Tiếng Việt | English

05/01/2022 - 12:10

Sản xuất phân bón hữu cơ từ vỏ cừ tràm

Với sự nhạy bén trong kinh doanh, ông Võ Văn Bảy (ấp 1A, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã biến vỏ cừ tràm thành phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng. Sản phẩm này vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường, vừa giúp nông dân có được nguồn phân bón chất lượng, giá rẻ.

Khu sản xuất phân bón bằng vỏ cừ tràm của ông Võ Văn Bảy

Khu sản xuất phân bón bằng vỏ cừ tràm của ông Võ Văn Bảy

Nói về cơ duyên đến với phân bón hữu cơ từ vỏ cừ tràm, ông Bảy cho biết, ông xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, có đến 10 anh em, do hoàn cảnh, học hết cấp 2, ông phải nghỉ học, làm đủ nghề để mưu sinh, sau đó quyết định chọn nghề cơ khí để phát triển. Với sự mày mò, ham học hỏi, ông chế tạo máy gắp rác đa chức năng. Nhờ vào sáng kiến này, ông được một công ty sản xuất ván MDF từ nguyên liệu gỗ tràm ở địa phương ký hợp đồng xử lý vỏ tràm sau sản xuất. Và trong một lần tình cờ đến thăm Khu Nông nghiệp Công nghệ cao tại TP.HCM, ông được một nhóm sinh viên giới thiệu về sản phẩm phân bón từ lá tràm. Sau khi đem về bón thử cho vườn thanh long, thấy hiệu quả, với hàng chục tấn vỏ cừ tràm phải xử lý hàng ngày, ông nảy ra ý định biến chúng thành phân bón hữu cơ.

Theo ông Bảy, việc sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải không mới, tuy nhiên, với việc lựa chọn vỏ cây cừ tràm làm nguyên liệu thì chưa ai làm. Trong quá trình sản xuất ván MDF từ gỗ tràm, vỏ tràm sẽ bị pha lẫn với dăm gỗ, thậm chí là kim loại nên rất khó xử lý. Trong khi đó, để tạo ra được phân bón chất lượng đòi hỏi nguyên liệu phải nhỏ, mịn, dễ thẩm thấu, giúp cây trồng hấp thụ nhanh. Tuy khó khăn là thế nhưng nhờ kinh nghiệm trong nghề cơ khí, ông tiếp tục mày mò nghiên cứu và cho ra đời băng chuyền và máy nghiền vỏ cừ tràm. Với sáng kiến này, chỉ qua 3 công đoạn sản xuất, từ 1 tấn vỏ cừ tràm pha lẫn nhiều tạp chất, trong vòng 30 phút xử lý đã trở thành một khối bột mịn để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình ủ phân bón, vừa tiết kiệm thời gian, công sức mà sản phẩm lại đạt yêu cầu đặt ra.

Sau khi xử lý được khâu xay vỏ, khó khăn khác được đặt ra bởi trong thành phần bột vỏ cừ tràm chứa nhiều axit và các chất gây hại cho cây trồng. Đây thực sự là một bài toán nan giải với ông. Tuy nhiên, với quyết tâm của mình, ông đã tìm đến các nhà khoa học để bày tỏ ý tưởng. Trong một lần tình cờ, ông gặp một vị thạc sĩ có kinh nghiệm tạo ra chế phẩm vi sinh chuyên dùng để ủ các loại rác thành phân bón hữu cơ. Nhờ ứng dụng chế phẩm này vào sản xuất, chỉ cần 30 ngày là ông đã ủ xong một mẻ phân bón 5 tấn thay vì phải mất 60 ngày nếu dùng các chế phẩm sinh học khác. Đặc biệt, bên cạnh mùn hữu cơ và hàm lượng đạm cao, các chất có trong vỏ cừ tràm còn được chuyển hóa thành hợp chất có lợi cho cây trồng.

Sau 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm, đầu năm 2021, ông Bảy chính thức đưa sản phẩm phân bón hữu cơ từ vỏ cừ tràm ra thị trường. Nhờ sản phẩm tốt, giá cạnh tranh, từ đó đến nay, công ty liên tục nhận được nhiều đơn đặt hàng, chủ yếu dùng để bón cho các loại cây ăn quả như chanh, bưởi, cam,... Hiện nay, công ty nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng vì giá rẻ, hiệu quả (1 tấn phân hữu cơ từ vỏ cừ tràm chỉ khoảng 2,7 triệu đồng). Nhờ lên men hữu cơ nên loại phân bón này giúp đất tơi xốp, cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao. “Thời gian tới, tôi sẽ đăng ký chất lượng, mẫu mã và nhãn hiệu cho sản phẩm. Hiện tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng nhưng sản xuất không kịp số lượng để cung ứng do mới đầu tư, vì vậy tôi sẽ tiếp tục cải tiến trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, giúp nông dân tiếp cận với phân bón hữu cơ giá rẻ, thân thiện với môi trường” - ông Bảy cho biết thêm./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích