Tiếng Việt | English

03/06/2020 - 16:51

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - hướng đi đúng

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) hướng đến nông nghiệp sạch là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Xác định mục tiêu trên, thời gian qua, tỉnh có nhiều mô hình ƯDCNC được nhân rộng nhằm thay đổi tập quán sản xuất của người dân, giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận.

Hiệu quả ứng dụng công nghệ cao

Từ khi triển khai đề án đến nay, toàn tỉnh có trên 18.300ha lúa ƯDCNC, trong đó, 100% diện tích sử dụng giống chất lượng cao; hơn 1.878ha rau ƯDCNC, năng suất tăng 5-20%, lợi nhuận cao hơn từ 2-5 triệu đồng/1.000m2 so với cách trồng theo phương pháp truyền thống; hơn 2.077ha thanh long ƯDCNC kết hợp hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng) - Nguyễn Thị Diệu Ngân cho biết: “Mỗi vụ, HTX sản xuất trên 100ha lúa theo mô hình ƯDCNC, trong đó có 10ha sản xuất theo quy trình VietGAP và hướng hữu cơ với các giống lúa: ST24, Nàng Hoa 9, lúa đỏ và lúa tím. Vụ Đông Xuân 2019-2020, sau khi thu hoạch, so với sản xuất truyền thống, sản xuất theo mô hình mang lại hiệu quả cao hơn về kinh tế và tạo ra lúa, gạo sạch”.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - hướng đi đúng đắn

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, thực hiện mô hình sản xuất lúa ƯDCNC cho năng suất trung bình cao hơn 200-300kg/ha nhưng chi phí lại thấp hơn từ 1-1,5 triệu đồng/ha, do đó lợi nhuận trung bình cao hơn trên 2 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Ngoài ra, nhiều mô hình sản xuất lúa hữu cơ, chỉ sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, không sử dụng phân, thuốc hóa học, đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật, sản phẩm đạt tiêu chí lúa sạch, giảm được 40-50% lượng phân đạm,… Anh Lê Phước Đoàn - thành viên HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận, chia sẻ: “Khi tham gia HTX, các khâu sản xuất đều được cơ giới hóa. Nông dân an tâm về đầu ra của nông sản do được ký hợp đồng trực tiếp với công ty thu mua với giá cao hơn thị trường. Bên cạnh đó, giống, vật tư nông nghiệp được HTX liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ đến cuối vụ. Lợi nhuận tăng trên 4 triệu đồng/ha/vụ”. Ngoài ra, thực hiện trình diễn sử dụng “Máy bay thông minh siêu nhẹ trong phun thuốc quản lý dịch hại trên cây trồng” được người dân đồng tình ủng hộ. Thông qua các mô hình, nhiều nông dân tự áp dụng máy cấy trong sản xuất, bón lót hữu cơ, chế phẩm sinh học,... với diện tích trên 7.850ha.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng thanh long nhưng từ khi ƯDCNC vào sản xuất, ông Nguyễn Văn Trung, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, ngỡ ngàng trước hiệu quả vượt trội. Ông Trung bộc bạch: “Sản xuất thanh long ƯDCNC kết hợp quy trình VietGAP, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân sinh học, bẫy côn trùng, máy băm dây thanh long, tưới nước tiết kiệm,... giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động, tiết kiệm điện, lượng nước sử dụng, tăng hiệu quả,... Ngoài ra, nhờ ƯDCNC vào sản xuất, trái to hơn, năng suất cao hơn và thanh long đạt tiêu chuẩn, có thể xuất khẩu với giá rất tốt sang thị trường Mỹ, châu Âu và các thị trường khó tính khác”.

Hiện nay, việc triển khai ƯDCNC trên cây thanh long được người dân trên địa bàn tỉnh đồng tình ủng hộ và tự nhân rộng trên 1.370ha. Ngoài ra, một số cây trồng khác cũng được nông dân ƯDCNC như cây chanh. HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư công nghệ mới trong trồng và chăm sóc cây chanh. Mặc dù những tháng đầu năm nay, thời tiết bất thường, hạn, mặn xâm nhập sớm nhưng vườn chanh 50ha của HTX vẫn xanh tốt và ra trái nhiều. 

Hướng đi đúng 

Qua các mô hình đã thực hiện, người dân dần thay đổi tập quán canh tác, chú trọng sử dụng phân hữu cơ, xây dựng hệ thống tưới tự động, thuốc trừ sâu sinh học, sử dụng nhà màng, nhà lưới, sản phẩm làm ra đạt chất lượng hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Nông nghiệp ƯDCNC được xem là hướng đi đúng đắn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xu thế tất yếu để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất trong thời đại khoa học - kỹ thuật tiên tiến đòi hỏi phải ứng dụng các công nghệ mới phục vụ sản xuất. Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần cải thiện đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới”. Cũng theo ông Truyền, thời gian gần đây, thị trường tiêu thụ nông sản có nhiều biến động và dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng, làm giảm giá một số cây trồng sau tết, nông dân thu hoạch sản phẩm trong khoảng thời gian này không có lãi. Biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn sớm gây thiếu nước ngọt phục vụ cây trồng vụ Đông Xuân 2019-2020 ở các huyện vùng hạ. Vì vậy, thời gian tới, ngành tiếp tục tính toán, tái cơ cấu sản xuất theo hướng chiến lược lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường xúc tiến thương mại đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

“Ngoài ra, việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cũng là những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp” - ông Truyền nói thêm./.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem là hướng đi đúng đắn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xu thế tất yếu để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất trong thời đại khoa học - kỹ thuật tiên tiến đòi hỏi phải ứng dụng các công nghệ mới phục vụ sản xuất. Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần cải thiện đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết