Tiếng Việt | English

10/07/2017 - 19:26

Sản xuất liên vụ, nhiều nông dân thua lỗ

Nông dân “xé rào” sản xuất liên vụ, không gieo sạ theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Việc sản xuất liên tục làm “cầu nối” cho sâu, bệnh gây hại.

Năng suất giảm

Những năm gần đây, vùng Đồng Tháp Mười, nước lũ về ở mức thấp, một số diện tích đất sản xuất lúa ở vùng cao, vùng có đê bao khép kín, nông dân tổ chức sản xuất liên vụ, không bảo đảm thời gian cách ly và không tuân thủ theo lịch thời vụ là nguyên nhân chính để sâu, bệnh gây hại dẫn đến năng suất thấp, nông dân thua lỗ.

Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu, nông dân tiếp tục vệ sinh đồng ruộng, xuống giống vụ mùa

Vừa thu hoạch xong hơn 3ha lúa Hè Thu, anh Lê Hữu Phước, nông dân ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An lại tất bật vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Anh Phước cho biết, do thời tiết diễn biến bất thường, sâu, bệnh xuất hiện gây hại nhiều nên ảnh hưởng đến năng suất, bình quân trong vụ này, mỗi hécta chỉ được hơn 3 tấn, bán với giá 4.700kg, sau khi trừ chi phí, anh lỗ hơn 3 triệu đồng/ha và đây là năm thứ 4, anh chuyển sản xuất từ 2 vụ sang 3 vụ/năm.

Không chỉ những ở vùng gò, cao, nước lũ không ngập đến mà cả những vùng có hệ thống đê bao khép kín, nông dân cũng chủ động sản xuất liên vụ. Khu đê bao Trấp Vòng Nguyệt có tổng diện tích gần 700ha trên địa bàn xã Vĩnh Châu B, Vĩnh Thạnh và thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, nông dân bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chỉ trong 2 năm, sản xuất đến 7 vụ. Từ đó, dẫn đến sâu, bệnh gây hại nặng làm năng suất giảm đáng kể. Đến nay, nông dân trong khu vực đê bao cơ bản thu hoạch dứt điểm vụ lúa Hè Thu, năng suất cao nhất cũng chỉ đạt gần 5 tấn/ ha, đa số chỉ đạt từ 2-3 tấn/ha.

Ông Huỳnh Văn Hận, một trong những hộ dân sản xuất trong khu vực đê bao này cho biết, 2 năm qua, gia đình ông sản xuất đến 7 vụ , với 3,5ha trong vụ này, ông thu hoạch chỉ được 10 tấn nếp bàn với giá 5.000 đồng/kg, lỗ gần 15 triệu đồng. Còn anh Phan Văn Gắng, thuê hơn 10ha sản xuất lúa cũng trong khu vực này, thu hoạch tổng cộng chỉ được 22 tấn, trừ các khoản chi phí, anh lỗ vốn 125 triệu đồng.

Không tuân thủ lịch gieo sạ

Theo người dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sâu, bệnh gây hại là do nhiều năm nay, lũ nhỏ, lượng phù sa ít, sâu, rầy có điều kiện phát triển. Thêm vào đó, dân trong những vùng gò cao, vùng đê bao khép kín, thấy nước lũ không về nên tranh thủ gieo sạ sớm. Những diện tích này khi thu hoạch cũng là lúc những cánh đồng khác vừa xuống giống. Chính điều đó làm sâu, rầy di trú từ đồng này sang đồng khác gây hại.

Bất chấp khuyến cáo nông dân gieo sạ liên vụ đây là cầu nối sâu bệnh gây hại nhiều

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Trần Tấn Tài cho biết: Mặc dù ngành chuyên môn huyện thường xuyên tuyên truyền lịch gieo sạ vào đầu vụ nhưng nhiều hộ nông dân bất chấp khuyến cáo, không gieo sạ theo lịch thời vụ. Việc nông dân “xé rào” sản xuất nhiều vụ/năm không những làm đất bạc màu mà còn là “cầu nối” sâu, bệnh gây hại, nhất là muỗi hành và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá bùng phát trở lại trong những vụ mùa gần đây.

Theo Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Tân Hưng - Nguyễn Ngọc Thạch, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện Tân Hưng thu hoạch lúa vụ Hè Thu năm 2017 được trên 12.000ha thì trong số này, nông dân lại tiếp tục xuống giống lúa vụ 3 với diện tích hơn 8.000ha. “Vụ lúa Hè Thu 2017, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xuất hiện trở lại với diện tích gần 250ha, trong đó, 82ha nhiễm 5-10%, 120ha nhiễm 10-20%, 37,7ha nhiễm trên 40% và có 22ha phải hủy bỏ gieo sạ lại” - ông Thạch cho biết thêm.

Trước thực trạng trên, chính quyền và các ban, ngành ở địa phương cần kiên quyết chỉ đạo, khuyến cáo người dân gieo sạ theo lịch thời vụ để né rầy và bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa, hạn chế sâu, bệnh gây hại; bên cạnh đó, cần có quy hoạch vùng sản xuất cụ thể./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích