Tiếng Việt | English

07/05/2016 - 13:33

Rùng mình cảnh người lớn xúi con nít nốc bia rượu

Một video clip quay cảnh hai em nhỏ ở Bình Phước bị người lớn ép thi uống bia đã thu hút hàng ngàn lượt xem và gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng.

 

Người đàn ông áo xanh (giữa) liên tục ép hai đứa trẻ uống liên tục các cốc bia - Ảnh cắt từ clip.

​Xúi con nít uống rượu bia, hút thuốc để chứng tỏ sự trưởng thành là hiện tượng có thật lâu nay mà nhiều người không biết mình đang khiến trẻ con nghiện chất kích thích nhanh hơn...

Thách đố nhau uống bia thì được lợi gì?

Nhiều bạn đọc bức xúc đặt câu hỏi: “Người lớn nghĩ gì khi không ngăn cản mà còn động viên và ra sức ủng hộ chuyện thách đố trẻ con uống bia?”.

Chị Hoàng Thu ở Châu Thành, Tiền Giang ngán ngẩm: “Cứ mỗi đợt nghỉ lễ về quê rất ngại dắt con vào các buổi tiệc tùng. Nghĩ con trai lớn là phải biết uống nên cứ hết bác hai lại sang chú bảy, người mời một ly là tụi nhỏ xỉn quắc cần câu”.

Em T.V. ở Đồng Tháp chia sẻ: “Nhiều cô chú cứ bắt em phải uống rượu, rồi còn so sánh “đô” của em với các anh chị em trong dòng họ. Nhiều người còn chọc là không biết uống rượu thì sau này sao lấy vợ?…”.

Anh Tuấn Dũng ở Bến Tre cho hay nhiều lần về quê, anh như “té ngửa” khi thấy mấy đứa cháu chỉ tầm 10 tuổi mà “nhậu phơi phới”. Dọn bàn người lớn xong thì phải có một bàn trẻ con kế bên.

Anh Dũng nói: “Nhiều anh chị trong nhà còn khoe con trai mình năm nay đã biết uống, biết hút. Vài người khác thì vô tư đút cho con nhỏ tí rượu rồi cười toe vì mừng tụi nhỏ đã biết mùi rượu bia với anh em”.

Nhanh nghiện hơn

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương - trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp (BV Nguyễn Tri Phương, giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) - cho biết tương tự ma túy, rượu bia là chất có khả năng gây nghiện nên càng tiếp xúc sớm càng dễ bị nghiện.

Ở người lớn, việc sử dụng rượu bia quá mức có thể gây nhiều nguy cơ về bệnh huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, viêm gan, viêm tụy,…

Ngưỡng chịu đựng của trẻ em thấp hơn rất nhiều so với người lớn vì cơ thể chưa phát triển toàn diện, gan thải lọc chưa tốt nên việc dùng rượu bia có thể ảnh hưởng hệ nội tiết, rối loạn quá trình dậy thì,…

“Chỉ mới 10 tuổi mà cứ uống bia rượu hoặc được người khác đốc thúc thì riết thành quen, khả năng nghiện cao hơn” - ông Phương nhấn mạnh.

Theo BS Phương, không riêng gì trẻ em, ngay cả người lớn khi uống ồ ạt bia rượu mà dạ dày trống rỗng thì sự hấp thu nồng độ cồn sẽ diễn ra rất cao, gây ngộ độc cấp tính, ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương, làm mất ý thức, rối loạn nhịp tim…

Chưa kể các loại rượu không đảm bảo chất lượng còn có thể làm người sử dụng bị ngộ độc methanol, gây tử vong nhanh chóng.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng một số phụ huynh thường nghĩ con mình cần phải thể hiện sự mạnh mẽ, sự trưởng thành và thông thường họ xem biểu hiện cho việc đó là các em có thể sử dụng bia rượu nơi bàn tiệc.

Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng chất kích thích như rượu bia từ rất sớm thì tỉ lệ gây nghiện sẽ cao hơn 1,5 - 2,5 lần so với người ở tuổi trưởng thành mới sử dụng.

Khi trẻ sử dụng chất kích thích từ sớm và nhận được sự ủng hộ dù vô tình hay cố ý từ người lớn, trẻ dễ ảo tưởng về sức mạnh của mình, nghĩ mình đã đủ trưởng thành nên có thể dẫn tới những hành vi cư xử không phù hợp.

TS Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho rằng các phụ huynh đừng nên gieo rắc vào đầu con cái những hành vi không tốt nhằm khẳng định bản thân, để rồi con trẻ sẽ ngộ nhận đó như là những hành vi tốt, được mọi người ủng hộ và vì thế các em sẽ ra sức thực hiện các hành vi ấy.

“Mầm mống lạm dụng rượu bia và chất kích thích sẽ lớn dần từ đó. Chưa kể sau này khi lớn lên, các em vẫn dùng tư duy, quan điểm ấy để áp dụng vào các quan hệ xã hội khác thì rất nguy hiểm”, ông Quân cho hay.


Bạn trẻ uống bia trong khu vực làng đại học Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Quy định của pháp luật chưa hiệu quả

TS luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể trong một luật duy nhất về độ tuổi người được sử dụng rượu bia mà được quy định gián tiếp, nằm ở nhiều văn bản quy định pháp luật khác nhau như theo Khoản 12 Điều 22 nghị định số 94 ngày 12-11-2012 cấm hành vi bán rượu cho người dưới 18 tuổi.

Trong khi đó, khoản 3 Điều 7 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định về việc nghiêm cấm hành vi bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe. Điều 1 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định khái niệm trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi.

Đối với thuốc lá, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 đã có sự quy định về độ tuổi được sử dụng thuốc lá tại Khoản 4 Điều 9. Theo đó, nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá.

Ông Trạch cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ về quy định pháp luật, áp dụng pháp luật vào thực tiễn và phong tục, tập quán thì các quy định được đưa ra mới phát huy hết tác dụng.

“Tại Việt Nam, phần lớn người dân đều xem rượu, bia, thuốc lá là một phần không thể thiếu trong các cuộc gặp mặt, cuộc vui và trong văn hóa tiếp khách. Những người trưởng thành là những người có sự nhận thức rõ ràng về hậu quả của việc sử dụng rượu bia.

Trẻ em thường chưa có sự nhận thức về các vấn đề xung quanh, có xu hướng làm theo những gì người trưởng thành thực hiện. Với tư cách là người trưởng thành, chúng ta cần phải là những tấm gương sáng, tránh vì cuộc vui, sự cổ súy của mọi người xung quanh mà kéo trẻ em tham gia vào, gây ảnh hưởng đến trẻ em”./.

Theo Tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích