Tiếng Việt | English

10/02/2020 - 14:22

Sau tết, người chăn nuôi ngại tái đàn gia súc, gia cầm

Dịp Tết Canh Tý vừa qua, một lượng lớn gia súc, gia cầm (GS, GC) trên địa bàn tỉnh Long An đã được tiêu thụ. Việc tái đàn sau tết có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định lại hoạt động chăn nuôi và chủ động về nguồn cung thực phẩm trên địa bàn. Nhưng hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn đang lo lắng về tình hình dịch bệnh.

Người dân ngại tái đàn

Từ đầu năm 2020, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 06/02/2020, DTHCP đã xảy ra tại 3 hộ thuộc 3 ấp, 3 xã của 2 huyện Cần Đước và Tân Thạnh, tổng số heo tiêu hủy là 13 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 891kg. Cụ thể, huyện Tân Thạnh phát hiện 1 ổ dịch vào ngày 02-02 tại xã Tân Hòa (đã có kết quả xét nghiệm vi-rút) và 1 ổ nghi dịch vào ngày 05/02/2020 tại xã Nhơn Hòa (đã thực hiện test nhanh kết quả dương tính và đang gửi mẫu xét nghiệm vi-rút). Tại huyện Cần Đước phát hiện 1 ổ nghi bệnh DTHCP vào ngày 09/01/2020 tại ấp 3, xã Phước Vân, tổng số heo tiêu hủy là 3 con. Ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo bệnh và nghi bệnh theo quy định (chôn, đốt) và vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các hộ xảy ra bệnh.

Người chăn nuôi chủ động tiêm phòng dịch bệnh khi tái đàn trong chăn nuôi

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Đước, hiện nay, toàn huyện còn khoảng 1,2 triệu con GC và 2.900 con heo, trong đó có 230 con heo nái, giảm 1/4 số lượng so với thời điểm chưa xảy ra DTHCP, chủ yếu là đàn heo không bị dịch bệnh được người dân duy trì. Hiện nay, người chăn nuôi heo không dám tái đàn vì chưa có vắc-xin phòng trị bệnh. Mặt khác, sau dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng, cần được hỗ trợ vốn để trả nợ và tái đàn. Từ tháng 7 đến 11/2019, huyện phát hiện 380 ổ dịch, tổng số heo tiêu hủy là 5.300 con (chiếm trên 50% tổng số đàn heo) và tất cả xã, thị trấn đều có ổ dịch.

Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, gia đình ông Trần Văn Tâm (xã Tân Lân) bán được 10 con heo với giá 82.000 đồng/kg heo hơi. Tuy nhiên, do lo ngại về tình hình dịch bệnh phát sinh sau tết nên gia đình ông mới chỉ đầu tư tái đàn nhỏ, lẻ. Hiện tại, một số chuồng nuôi của gia đình ông còn bỏ không. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, hiện ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân không nên tái đàn heo mà nên chọn GC, thủy cầm và vật nuôi khác, chờ khuyến cáo ngành chuyên môn để tránh thiệt hại do dịch bệnh. Nếu tái đàn, người dân phải tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; thường xuyên thực hiện phun thuốc sát trùng để khử trùng, tiêu độc chuồng trại và khu vực chăn nuôi; chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh đàn GS, GC; thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi; báo ngay cho cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương nếu đàn vật nuôi có triệu chứng nghi ngờ bị dịch bệnh”.

Tại huyện Đức Hòa, thời gian qua, bệnh DTHCP gây thiệt hại khá lớn cho người chăn nuôi heo trên địa bàn. Huyện buộc phải tiêu hủy trên 11.200 con heo của 578 hộ thuộc 78 ấp, khu phố trên địa bàn 19 xã, thị trấn với tổng trọng lượng hơn 616 tấn. Bà Nguyễn Thị Thanh (xã Mỹ Hạnh Bắc) chia sẻ: “Điều kiện thời tiết như hiện nay dễ phát sinh dịch bệnh trên GS, GC, nhất là một số bệnh nguy hiểm: Cúm GC, lở mồm long móng trên GS, DTHCP tái phát,... Vì thế, hiện nay, chúng tôi e ngại tái đàn. Để tái đàn tốt, người dân được địa phương khuyến cáo cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi, nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Chuồng trại chăn nuôi sau khi xuất bán cần được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ, khi nuôi lứa mới cần vệ sinh thường xuyên, khử trùng định kỳ và tiêm phòng bệnh cho GS, GC theo đúng độ tuổi, liều lượng để phòng bệnh hiệu quả”.

Riêng đối với GC, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ đầu tháng 01/2020 đến nay, cả nước xảy ra 1 ổ dịch bệnh cúm A/H5N6 tại tỉnh Quảng Ninh. Theo kết quả lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, dương tính với vi-rút cúm A là 37,72%. Mặt khác, hiện nay, tổng đàn GC đang nuôi lớn, điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nguy cơ dịch bệnh cúm GC có thể xảy ra và lây lan rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra. Riêng Long An chưa phát hiện ổ dịch cúm GC nào. Tuy nhiên, các địa phương trong tỉnh rất chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh, để người dân tái đàn hiệu quả, ngành nông nghiệp hướng dẫn điều kiện tái đàn heo sau dịch bệnh DTHCP: Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng chức năng, các đơn vị liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện một số nội dung sau: Tổ chức triển khai việc thực hiện kê khai đối với cơ sở chăn nuôi trước khi tái đàn; thực hiện tốt công tác thống kê tổng đàn, theo dõi tình hình dịch bệnh trên heo, xác định tình hình phát triển thực tế của đàn heo tại địa phương; tổ chức khuyến cáo, tuyên truyền người chăn nuôi cẩn trọng trong việc tái đàn, vì nguồn vi-rút vẫn còn lưu hành và rất có thể tái dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt; tuyên truyền cho người chăn nuôi về việc tái đàn heo trên địa bàn phải gắn liền với chăn nuôi heo an toàn sinh học, không tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát, dễ làm phát sinh dịch bệnh, vận động người chăn nuôi không được tái đàn khi chưa thỏa mãn các điều kiện trên; hướng dẫn công tác tái đàn có trọng điểm, theo quy hoạch của địa phương và của tỉnh; khuyến cáo tái đàn đối với các cơ sở chăn nuôi khép kín, bảo đảm an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học.

Người chăn nuôi chủ động tiêm phòng dịch bệnh khi tái đàn trong chăn nuôi

Đối với cơ sở chăn nuôi chỉ được phép tái đàn khi có đủ các điều kiện sau đây: Chủ cơ sở chăn nuôi phải thực hiện kê khai với UBND các xã, phường, thị trấn trước khi thực hiện việc tái đàn (trường hợp không kê khai và để xảy ra dịch bệnh thì bị xử lý theo quy định và không được hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh theo quy định); có quyết định công bố hết dịch bệnh DTHCP của cơ quan có thẩm quyền (trong trường hợp địa phương chưa công bố hết dịch bệnh DTHCP thì phải được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn địa phương kiểm tra, xác nhận đáp ứng đủ yêu cầu nuôi tái đàn); thực hiện các biện pháp an toàn sinh học theo các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y hoặc đã được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, VietGAP, GlobalGAP trong chăn nuôi.

Riêng người chăn nuôi chuẩn bị tái đàn, cần thực hiện: Xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chuồng trại bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học; phải để trống chuồng và thực hiện nghiêm ngặt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại liên tục ít nhất trong 30 ngày trước khi thả nuôi; chỉ mua con giống rõ nguồn gốc ở các cơ sở có uy tín, kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTHCP và có giấy chứng nhận kiểm dịch đối với các trường hợp mua con giống ngoài tỉnh; bố trí nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn (đối với các cơ sở hiện còn heo trong trại). Đối với các cơ sở chăn nuôi tái đàn sau dịch: Sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy heo bệnh cuối cùng và đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở đối với quy mô tổng đàn trên 100 con ở một thời điểm hoặc nuôi không quá 10 con đối với cơ sở có quy mô và khả năng nuôi từ 100 con trở xuống. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, tình hình sức khỏe đàn heo ổn định, có thể thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả mẫu xét nghiệm đều âm tính với DTHCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng đàn. Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe đàn heo, tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm cho đàn vật nuôi như dịch tả heo cổ điển, tai xanh, lở mồm long móng,…; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 2 lần/tuần để tiêu diệt và hạn chế mầm bệnh xuất hiện, tồn tại trong môi trường; chấp hành nghiêm việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh của cơ quan chuyên môn, các điều kiện về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

Riêng đối với GC, tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y, Quyết định số 172/QĐ-TTg, ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025” và các văn bản của Bộ NN&PTNT. Trong đó, tập trung thực hiện những nội dung sau: Hướng dẫn chủ chăn nuôi GC tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc-xin cho đàn GC; tổ chức triển khai chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vắc-xin phòng bệnh; tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn GC, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng”./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết