Tiếng Việt | English

04/02/2021 - 09:20

Sẵn sàng mọi phương án nguồn cung hàng hóa phục vụ tết và ứng phó dịch bệnh

Sở Công Thương tỉnh Long An vừa yêu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo đảm đủ nguồn cung, ổn định giá các mặt hàng thiết yếu giúp người dân an tâm trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Gạo các loại tại Công ty Lương thực Long An khá đầy đủ

Gạo các loại tại Công ty Lương thực Long An khá đầy đủ

Nguồn cung không thiếu

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, UBND tỉnh, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở làm việc, yêu cầu các chuỗi siêu thị lớn, các cửa hàng tiện ích, doanh nghiệp (DN) kinh doanh cung ứng hàng hóa tăng cường các biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại các địa phương để ứng phó, phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường, chỉ đạo, phối hợp DN triển khai các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ tết; vận động DN tham gia bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, nhất là khi trên địa bàn xảy ra dịch bệnh, thực hiện cách ly.

Thời điểm này, hầu hết DN cung ứng, bán lẻ trên địa bàn tỉnh đều dự trữ lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Một trong những mặt hàng người dân mua nhiều thời điểm này là gạo. Theo Phó Giám đốc Công ty (Cty) Lương thực Long An - Nguyễn Minh Việt, để chuẩn bị cho mùa tết, Cty đã chủ động sản xuất, cung ứng, cân đối nguồn hàng bình ổn thị trường. Tổng lượng hàng hóa tồn kho hiện gần 13.500 tấn (quy gạo). Các kho của Cty nằm trên địa bàn các huyện: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng và TP.Tân An. Sau khi cân đối các hợp đồng xuất khẩu đã ký, lượng tiêu thụ nội địa cũng sẵn sàng cung cấp gạo bình ổn thị trường dịp tết, ứng phó dịch bệnh cho người dân khi có nhu cầu.

Hiện tại, Cty gấp rút triển khai sản xuất, đóng gói, cung ứng, dự trữ gạo các loại với nhiều trọng lượng từ 5-50kg. Cty hiện có cửa hàng bán lẻ tại phường 5, TP.Tân An và có thể giao hàng tận nhà cho khách hàng từ 20kg trở lên. Cty cũng chuẩn bị sẵn một số xe tải nhỏ phục vụ vận chuyển gạo trong các trường hợp khẩn cấp.

Giám đốc Cty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa - Nguyễn Văn Bé Hai cho biết, hiện tại, Cty là khách hàng thân thiết của 6 nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu, chuyên cung cấp cho thị xã Kiến Tường, huyện Mộc Hóa và Tân Hưng. Hiện tổng giá trị các mặt hàng đang lưu kho, dự trữ khoảng 18 tỉ đồng. Cty dự kiến nghỉ tết trong vòng 1 tuần nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cty sẵn sàng mở cửa kho sớm hơn, kể cả các ngày nghỉ để phục vụ hàng hóa, chuyên chở đến các nơi cần, thiếu hụt. Các mặt hàng thế mạnh của Cty gồm mì gói, dầu ăn, nước chấm, nước giải khát, sữa, dầu ăn,
xăng dầu,...

Nguồn thực phẩm cung ứng cho người dân dịp tết luôn được bảo đảm

Nguồn thực phẩm cung ứng cho người dân dịp tết luôn được bảo đảm

Ngoài các DN kể trên, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều DN tham gia cung ứng hàng hóa thông qua hình thức bán lẻ tại các cửa hàng tiện ích. Điển hình như Bách Hóa Xanh có 82 cửa hàng trải đều khắp các địa phương trong tỉnh. Đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh chia sẻ, hiện đơn vị này trữ hàng tại khu vực Long An tăng khoảng 30% so tết năm 2020. Thế mạnh của đơn vị là hàng khô, hàng đóng gói và rau, củ, quả tươi. Theo dự kiến, hệ thống cửa hàng sẽ nghỉ tết vào 30 tháng Chạp và mở cửa vào mùng 6 tháng Giêng. Nhưng để ứng phó với diễn biến dịch bệnh và cung ứng hàng hóa kịp thời phục vụ phòng, chống dịch bệnh, đơn vị này cam kết địa phương nào có nhu cầu cao về hàng hóa, thậm chí có xảy ra cách ly thì sẵn sàng mở cửa sớm hơn kế hoạch để phục vụ, thậm chí luân chuyển, điều phối hàng hóa từ nơi khác đến.

Người dân an tâm

Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Nguyễn Văn Quân cho biết, thuận lợi của huyện trong cung ứng hàng hóa ứng phó dịch bệnh là vừa đưa vào hoạt động chợ mới, tiểu thương đã di dời vào bán khoảng 70% diện tích mặt bằng. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 2 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 1 cửa hàng San Hà, 1 lò giết mổ gia súc và nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ khác. Những điểm này sẽ đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết cũng như phòng, chống dịch bệnh.

Bến Lức là địa bàn đông dân cư, tập trung nhiều dân nhập cư. Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út chia sẻ, hiện nay, các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích hoạt động khá ổn định. Theo kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, các điểm cách ly tập trung hoạt động khá nền nếp nhưng đợt dịch này diễn biến phức tạp hơn, cần lên phương án cho các tình huống cách ly cả một khu vực rộng. Ở những tình huống này, lãnh đạo huyện mong muốn DN nhanh chóng vào cuộc, cung ứng hàng hóa đầy đủ cho người dân an tâm. Các mặt hàng cần thiết cho các tình huống cách ly là gạo, rau xanh, củ, quả, thịt, trứng, xăng dầu,…

Để chuẩn bị cho vụ mùa tết, nông dân trên địa bàn huyện Cần Giuộc xuống giống hơn 1.700ha rau màu. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Ngô Bảo Quốc, hiện người dân tận dụng nhiều diện tích vườn, chân ruộng trồng nhiều loại rau. Phần lớn diện tích rau đều được nông dân ứng dụng công nghệ cao như trồng trong nhà lưới, sử dụng hệ thống phun tự động, tưới thấm, tưới nhỏ giọt,... nên cho hiệu quả cao, kể cả thời điểm thời tiết không thuận lợi. Vì vậy, diện tích rau tại Cần Giuộc sẽ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong dịp tết. Ngoài ra, trên địa bàn Cần Đước, Thủ Thừa, Đức Hòa, TP.Tân An,... nông dân cũng xuống giống nhiều loại rau màu khác. Vì vậy, nguồn cung rau xanh, củ, quả các loại không thiếu. 

Nếu như ở những thời điểm trước, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế trở nên khan hiếm, đắt giá thì thời điểm hiện tại, nguồn cung dồi dào. Chị Nguyễn Trúc Liên, nhà ở phường 6, TP.Tân An, cho biết vừa mua 2 hộp khẩu trang y tế loại 4 lớp tại nhà thuốc trên địa bàn phường 2 với giá 59.000 đồng/hộp. Giá bán khẩu trang hợp lý, nguồn cung không thiếu nên người dân an tâm mua sắm, ứng phó dịch bệnh.

Cửa hàng San Hà bảo đảm đủ nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân

Cửa hàng San Hà bảo đảm đủ nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân

Một tin vui khác trong thời điểm hiện nay là Cty TNHH Dệt may Trung Quy (Khu công nghiệp Hải Sơn, Đức Hòa) vừa khánh thành, hoàn tất quy trình tổng thể của nhà máy với năng lực sản xuất lên đến 2 triệu mét vải/năm. Tổng Giám đốc Cty TNHH Dệt may Trung Quy - Trần Văn Quy cho biết, dịch Covid-19 xảy ra, Cty là một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn cũng như xuất khẩu sang thị trường thế giới. Giá khẩu trang rất cạnh tranh, bình quân từ 5.000-9.000 đồng/chiếc, tiết kiệm cho người dùng vì có thể giặt, tái sử dụng nhiều lần.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ nhận định, hầu hết DN đã sẵn sàng mọi phương án cho nguồn cung hàng hóa phục vụ tết và ứng phó dịch bệnh. Để chuẩn bị chu đáo hơn trong mọi tình huống, Sở yêu cầu DN đẩy mạnh việc đàm phán với các DN sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch bệnh (như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn,...) để đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý. Đồng thời, DN bán lẻ cần phân công nhân viên trực trong những ngày nghỉ tết, khi có tình huống khẩn cấp cần cung ứng hàng hóa thì phối hợp kịp thời với các ngành, địa phương cung ứng hàng hóa đến các khu cách ly, không để thiếu hàng, gây rối loạn thị trường./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết