Tiếng Việt | English

05/11/2015 - 10:22

Rùng mình qua cầu không giấy phép xây dựng

Năm 2011, cầu Chùa Nổi bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An được khởi công xây dựng và sau gần 4 năm đưa vào sử dụng cầu bắt đầu có những dấu hiệu xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đáng nói hơn, cũng chừng ấy năm đến nay, cơ quan chức năng mới phát hiện cây cầu này được thi công hoàn toàn không có giấy phép xây dựng.


Phần kết nối dây văng được làm rất sơ sài, cốt sắt trơ ra không đảm bảo an toàn

Mỗi dịp lễ là một lần “mất ăn, mất ngủ”

Mặc dù được thiết kế với cấu trúc dây văng hiện đại nhưng sau hơn 4 năm đưa vào sử dụng cây cầu đã bắt đầu xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Theo Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình - Tô Văn Đẹp, cây cầu được nhà chùa vận động người dân cùng các mạnh thường quân xây dựng. Trong suốt quá trình xây dựng đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, xã không quản lý. Trước đó, huyện có đề nghị xã đứng ra quản lý nhưng do không có kinh phí nên nhiều lần xã đã từ chối và có văn bản báo cáo cụ thể. Sau nhiều lần đề nghị, mới đây, địa phương đứng ra nhận quản lý, nhưng chỉ trên phương diện theo dõi và báo cáo.

“Cứ mỗi dịp rằm, bên chùa có lễ là phật tử và khách thập phương về rất nhiều, trung bình trên 10.000 lượt người. Những lúc đó, địa phương lại phải huy động toàn bộ lực lượng công an và dân phòng đứng ra chốt chặn 2 bên đầu cầu để điều tiết giao thông, hạn chế lượt người cùng qua cầu”, Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình - Tô Văn Đẹp cho biết.

Mới đây, cây cầu đã có dấu hiệu xuống cấp như nghiêng nhẹ buộc phải duy tu bảo dưỡng. Và gần nhất, UBND huyện Vĩnh Hưng đã phải bỏ kinh phí hàng chục triệu đồng để căng lại hệ thống dây văng và gia cố phần mố cầu.

Không giấy phép vẫn thi công

Cầu treo Chùa Nổi là một trong những cây cầu treo dài nhất trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 1,3 tỉ đồng, có chiều dài 168m, rộng 2m nối liền 2 ấp Cả Bản và ấp Rạch Mây, xã Tuyên Bình do Cty TNHH TM-DV-VT-XD Thiện Tâm có trụ sở tại TP.HCM thi công, đơn vị lập hồ sơ thiết kế Cty Cổ phần TVKTXD CK-KD Địa ốc Đại Kiến Nam.

Số tiền trên 1,3 tỉ đồng đều do Ban hộ tự chùa vận động người dân trong vùng và các mạnh thường quân đóng góp. “Lúc ấy, Cty Thiện Tâm chuyên xây dựng cầu từ thiện tại các tỉnh miền Tây đề nghị nhà chùa vận động quyên góp xây dựng cầu để tạo điều kiện cho người dân trong vùng và khách thập phương, phật tử về lễ chùa. Cty hứa xây dựng trước, theo hướng từ thiện nên tôi nhận lời và đứng ra quyên góp. Toàn bộ phần thiết kế, thi công tôi cũng nhờ Cty thực hiện” - Đại đức Thích An Phát, Trưởng Ban hộ tự chùa cho biết.

Trong quá trình xây dựng cầu, Đại đức đã đi khắp các cơ quan để xin giấy phép xây dựng. “Trong quá trình xây dựng công trình cũng có vài lần được cơ quan chức năng xuống kiểm tra có khi bị đình chỉ, xong mọi việc vẫn diễn ra, cây cầu này hoàn toàn có đầy đủ giấy phép” - ông khẳng định.


Dù không có giấy phép nhưng cây cầu vẫn được thi công và đưa vào sử dụng

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, từ trước đến nay, cây cầu này hoàn toàn không có giấy phép. Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Chỉnh cho biết: “Sau khi xảy ra các sự cố liên quan đến cầu dây văng bắc qua kênh 28 thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, sở đã kiểm tra lại tất cả các cây cầu có cùng kiến trúc, trong đó, có cầu treo Chùa Nổi. Sở rất bất ngờ khi công trình này hoàn toàn không có giấy phép. Trước đó, UBND tỉnh chỉ đồng ý cho chủ trương xây cầu nhưng phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuât. Sau đó, đơn vị có trình bản vẽ thiết kế nhưng qua kiểm tra thấy không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật nên không thẩm định và trả hồ sơ”.

Mặc dù không được cấp phép, nhưng không hiểu sao công trình này vẫn được xây dựng, bất chấp mức độ về an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông?

Ăn bớt 12 cọc chống va

Mặc dù thiết kế cây cầu không được các cơ quan chức năng chấp thuận song cây cầu vẫn được xây dựng và đưa vào sử dụng. Thiết kế không bảo đảm yêu cầu, vậy mà đơn vị thi công còn “ăn bớt” 4 trụ chống va tương đương với 12 cây cọc và “cuốn gói” đến nay không một lần trở lại.

Trưởng Ban hộ tự Chùa Nổi - Đại đức Thích An Phát cho biết, ban đầu phía đơn vị thi công báo giá “thiện tâm” để xây cầu với kinh phí chỉ 800 triệu đồng nhưng trong quá trình thi công đơn vị thi công đã đẩy số vốn thi công lên trên 1,3 tỉ đồng. “Thế mà họ lại làm không đúng như hợp đồng ban đầu. Cầu có chiều rộng 2m nhưng nhiều thanh sắt ngang bị hụt đến 2 tấc, buộc phải gia cố, phần vỉ sắt thiết kế loại sắt V7 nhưng có chỗ đơn vị thi công lại dùng loại sắt V6”.

Cũng theo Đại đức Thích An Phát, trong thiết kế cầu còn có 4 trụ chống va, mỗi trụ 3 cọc bêtông để bảo vệ chân cầu nhưng sau khi nhận toàn bộ số tiền xây cầu, đơn vị thi công không làm phần này. Sau đó, nhà chùa nhiều lần liên lạc nhưng không được".

Khi được hỏi trách nhiệm trong quản lý ở địa phương thì cả chính quyền cấp xã và huyện đều không biết trong suốt quá trình thi công, cây cầu này không có giấy phép.

Ngày 4-11, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Chỉnh cho biết, sở vừa yêu cầu chính quyền địa phương xã Tuyên Bình tiến hành rào chắn, cấm lưu thông đối với cầu dây văng Chùa Nổi để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, sở sẽ bàn bạc với chính quyền địa phương để tìm biện pháp gia cố đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua cầu”.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết
  • Cầu dân tự xây, không có giấy phép nhưng vẫn chưa thấy bị gì. Còn một số cầu xây dựng có giấy phép đầy đủ. Chưa xong đã sập (báo chí đăng mấy lần) hoặc đưa vào sử dụng thì sập (vụ chết mấy người ngoài Trung). Lý do tại sao?

    vominhman - Cách đây 8 năm