Tiếng Việt | English

21/08/2021 - 18:54

Sẻ chia và yêu thương trong một mùa Vu Lan đầy biến động

Hiện cả nước có gần 1.000 tăng, ni, cư sỹ, phật tử tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch. Tổng giá trị giá hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế Giáo hội các cấp ủng hộ chống dịch gần 50 tỷ đồng.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật học Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm điều phối tình nguyện Phật giáo dặn dò các tình nguyện viên Phật giáo trước lúc lên đường. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật học Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm điều phối tình nguyện Phật giáo dặn dò các tình nguyện viên Phật giáo trước lúc lên đường. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Vu Lan là mùa tri ân, báo ân, mùa báo hiếu của mỗi người Việt Nam chúng ta. Mùa Vu Lan báo hiếu Phật lịch 2565-dương lịch 2021 đang đến trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến vô cùng phức tạp, gây nhiều mất mát tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Đây cũng là mùa Vu Lan thứ hai dịch COVID-19 hoành hành, không những thế, năm nay dịch còn ảnh hưởng nặng nề hơn rất nhiều so với mùa Vu Lan năm trước.

Thêm một mùa Vu Lan không có lễ bông hồng cài áo, không có cảnh tấp nập nơi cửa chùa trầm ấm mùi khói hương, nhưng không vì thế mà làm vơi bớt ý nghĩa của ngày lễ quan trọng này.

Để báo hiếu tiên tổ, cha mẹ, những bậc sinh thành và dưỡng dục, nhiều gia đình đã lựa chọn sắm lễ cúng ở nhà. Và ý nghĩa hơn nữa, rất nhiều người đã lựa chọn làm việc thiện nguyện để tri ân, báo ân với những người có công với đất nước như cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ, đồng bào tử nạn vì thiên tai, dịch bệnh; đóng góp ủng hộ các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch hay chung tay cùng chính quyền, các đoàn thể tặng những suất quà cho người vô gia cư, mất việc làm, gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19… thể hiện tinh thần đạo hiếu tứ trọng ân trong đạo Phật: Ân trời đất; ân quốc gia; ân thầy tổ, cha mẹ, ông bà; ân đồng bào, xã hội.

Những chuyến xe đầy ăm ắp rau, củ, quả, thực phẩm hướng về miền Nam ruột thịt đang chở nặng tình yêu thương từ những tấm lòng nhân ái.

Phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó đồng hành cùng dân tộc và tinh thần trách nhiệm cao cả với đất nước, với nhân dân, đã có biết bao tăng, ni cởi áo cà sa ra tuyến đầu chống dịch, bao phật tử theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày đêm góp công, góp của hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, vì 3 chữ “nghĩa đồng bào.”

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện phong trào “Cởi áo ca sa khoác áo blouse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch” do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát động, những ngày qua, tăng, ni, phật tử tại nhiều địa phương, nhiều cơ sở Phật giáo trong cả nước liên tục có đơn đăng ký xung phong lên tuyến đầu phòng, chống dịch. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã 2 lần tổ chức Lễ xuất quân cho các vị tăng, ni, phật tử cùng chức sắc, tu sỹ của Công giáo và đạo Tin Lành đăng ký tình nguyện tham gia phòng, chống dịch tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu COVID-19 (214 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 10 (45 người), Bệnh viện Dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 12 (40 người) và Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Hàng trăm tăng ni sinh thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã làm đơn đăng ký vào Nam hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Ngày 17/8, tại Hà Nội, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức tiễn 10 vị tăng sư của tỉnh Nam Định tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Long An.

Phong trào “Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch” từ các chùa, cơ sở thờ tự thuộc Giáo hội đã công đức hàng chục nghìn suất cơm phục vụ các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly phòng, chống dịch.

Nhằm góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện, trung tâm điều trị COVID-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khuyến khích các chùa, tự viện phát huy tinh thần “hộ quốc an dân,” tích cực phát tâm đăng ký, đề nghị chính quyền sở tại sử dụng chùa, cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly. Hiện nhiều chùa như Việt Nam Phật Quốc Tự, Phổ Quang (Thành phố Hồ Chí Minh); chùa Keo (Thái Bình); chùa Ích Minh (Bắc Giang); chùa Trình Yên Tử, Cung Trúc Lâm, Thiền viện Trúc Lâm, chùa Ba Vàng (Quảng Ninh); chùa Vĩnh An (Bến Tre)... có đơn gửi chính quyền địa phương về việc sử dụng cơ sở thờ tự làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Bên cạnh đó, các chùa, cơ sở tự viện cũng đăng ký nhận tro cốt và tổ chức cầu siêu cho các vong linh của những người tử vong do đại dịch COVID-19.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn trao bảng tượng trưng số máy thở đa năng cho bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn trao bảng tượng trưng số máy thở đa năng cho bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Báo cáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho thấy, hiện cả nước đã có gần 1.000 tăng, ni, cư sĩ, phật tử tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch; ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 và Quỹ vaccine phòng dịch COVID-19 trên 150 tỷ đồng; vận động ủng hộ hơn 3.000 tấn nông sản, 200.000 phần quà; 170 máy thở và tạo oxy; hàng trăm nghìn khẩu trang y tế, nước khử khuẩn cho ngành y tế.

Tổng giá trị giá hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế Giáo hội các cấp quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 lên tới gần 50 tỷ đồng.

Lễ Vu Lan, không phải cứ mâm cao, cỗ đầy, hóa nhiều vàng mã, tới chùa làm lễ là đã đủ để tri ân đất nước, báo hiếu tiên tổ, mẹ cha. Mỗi người có thể chọn cho mình một cách làm phù hợp, mà thiết thực, ý nghĩa nhất lúc này, đó là thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước “ai ở đâu ở đấy” và thực hiện lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam: tổ chức tụng kinh Vu Lan báo hiếu mẹ cha và hồi hướng tới cửu huyền thất tổ, Anh hùng liệt sỹ, các nạn nhân tử nạn trong đại dịch COVID-19, cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ, quốc thái dân an bằng hình thức trực tuyến.

Đại đức Thích Nguyên Chính, Phó chánh Văn phòng 1-Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân, tiếp nối thành công của Đại lễ Vu Lan 3 miền 2020, năm nay, Giáo hội tiếp tục tổ chức Đại lễ Vu Lan 3 miền theo hình thức trực tuyến với thông điệp thể hiện lòng thành kính tới mẹ cha, dành trọn tình cảm đến những người mẹ đang ngày đêm nơi tuyến đầu chống dịch, những mẹ tự mình chiến đấu với SARS-CoV-2 để chiến thắng kẻ thù vô hình, giành lại sự sống.

Để đem lại nguồn năng lượng mạnh mẽ cho những người con báo hiếu mẹ cha, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Vu Lan ở 3 điểm cầu: Chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), chùa Thiên An (Bình Định) và Bệnh viện Dã chiến số 7 Thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 20 giờ ngày 21/8/2021 (tức ngày 14/7 năm Tân Sửu), phát sóng trên kênh truyền hình An Viên; các ứng dụng như VTVcab, VNPT, Viettel, HTV, BTV, SCTV, FPT, AVG, VieOn và một số nền tảng mạng xã hội. 

Vu Lan 3 miền sẽ đem đến những câu chuyện cảm động về người mẹ, sự vất vả hy sinh cao cả của những người mẹ nơi tuyến đầu chống dịch trong các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung, cũng như tình cảm của những người con đang ngày đêm trong bộ đồ blouse trắng hướng về mẹ cha trong những ngày Vu Lan này.

Nếu như không có dịch bệnh, chắc lúc này họ đang ở bên mẹ cha… Và Vu Lan 3 miền sẽ vang lên những lời kinh, tiếng kệ, những hồi chuông và lời ca, cùng sự chia sẻ của các tăng, ni, mang đến cho chúng ta thêm nghị lực để chiến thắng, để sẻ chia và yêu thương hơn nữa… trong một mùa Vu Lan đầy biến động của cuộc sống hôm nay./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết