Tiếng Việt | English

06/07/2021 - 08:59

Sạt lở vẫn âm thầm diễn ra với chiều hướng phức tạp, khó lường

Từ đầu năm 2021 đến nay, sạt lở, sụp lún đất vẫn âm thầm tiếp diễn và có chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường, nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Thực trạng đó đòi hỏi các ngành chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực khắc phục các điểm sạt lở cũng như có những giải pháp lâu dài nhằm bảo đảm an toàn và ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Dự án bờ kè sông Cần Giuộc giúp huyện Cần Giuộc khắc phục được tình trạng sạt lở nhiều năm qua

Sạt lở vẫn âm thầm diễn ra

Khoảng 0 giờ ngày 26/6, tại khu vực mé sông Vàm Cỏ Tây, ấp 1, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 70m, rộng 40m, độ sâu 12m, khiến căn nhà của ông Nguyễn Văn Chiếu bị sụp lún hoàn toàn. Trước khi sạt lở xảy ra, ông Chiếu kịp thời gọi vợ, con dậy để thoát ra ngoài. Tuy nhiên, toàn bộ căn nhà, tài sản ước tính khoảng 1 tỉ đồng bị cuốn trôi theo vụ sạt lở.

Đây là vụ sạt lở thứ 8 xảy ra trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm đến nay. Trước đó, cũng tại huyện Châu Thành, ngày 11/3, tại khúc đê bao sông Vàm Cỏ Tây thuộc địa bàn xã Phú Ngãi Trị cũng xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 80m, rộng từ 5-15m và sâu từ 3-6m khiến việc đi lại của các hộ dân ở khu vực này gặp nhiều khó khăn. Khu vực này có dấu hiệu tiếp tục sạt lở. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn, sạt lở trên địa bàn huyện chủ yếu tại tuyến sông và khu vực tuyến đê bao sông Vàm Cỏ Tây.

Đến thời điểm này, huyện Thạnh Hóa ghi nhận 4 điểm sạt lở tương đối lớn nhưng chưa được khắc phục. Trong đó, điểm sạt lở cặp kênh Dương Văn Dương với Quốc lộ 62, đoạn từ ngã ba Tuyên Nhơn đến cầu Bún Bà Của, dài 226m, ảnh hưởng trực tiếp đến 27 hộ dân đang sinh sống. Từ năm 2018 đến nay, sau đợt sạt lở nghiêm trọng khiến 6 hộ dân phải di dời khẩn cấp, đến nay, tình trạng sạt lở vẫn âm thầm diễn ra tại điểm sạt lở này.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Trên địa bàn huyện còn xảy ra 3 điểm sạt lở khác, gồm 2 điểm sạt lở trên tuyến đường giao thông nông thôn liên ấp 1-4 cặp kênh Dương Văn Dương, xã Thủy Tây và 1 điểm sạt lở tại bờ sông Vàm Cỏ Tây, thuộc địa bàn xã Thuận Nghĩa Hòa với chiều dài khoảng 50m, chiều rộng từ mép sông đến vị trí rạn nứt khoảng 12m, độ sâu sụp lún từ 0,8-1m, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân. Các vị trí sạt lở này rất cần được tỉnh sớm xem xét, hỗ trợ khắc phục”.

Những căn nhà của người dân bị cuốn xuống sông Vàm Cỏ Tây sau vụ sạt lở tại ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An (Ảnh tư liệu)

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị ghi nhận nhiều vụ sạt lở khác tại các huyện: Bến Lức, Tân Trụ, Cần Đước, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An. Trong đó, huyện Bến Lức xảy ra sạt lở 2 đoạn tại vị trí bờ Nam đê kênh Xáng Lớn, xã Lương Hòa; huyện Tân Trụ xảy ra sạt lở tại hộ gia đình ông Huỳnh Văn Bên, cặp bờ sông Vàm Cỏ Tây, khu phố Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ; huyện Cần Đước xảy ra sạt lở tại khu vực bờ sông Rạch Cát, ấp Chợ, xã Long Hựu Đông; thị xã Kiến Tường xảy ra sạt lở, sụp lún tại bờ Rạch Bắc Chan và tại TP.Tân An là khu vực sạt lở nghiêm trọng dọc theo bờ sông Vàm Cỏ Tây, ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, với chiều dài khoảng 100m khiến 5 căn nhà bị sụp lún xuống sông vào rạng sáng 14 và ngày 15/6.

Thông tin từ Sở NN&PTNT, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 8 vụ sạt lở. Riêng năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 trường hợp sạt lở lớn với chiều dài hơn 1.000m, chủ yếu ở các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Đức Huệ,... Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phát triển nông thôn - Võ Kim Thuần khẳng định, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sạt lở, sụp lún đất trong thời gian qua chủ yếu do tác động của dòng chảy, phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông với mật độ dày, việc neo đậu tàu thuyền sai quy định và các công trình nhà ở, kho bãi vật liệu xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn trên các tuyến sông, kênh, rạch làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu.

Cận cảnh điểm sạt lở bờ Rạch Bắc Chan, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường vào ngày 24/5/2021

Tập trung các giải pháp phòng, chống sạt lở

Thời gian qua, từ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, Sở NN&PTNT tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân trong vùng sạt lở bằng các biện pháp công trình và phi công trình. Ngoài tham mưu UBND tỉnh triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai năm 2021, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh còn phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế nguy cơ rủi ro do thiên tai, sạt lở gây ra, bảo đảm đời sống người dân được ổn định, an toàn hơn; thường xuyên phối hợp, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, sụp lún, huy động lực lượng tuần tra, kiểm tra để sớm phát hiện các sự cố tại khu vực xung yếu, có nguy cơ cao về sạt lở, sụp lún đất và có kế hoạch để triển khai di dời, gia cố, xử lý kịp thời; thường xuyên thông tin rộng rãi về tình hình thời tiết, triều cường, mưa lũ, sạt lở đất và các loại hình thiên tai khác có nguy cơ cao làm ảnh hưởng đến các khu vực xung yếu dễ xảy ra sạt lở đất để người dân được biết. Qua đó, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ công trình thủy lợi và nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai sạt lở, sụp lún đất.

Điểm sạt lở tại cầu Tư Đây dài khoảng 50m tại vị trí bờ Nam đê kênh Xáng Lớn, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, xảy ra vào ngày 18/5/2021

Đối với các giải pháp công trình, năm 2020, từ nguồn vốn Trung ương và địa phương đã xây dựng nhiều công trình chống sạt lở như kè chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ven sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông, sông Cần Giuộc tại huyện Đức Huệ, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An. Năm 2021, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai, thực hiện các dự án cấp bách phòng, chống sạt lở như Dự án kè Kênh Nước Mặn (phía bờ Đông) xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, chiều dài tuyến kè 1.937m, tổng kinh phí trên 334 tỉ đồng; Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, chiều dài toàn tuyến kè 1.000m, tổng kinh phí gần 185 tỉ đồng; Dự án Kè chống sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây, khu vực Vịnh Đá Hàn, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, tổng kinh phí 178 tỉ đồng; Dự án Xử lý sạt lở bảo vệ Di tích lịch sử Miễu Ông Bần Quỳ, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tổng kinh phí 40 tỉ đồng và Dự án Kè kênh Bảo Định (đoạn từ cống Bảo Định đến đường cống Vành Đai), chiều dài 1.583m, tổng kinh phí đầu tư hơn 242 tỉ đồng.

Ngoài các dự án này, hiện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét tổng hợp, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ bố trí ngân sách từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ tỉnh thực hiện 2 dự án xử lý sạt lở cấp bách, gồm: Dự án Xử lý Sạt lở khu vực ngã ba Xóm Câu (ngã ba sông Kênh Hàn - sông Giồng), ấp Mương Chài, xã Phước Lại tại đoạn cuối đê Bà Kiểu - Mương Chài, huyện Cần Giuộc với chiều dài 480m, kinh phí đề xuất 50 tỉ đồng và Dự án Công trình Kè phòng, chống xâm nhập mặn, triều cường, sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ cầu Tân An 2 đến cống Rạch Chanh), phường 6 và xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An với chiều dài 5.500m, kinh phí đề xuất 300 tỉ đồng.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phát triển nông thôn - Võ Kim Thuần cho biết: “Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sạt lở, sụp lún đất, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh phối hợp chính quyền địa phương thường xuyên vận động, hướng dẫn người dân và phương tiện không đi vào những khu vực đang xảy ra hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để bảo đảm an toàn, khuyến cáo người dân không xây dựng công trình, nhà ở trong vùng sạt lở, sát bờ sông, kênh, rạch để hạn chế nguy cơ sạt lở xảy ra trong mùa mưa lũ; đồng thời, tổ chức khoanh vùng, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, di dời các hộ dân đang sống ở những khu vực bị ảnh hưởng sạt lở đến khu vực an toàn, khu tái định cư đã được chính quyền địa phương bố trí nhằm bảo đảm an toàn, ổn định đời sống của người dân”./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết