Vì lợi nhuận trước mắt, hàng trăm hộ dân huyện Tân Hưng tự ý chuyển hàng ngàn hécta đất lúa sang đào ao nuôi cá tra giống, bất chấp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cảnh báo về mất cân đối cung - cầu, nguy cơ xảy ra dịch bệnh, ô nhiễm môi trường,...
Trước tình hình trên, UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương quản lý chặt chẽ việc nuôi, trồng thủy sản; rà soát lại quy hoạch nuôi, trồng thủy sản của tỉnh; làm việc với các địa phương để thống nhất khu vực nuôi, trồng phù hợp với nguồn tài nguyên đất, nước để việc nuôi cá tra giống đạt hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững và không gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính những trường hợp tùy tiện chuyển mục đích sử dụng đất, phá vỡ quy hoạch và định hướng phát triển lâu dài của địa phương.
Vì không nghe khuyến cáo của ngành chức năng, nhiều nông dân nuôi cá tra giống chịu thiệt hại.Hiện tại, khoảng 80% diện tích ao nuôi cá bị nhiễm bệnh, trong đó có nhiều diện tích mất trắng.Tình trạng này không những gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường sống vì người nuôi vứt cá chết ra môi trường.
Thiệt hại “kép” từ việc ồ ạt nuôi cá tra giống tiếp tục gióng lên hồi chuông về tình trạng sản xuất nông nghiệp tự phát. Nông dân thiếu kiến thức, kỹ thuật sản xuất, bất chất quy luật cung - cầu, ham lợi nhuận, không theo khuyến cáo của chính quyền và ngành chức năng nên bị thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đời sống.
Nông dân cần thực hiện theo những khuyến cáo của ngành chức năng, tìm hiểu kỹ thuật sản xuất, nắm bắt nhu cầu thị trường, liên kết trong sản xuất; không nên sản xuất theo phong trào. Ngành chức năng nên đồng hành, không để nông dân “tự bơi”, dễ gặp thiệt hại trong sản xuất./.
Kim Quy