Tiếng Việt | English

10/12/2015 - 09:01

Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Long An khóa VIII

Sản xuất và đời sống của người dân còn không ít khó khăn

Ngày 9-12-2015, kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa VIII bước sang ngày làm việc thứ 2, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại 4 tổ, tập trung đóng góp những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội,...

 
Đại biểu thảo luận tại tổ

Nông nghiệp phát triển thiếu bền vững

Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua, ngành nông nghiệp trong tỉnh phát triển chưa bền vững, đầu ra bấp bênh, thiếu tính ổn định. Thanh long, cây mía, khoai mỡ,... thường xuyên bị thương lái ép giá, lẩn quẩn với điệp khúc “được mùa - rớt giá”.

Theo đại biểu Lương Sơn Cầu, đơn vị huyện Tân Hưng, tỉnh đang đẩy mạnh sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn, tuy nhiên, hiệu quả chưa cao bởi thiếu liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông),... Do vậy, đề nghị tỉnh có giải pháp tăng cường hỗ trợ con giống, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, đẩy mạnh công tác khuyến nông, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Nhiều đại biểu cho rằng, chất lượng gạo của nước ta hiện nay không bằng gạo của nhiều nước trên thế giới bởi độ cám, ẩm nhiều,... cần có giải pháp xây dựng và lấy lại “thương hiệu” gạo trước đây. Đại biểu cũng đề nghị các ngành liên quan có biện pháp chủ động khắc phục khó khăn trong sản xuất nông nghiệp trước tình trạng lũ thấp, hạn hán, nguy cơ xâm nhập mặn như hiện nay, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2016 và bảo đảm đời sống dân sinh.

Nhiều dự án chậm triển khai

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại nhiều dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng còn dở dang, phức tạp, đặc biệt là các dự án thu hồi đất để phát triển KT-XH. Những dự án kéo dài nhiều năm chậm triển khai hoặc chưa triển khai thực hiện nhưng chính quyền địa phương chưa mạnh dạn nhận khuyết điểm về trách nhiệm của mình trước nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị thành lập đoàn đi cơ sở giám sát để có những giải pháp thực hiện dứt điểm vấn đề tái định cư (TĐC) cho người dân. Hiện nay, kết cấu hạ tầng một số khu TĐC ở các huyện phát triển công nghiệp chưa được hoàn chỉnh, thực hiện dở dang.
Chẳng hạn như khu TĐC Tân Tập, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, hiện cơ bản hoàn thiện đến 80-90% nhưng đường giao thông vẫn chưa hoàn chỉnh, nước chưa có, gây khó khăn cho cuộc sống người dân. Một số khu TĐC, người dân vào ở nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Liên quan đến vấn đề quy hoạch, cần rà soát lại tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp để không lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh - Nguyễn Ngọc Hạnh cho rằng, một số dự án trong cùng địa phương có giá đền bù không thống nhất, gây nên sự so bì giữa người dân. Nên đánh giá lại tình trạng việc làm của người dân trong vùng giải tỏa, cần xúc tiến đầu tư, giải phóng mặt bằng.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cần có những giải pháp căn cơ

Nhiều đại biểu đề nghị tỉnh có giải pháp căn cơ nhằm giải quyết vấn đề đời sống, việc làm và phải có cơ chế ràng buộc giữa chính quyền địa phương và nhà đầu tư để đời sống của người dân được tốt hơn, ổn định việc làm cho người TĐC bị thu hồi đất; các doanh nghiệp trên địa bàn huyện tạo điều kiện thu nhận người dân ở các khu TĐC tại địa bàn vào làm việc trong doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Trung Thu - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Long An cho rằng, vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cần phải thực hiện căn cơ, hiệu quả hơn. Cần có nhiều giải pháp của ngành chuyên môn giúp người dân có “cần câu” và hướng dẫn “cách câu” được con cá lớn,... Chúng ta không thể cứ dạy lý thuyết cách trồng lúa, bắp, nuôi bò,... kết quả mang lại không cao.

Ngoài ra, nhiều đại biểu còn quan tâm đến việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ.

Công nhân thiếu nơi vui chơi, giải trí

Đại diện cử tri Nguyễn Văn Quyên (huyện Tân Trụ) yêu cầu, các sở, ngành liên quan quan tâm hơn nữa chính sách cho công nhân: Chỗ ở, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội,... Việc xây dựng các khu công nghiệp nhất thiết gắn với quy hoạch đô thị, đặc biệt là xây dựng nhà ở, các công trình phúc lợi công cộng và hình thành các thiết chế văn hóa đi kèm, tạo điều kiện để công nhân an tâm làm việc. Qua đây, góp phần hạn chế tình trạng thiếu an ninh, trật tự, các loại tệ nạn xã hội, nhất là nạn ma túy, mại dâm rình rập, lôi kéo người lao động.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch - Phạm Văn Trấn kiến nghị, nên đổi tên Khu di tích lịch sử Võ Văn Tần thành Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa; kêu gọi xã hội hóa một số dự án để tháo gỡ khó khăn. Hiện nay, một số dự án chưa có vốn đầu tư như Khu di tích Bình Tả, huyện Đức Hòa; tập trung thưc hiện một số công trình dở dang như Khu tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ,... Cần phối hợp, chấn chỉnh tình trạng game bắn cá nhằm hạn chế tệ nạn xã hội. Vấn đề quản lý nhạc sống nên thuộc thẩm quyền Sở Tài nguyên va Môi trường thích hợp hơn Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch,...

Ngoài ra, các đại biểu còn quan tâm đến chất lượng giáo dục, tình trạng thiếu nước hợp vệ sinh, điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân, vấn đề hàng gian, hàng giả, nhất là đối với vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thực phẩm,.../.

H.Dũng-H.Bằng-T.Nga
 

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích