định về PCD như vi phạm “5K”, vi phạm các quy định về cách ly, tố giác người nhập cảnh trái phép,... Toàn dân đồng lòng PCD thì chắc chắn sẽ sớm đẩy lùi “giặc” Covid-19.

Về các giải pháp cụ thể, vừa qua, UBND tỉnh ban hành Công văn 4983/UBND-VHXH, ngày 01/6/2021 về việc tăng cường PCD Covid-19, qua đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định PCD. Tiếp theo, tỉnh ban hành Công văn 5183/UBND-VHXH, ngày 04/6/2021 về việc áp dụng các biện pháp quản lý đối với trường hợp từng đến, trở về từ các địa phương áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Công văn 5543/UBND-VHXH, ngày 16/6/2021 và 5782/UBND-VHXH, ngày 22/6/2021 về việc tiếp tục tăng cường các biện pháp PCD Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Các nội dung chỉ đạo đều tập trung tăng cường các giải pháp cụ thể trong PCD nhưng phải bảo đảm “mục tiêu kép”. Quan điểm của tỉnh là tuyệt đối không “ngăn sông cấm chợ” làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động của các DN.

Bên cạnh đó, ngay khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, tỉnh thực hiện truy vết quyết liệt, huy động, phát huy tối đa tổ Covid-19 cộng đồng, cán bộ y tế ở các cơ sở y tế hỗ trợ địa phương có dịch trong việc lấy mẫu, khai báo y tế, xét nghiệm,... nhằm nhanh chóng sàng lọc, tầm soát những người có nguy cơ nhiễm bệnh với phương châm “truy vết thần tốc, khoanh vùng diện rộng và phong tỏa hẹp”.

Ngoài chống dịch trong nội địa, tỉnh cũng chú trọng phòng dịch ở tuyến biên giới. Theo đó, tỉnh bố trí 61 chốt, trạm kiểm soát với gần 700 cán bộ, chiến sĩ gồm bộ đội biên phòng, công an, quân sự, dân quân tự vệ. Các lực lượng phối hợp chặt chẽ làm nhiệm vụ chốt chặn, tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở, ngăn chặn triệt để tình trạng nhập cảnh, vượt biên, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Đối với các cảng sông, tỉnh giao Sở Y tế ban hành quy trình phối hợp nhằm tăng cường kiểm soát quy trình khai báo y tế, xét nghiệm sàng lọc,…

PV: Thưa ông, với các giải pháp nêu trên, Long An có những bước chuẩn bị năng lực cách ly tập trung, năng lực xét nghiệm và điều trị ra sao?

Ông Phạm Tấn Hòa: Thực hiện Kế hoạch 980/KH-BTLQK7 về việc điều chỉnh tiếp nhận, cách ly, đáp ứng từng cấp độ dịch Covid-19 của Quân khu 7, tỉnh ban hành Kế hoạch số 157/KH-UBND với 5 cấp độ: Từ cấp độ 1 - cấp độ 3: 3.000 chỗ; cấp độ 4: 5.000 chỗ; cấp độ 5: 10.000 chỗ. Ngoài ra, còn thành lập 7 khu cách ly tập trung sử dụng cơ sở lưu trú là khách sạn để cách ly chuyên gia với 200 chỗ. Tỉnh chuẩn bị sẵn sàng theo từng cấp độ để kích hoạt các khu cách ly trong từng tình huống.

Về năng lực xét nghiệm, hiện ngành Y tế huy động các đơn vị có thể thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên 30.000 mẫu/ngày (21 đơn vị y tế công lập, 3 BV tư nhân, 19 phòng khám đa khoa trên địa bàn). Toàn tỉnh có 6 đơn vị (4 BV đa khoa khu vực, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế Bến Lức) thực hiện xét nghiệm PCR dự kiến 1.350 mẫu đơn/ngày, mẫu gộp 5 thực hiện được 6.750 mẫu/ngày; mẫu gộp 10 thực hiện được 13.500 mẫu/ngày. Ngành Y tế ban hành 24 quyết định thành lập đội lấy mẫu xét nghiệm tại các huyện, thị xã, thành phố, trong đó có thể hỗ trợ lẫn nhau khi có trường hợp lấy mẫu trên quy mô lớn.

Đối với năng lực điều trị, tỉnh thành lập 1 BV dã chiến và 4 BV hạng II có chức năng điều trị các ca dương tính với tổng số 260 giường bệnh; phân công mỗi BV phụ trách một số huyện trong vùng để tiếp nhận điều trị. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành kế hoạch thành lập thêm 6 BV dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 với năng lực 1.100 giường (tổng cộng 1.360 giường). Hiện nay, tỉnh thành lập BV dã chiến số 1 tại BV Phổi Long An (quy mô 400 giường, trong đó giai đoạn 1 triển khai với quy mô 100 giường, giai đoạn 2 triển khai tiếp 300 giường).

PV: Nhằm từng bước tạo miễn dịch cộng đồng, công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh đến nay như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Tấn Hòa: Số người dân trong tỉnh đăng ký tiêm vắc-xin là 1.329.294 người, trong đó đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 (9 nhóm) là 268.096 người, các đối tượng còn lại 1.061.198 người (bao gồm CN của các K,CCN trong tỉnh). Bộ Y tế đã phân bổ cho Long An 3 đợt với 41.920 liều vắc-xin; đã tiêm 22.014 mũi (đợt 1 là 244 mũi, đợt 2 là 21.770 mũi); đang tiếp tục tiêm đợt 3.

Ngoài ra, số lượng DN đăng ký tiêm vắc-xin trong, ngoài K,CCN gồm 208.064 người (KCN 93.885 người, CCN là 14.744 người và ngoài KCN là 99.435 người).

Long An cũng thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 tỉnh để có nguồn kinh phí mua vắc-xin tiêm cho các đối tượng. Đồng thời, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh chủ động tìm nguồn cung cấp để mua vắc-xin tiêm cho các đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP và các đối tượng còn lại.

UBND tỉnh cũng có tờ trình gửi Bộ Y tế về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho địa phương. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép các DN trên địa bàn tỉnh hoặc tỉnh, thành phố khác được chủ động đàm phán tìm nguồn vắc-xin từ các nhà sản xuất, phân phối có uy tín trên thế giới, được nhập khẩu hoặc thuê các DN có chức năng nhập khẩu vắc-xin để nhập khẩu vắc-xin phòng Covid-19 về Việt Nam cung cấp cho tỉnh. Sau khi vắc-xin được Bộ Y tế cấp phép, nhập khẩu về Việt Nam và được kiểm định bảo đảm chất lượng, đề nghị Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ cho phép các DN được ký hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng tiêm chủng triển khai việc tiêm vắc-xin cho toàn thể cán bộ, nhân viên của DN trên nguyên tắc bảo đảm an toàn, chất lượng, giá dịch vụ tiêm chủng theo hợp đồng thỏa thuận giữa DN với đơn vị tiêm chủng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thu Ngân (thực hiện)

Chia sẻ bài viết