Tiếng Việt | English

13/05/2021 - 08:26

Rau an toàn vẫn khó khăn về đầu ra

Khi những bất cập về an toàn, vệ sinh thực phẩm ngày càng báo động thì những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng như rau an toàn luôn được người tiêu dùng quan tâm sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh Long An gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề đầu ra.

Hiện nay, chỉ có khoảng 20% rau an toàn được bao tiêu

Trước thực trạng sản xuất nông nghiệp truyền thống gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn  Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) đã khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển được 15ha rau an toàn, trong đó có 13ha được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, theo Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng, mặc dù là rau an toàn nhưng hiện nay, HTX vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm hoặc chờ thương lái đến thu mua vì chưa có thị trường tiêu thụ ổn định.

Ông Dũng cho biết: “Tuy đã liên kết với một số doanh nghiệp (DN) để tiêu thụ rau an toàn nhưng sau một thời gian, liên kết này không được duy trì do các DN thường có nhu cầu tiêu thụ với số lượng lớn, sản phẩm đa dạng nhưng lại không thông báo khiến người dân bị động trong sản xuất nên không đáp ứng được nhu cầu của DN. Bên cạnh đó, nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài”.

Tìm hiểu tại các hộ dân, chị Trần Thị Kim Nga - thành viên HTX Rau an toàn Phước Hòa, cho biết: “Khi sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tôi phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, bảo đảm thời gian cách ly khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tuy nhiên, mẫu mã không bắt mắt, khi mang đi tiêu thụ thường bị đánh đồng với rau khác. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng bị mất giá, trong khi đầu tư cho sản xuất rau an toàn cao hơn rau thường khoảng 1,5 lần”.

Theo đánh giá chung, khó khăn nhất của người trồng rau hiện nay là thị trường tiêu thụ rau an toàn chưa ổn định, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Theo thống kê, chỉ có khoảng 20% sản lượng rau an toàn được các DN, siêu thị hợp đồng thu mua, số còn lại được bán cho các chủ vựa, tiểu thương chợ đầu mối đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh hoặc nông dân tự tiêu thụ. Số lượng HTX sản xuất rau, đặc biệt là số cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP còn quá ít so với diện tích sản xuất rau hiện có. Bên cạnh đó, tỉnh chưa có quy hoạch và hình thành mạng lưới vận chuyển, xử lý, phân loại, đóng gói, tiêu thụ và tiếp thị mở rộng thị trường. Việc tiếp cận chính sách, nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất của các HTX còn nhiều khó khăn.

Là địa phương có diện tích rau lớn nhất tỉnh nhưng huyện Cần Giuộc đang gặp nhiều vướng mắc trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Hiện huyện có khoảng 1.200ha rau, trong đó có khoảng 200ha rau an toàn nhưng chỉ khoảng 20% rau an toàn được bao tiêu, có đầu ra ổn định, số còn lại vẫn phải bán cho các thương lái như các loại rau thông thường khác. Việc không có đầu ra khiến nông dân không còn mặn mà với sản xuất rau sạch, dẫn đến khó khăn trong quá trình phát triển diện tích rau an toàn.

Ông Nguyễn Tấn Cường - thành viên HTX Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc), chia sẻ: “Với 2.000m2 đất, gia đình chủ yếu trồng các loại rau ăn lá như cải, quế, húng cây,… theo hướng an toàn nhưng khi bán cũng bằng với giá rau thường, thậm chí khó bán hơn do rau không được bắt mắt. Vấn đề đầu ra đang khiến cho nông dân gặp khó. Hiện nhiều nông dân muốn chuyển đổi sản xuất nhưng lo không có đầu ra nên cũng ngại đầu tư”.

Việc rau an toàn trở nên “yếu thế” hơn so với các loại rau thường một phần do khâu quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm ở các chợ thiếu chặt chẽ, khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là rau an toàn, đâu là rau thường. Công tác tuyên truyền về các thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng chưa được chú trọng đúng mức. Mặc dù muốn lựa chọn, sử dụng sản phẩm rau an toàn nhưng chính người tiêu dùng cũng chưa trang bị kiến thức cho bản thân làm thế nào nhận diện được rau an toàn và rau không an toàn. Người tiêu dùng vẫn còn tâm lý muốn mua rau đẹp, xanh mướt, giá rẻ nên dễ bị nhầm lẫn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết: “Để tháo gỡ bài toán đầu ra cho rau an toàn, rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc tìm kiếm DN tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục khuyến khích các DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nhằm liên kết với nông dân sản xuất rau an toàn; đồng thời, phối hợp các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu rau an toàn của huyện để đáp ứng nhu cầu và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tích cực phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng để tiến hành kiểm định chất lượng sản phẩm thường xuyên, tạo niềm tin cho người tiêu dùng”./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích